Theo PGS - TS Lê Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ngay từ khi có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2, gây dịch Covid-19, từ bệnh phẩm của ca bệnh Covid-19.
TS Mai đánh giá: "Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã qua 2 đợt dịch. Khi phân tích các virus trên bệnh phẩm từ các bệnh nhân, kết quả cho thấy, virus gây bệnh đã tách thành 2 nhóm khác hẳn nhau. Giai đoạn trước, các bệnh nhân là những người về từ châu Á, còn giai đoạn hiện nay, các bệnh nhân nhiễm virus có nguồn gốc bắt đầu từ châu Âu chiếm đa số. Và virus mà ta phân lập được trên ca bệnh Covid-19 về từ châu Âu thì khác với virus gây bệnh tại châu Á".
Hiện tại, các nhà khoa học của Viện chưa khẳng định về độc lực của virus này liên quan đến nguồn gốc địa lý, nơi mà chúng tồn tại. "Tuy nhiên, nó rất khác, khác biệt rõ rệt, có tiến hóa’’, TS Mai cho biết.
|
Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng cho hay: “Virus nào lây nhiễm nhiều hơn, mạnh hơn hiện vẫn chưa khẳng định. Vì ngoài yếu tố đặc tính riêng, thì việc virus lây nhiễm còn phải có điều kiện tốt, môi trường tốt và cơ thể cảm nhiễm tốt”.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV gây dịch Covid-19. Việc phân lập, nuôi cấy thành công đã giúp phát triển các sinh phẩm xét nghiệm, cũng như phục vụ cho nghiên cứu điều chế vắc-xin dự phòng bệnh.
Với các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất mồi chuẩn thực hiện các xét nghiệm chính xác khẳng định ca bệnh Covid-19, cho kết quả xét nghiệm sớm hơn với số lượng lớn mẫu bệnh phẩm. Việc này càng có ý nghĩa khi dịch Covid-19 tại Việt Nam đang lây lan trong cộng đồng, số người cần xét nghiệm tăng cao.
Bình luận (0)