Virus corona có thể đã gây dịch bệnh tại Việt Nam từ 20.000 năm trước
Một nghiên cứu về sự tiến hoá di truyền của loài người gần đây phát hiện rằng cách đây hơn 20.000 năm, đã từng có một dịch bệnh liên quan đến virus corona xuất hiện tại vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam .
Tự động phát
Dịch virus corona có lẽ từng càn quét khu vực Đông Á cách đây hơn 20.000 năm, để lại các dấu vết trong gien di truyền ở người Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản thời nay.
Theo một báo cáo của chuyên gia Yassine Souilmi và nghiên cứu sinh Ray Tobler của Đại học Quốc gia Úc được đăng trên chuyên san Current Biology, đã phát hiện chứng cứ về sự thích nghi với họ virus corona trong 42 gien di truyền của cộng đồng dân số tại Đông Á, trong đó có Việt Nam.
|
Theo nhận định của hai chuyên gia trên, có vẻ như lịch sử về đại dịch cũng lâu đời như lịch sử loài người. Chỉ trong thế kỷ 20, con người phải chống chọi 3 chủng virus cúm gieo rắc cái chết hàng loạt cho thế giới, bao gồm dịch cúm Tây Ban Nha từ năm 1918-20, cúm châu Á (1957-58) và cúm Hồng Kông (1968-69).
Liên quan đến virus corona, trong 20 năm qua, thế giới cũng đã ghi nhận 3 dịch bệnh nghiêm trọng gây ra bởi họ virus này.
SARS-CoV là virus đã gây ra Hội chứng Suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng, một dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 2002 và khiến 800 người thiệt mạng. Tiếp theo là virus corona MERS dẫn đến Hội chứng hô hấp Trung Đông, khiến 850 người thiệt mạng; và cuối cùng là SARS- CoV-2, loại virus đã gây ra đại dịch Covid-19 và khiến 3,8 triệu người phải tử vong.
Nhưng cũng đã có nhiều cơn đại dịch trong suốt hàng ngàn năm. Ngày nay, nhờ vào những công cụ thống kê di truyền hiện đại, giới nghiên cứu đã lần theo dấu vết của dịch bệnh, dựa trên những thích nghi trong ADN của các cộng đồng dân số.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc đã tiến hành phân tích chuỗi gien của hơn 2.500 người thuộc 26 cộng đồng trên thế giới. Họ phát hiện chứng cứ về sự thích nghi di truyền ở 42 gien khác nhau của người, tất cả đều đến từ Đông Á.
|
Virus là những sinh vật đơn giản, theo đuổi một mục tiêu duy nhất: tạo thêm nhiều bản sao của chính nó. Thế nhưng, cấu trúc sinh học của chúng quá đơn giản đến nỗi virus không thể tự mình nhân đôi. Thay vào đó, chúng phải xâm nhập tế bào của các sinh vật khác để sinh sôi, thông qua cơ thể gọi là tương tác protein virus (VIP).
Kết quả nghiên cứu của đội ngũ trên đã phát hiện các VIP ở phổi của những đối tượng nghiên cứu, cũng là mô bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Từ đó, các chuyên gia cho rằng có lẽ Đông Á là cái nôi của họ virus corona.
Bình luận (0)