VKS đề nghị bác kháng cáo kêu oan của nguyên Giám đốc Sở Địa chính Bình Dương

28/05/2020 21:07 GMT+7

Viện KSND đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của nguyên Giám đốc Sở Địa chính Bình Dương và 2 bị cáo khác, chỉ chấp nhận đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 28.5, ở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan kháng cáo của nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương Cao Minh Huệ và 2 bị cáo khác.

Cán bộ “xẻ” đất nhà nước rồi đem bán

Theo bản án sơ thẩm, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhà nước, Công ty chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu (Sobexco) được UBND tỉnh Bình Dương giao cho quản lí 706 ha đất vườn điều tại X.An Tây, H.Bến Cát.
Năm 1997, Sobexco thanh lí 658 ha vườn điều, vay vốn để trồng cây cao su nhưng không hiệu quả dẫn đến nợ kéo dài. Sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh, tháng 4.2000 và tháng 6.2002, công ty trên đã tiến hành bán 658 ha cây cao su/706 ha đất được giao.
Trong quá trình bán cây cao su, mặc dù biết giá bán vườn cây cao su là không tính giá trị đất nhưng bị cáo Phan Văn Trung (55 tuổi, nguyên Trưởng phòng NN-PTNT H.Bến Cát) và Đỗ Văn Sâm (61 tuổi, nguyên cán bộ phòng NN-PTNT H.Bến Cát) đã hướng dẫn ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Sobexco, lập và kí hàng loạt hợp đồng chuyển nhượng đất cho các cá nhân, cấp sổ đỏ cho nhiều người trái pháp luật.

Bị cáo Huệ trình bày tại phiên tòa

Ảnh: Huyền Mai

Riêng bị cáo Cao Minh Huệ (65 tuổi), trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh, bị cáo đã ký tờ trình đề xuất UBND tỉnh giao cho UBND H.Bến Cát làm các thủ tục cấp sổ đỏ cho những người mua cây cao su mà không thu tiền sử dụng đất, thuê đất theo đúng quy định. Đáng chú ý, trong số những người mua cây cao su có người nhà của các bị cáo Huệ, Sâm và Trung.
Hành vi trên của các bị cáo dẫn đến việc nhà nước bị thất thu tiền thuê đất. Không chỉ vậy, khi nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp An Tây vào năm 2007, những người mua đất lại được nhận tiền bồi thường, gây thiệt hại lớn cho nhà nước. Tổng cộng, trong vụ việc trên, nhà nước đã thiệt hại hơn 131 tỉ đồng.
Ngày 20.5.2019, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Cao Minh Huệ 12 năm tù, Phan Văn Trung 11 năm tù và Đỗ Văn Sâm 10 năm tù. Riêng ông Nguyễn Thanh Hải đã mất nên không truy tố.

“Kháng cáo kêu oan không thành, xin chuyển giảm nhẹ hình phạt”

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ba bị cáo đã kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Cao Minh Huệ đề nghị HĐXX giám định lại giá trị pháp lý của một số văn bản liên quan đến vụ án, giám định lại thiệt hại của vụ án. Bị cáo chỉ ra phiên tòa sơ thẩm đã thiếu sót khi không có sự tham gia đầy đủ của các thành phần tố tụng, không xác định được người bị hại trong vụ án.
Bị cáo Cao Minh Huệ cũng không chấp nhận tội danh mà tòa sơ thẩm tuyên phạt. Bị cáo này cho rằng mình không phải là người có chức vụ quyền hạn mà chỉ là người tham mưu đương quyền. Ngoài ra, bị cáo Huệ cho biết bản thân mắc bệnh ung thư, gia đình có công với cách mạng… để xin giảm nhẹ hình phạt.

Những người đã mua cao su của Công ty Sobexco có mặt tại phiên tòa

Ảnh: Huyền Mai

Bị cáo Trung cho rằng mức án tòa sơ thẩm tuyên là quá nặng, không đúng tội trạng đối với bị cáo. Giống bị cáo Huệ, bị cáo Trung xin Tòa giảm nhẹ hình phạt với lí do đang mắc bệnh.
Riêng bị cáo Đỗ Văn Sâm kêu oan, cho rằng bản thân không biết việc mình đã làm là sai.
Phát biểu tại phiên tòa, Viện KSND cho rằng HĐXX cấp sơ thẩm tuyên án đúng người, đúng tội, không oan sai. Vì vậy, Viện KSND đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của nguyên Giám đốc Sở Địa chính Bình Dương và 2 bị cáo khác, chỉ chấp nhận đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng mai (29.5).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.