Virus corona đáng sợ ra sao so với các đại dịch từng xảy ra?

07/02/2020 10:28 GMT+7

Hiện tại, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona chủng mới gây ra đã lây lan từ Trung Quốc ra nhiều nước khắp thế giới. Nhưng liệu dịch bệnh mới này có nguy hiểm như các đại dịch trước đây trong lịch sử loài người hay không?

Đại dịch HIV/AIDS 1981 - 2012 khiến 25 triệu người chết
Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) lần đầu được phát hiện tại Cộng hòa Congo năm 1976. Dịch bệnh bùng phát đầu thập niên 1980.
HIV/AIDS vẫn là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất mà nhân loại phải đối mặt trong nhiều năm gần đây. Đến đầu những năm 2000, có gần 25 triệu người tử vong trong số 65 triệu người nhiễm.

Xét nghiệm HIV/AIDS.

Reuters

Các biện pháp phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS đều đã được cải thiện. Liên Hiệp Quốc cho biết đến cuối năm 2018, có khoảng 27,9 triệu người nhiễm HIV/AIDS và 24,5 triệu người trong số đó được điều trị bằng thuốc kháng vi rút.
Đại dịch cúm châu Á 1956 - 1958 khiến 2 triệu người thiệt mạng
Vi rút cúm châu Á bắt nguồn từ Trung Quốc vào đầu năm 1956, sau đó lan rộng đến Singapore, Hồng Kông và Mỹ.
Dù con số người tử vong chưa thống nhất, WHO cho rằng có khoảng 2 triệu người thiệt mạng trong 2 năm dịch cúm này hoành hành với gần 70.000 nạn nhân là người Mỹ.
Các nghiên cứu cho thấy vi rút cúm này pha trộn giữa chủng vi rút cúm gia cầm, có trên một loài vịt hoang, và cúm người.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 khiến 20 - 50 triệu người thiệt mạng
Được cho là một trong những đại dịch tồi tệ nhất lịch sử loài người, đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát năm 1918 sau đó lây lan đến châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, thậm chí còn lan đến Bắc Cực và các đảo hẻo lánh ngoài khơi Thái Bình Dương.
Đại dịch chính thức kết thúc vào tháng 12.1920. Nhiều nhà nghiên cứu ước tính số lượng người chết thực sự trong đại dịch này phải lên đến 100 triệu người, tương đương với khoảng 3 - 5% dân số Trái Đất vào thời điểm đó.
Điểm khác biệt của đại dịch cúm này với các dịch cúm khác là đối tượng tấn công của virus: thanh niên, hoàn toàn khỏe mạnh.
Đại dịch Cái chết đen 1346 - 1353 khiên 75 - 200 triệu người chết
Cái chết đen có lẽ là đại dịch "khét tiếng" nhất, có số lượng người thiệt mạng rất cao: 75 triệu - 200 triệu người.
Đại dịch này "khủng bố" cả châu Âu, châu Phi và châu Á và lây lan "liên lục địa" qua đàn bọ chét sống ký sinh trên chuột, thường có trên tàu buôn hàng.
Trong vòng 7 năm, Cái chết đen làm biến mất 30 đến 60% dân số châu Âu.
Dịch hạch Justinian 541 - 542 khiến 25 triệu người chết
Dù ít được biết đến, đại dịch dịch hạch Justinian đã xóa sổ 50% dân số châu Âu thời điểm đó chỉ trong vòng 12 tháng, và khoảng 40% dân số Constantinople thiệt mạng. Vào đỉnh dịch, mỗi ngày có khoảng 5.000 người chết.
Đại dịch hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) 2002 khiến hơn 900 người thiệt mạng
Rất nhanh sau những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, dịch SARS lây lan ra 29 quốc gia làm hơn 8.000 người nhiễm bệnh, hơn 900 người tử vong.
Virus SARS-CoV gây đại dịch SARS là một chủng virus corona, cùng họ với virus nCoV mới đang gây ra dịch viêm phổi cấp Vũ Hán. 

Đại dịch SARS năm 2003.

Business Insider

Đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin để phòng ngừa SARS an toàn, hiệu quả
Đại dịch Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) 2012 khiến hơn 850 người thiệt mạng
Virus gây đại dịch MERS là virus mới bắt nguồn từ lạc đà xuất hiện ở Trung Đông, cũng thuộc chủng virus corona. MERS có mặt tại 25 quốc gia.
Hàn Quốc được xem là "ổ dịch" MERS với 95 ca nhiễm bệnh và 7 trường hợp đã chết
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.