VN có khả năng tăng nhập khẩu gạo

26/09/2024 06:19 GMT+7

Một số doanh nghiệp cho biết có khả năng cần tăng nhập khẩu gạo từ những nước lân cận để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, nhất là cho thị trường Indonesia.

Dòng gạo ST tăng giá mạnh, VN cần tăng nhập

Ở ĐBSCL, hiện nay bà con nông dân đang tranh thủ thu hoạch lúa hè thu muộn nhưng do thời tiết mưa nhiều khiến việc thu hoạch gặp khó khăn và chất lượng lúa không cao. Chính vì vậy, giá lúa gạo có loại tăng cao, có loại lại giảm.

A1.jpg

VN có khả năng cần nhập khẩu lúa gạo để phục vụ xuất khẩu trong những tháng cuối năm

Ảnh: Công Hân

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), cho biết giá giảm ở một số mặt hàng gạo liên quan đến chất lượng do ảnh hưởng mưa bão. Còn về thị trường chung, hiện tại nguồn cung gạo hạn chế, giá vẫn ở mức cao và đang tiếp tục tăng. Tăng mạnh nhất là dòng gạo đặc sản ST như ST21, ST24, ST25 tăng thêm từ 1.000 - 1.200 đồng/kg so với khoảng 1 tuần trước; nhóm OM18, OM5451 tăng nhẹ hơn một chút. Còn dòng gạo OM380 hay IR50404 để xuất khẩu sang thị trường Indonesia thì giá không được cao. Tuy nhiên sau khi có kết quả thầu tháng 9, giá gạo dòng sản phẩm này có thể tăng nhẹ do nguồn cung nội địa hạn chế. 

"Từ nay đến cuối năm 2024, nhìn chung nguồn cung gạo của VN không có nhiều và chúng ta chỉ còn vụ thu đông là vụ có sản lượng ít nhất trong năm. Chính vì vậy, có khả năng nếu doanh nghiệp (DN) tiếp tục tham gia thầu Indonesia thì phải tăng nhập khẩu gạo từ các nước lân cận như Campuchia", ông Thành nhận định.

Việt Nam có khả năng tăng nhập khẩu gạo

Nhận định của ông Thành được nhiều DN đồng tình. Một số DN phân tích thêm số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến cuối tháng 8, xuất khẩu gạo của VN đạt hơn 6,15 triệu tấn. Lũy kế đến hết tháng 9 có thể sản lượng xuất khẩu lên 6,8 triệu tấn. Đây là con số bình quân của xuất khẩu gạo VN trong nhiều năm qua. Thêm vào đó, mới đây các tỉnh miền Bắc và miền Trung bị ảnh hưởng của bão lũ khiến gần 200.000 ha lúa bị thiệt hại, sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung gạo của VN ra thị trường quốc tế trong những tháng cuối năm.

Số liệu báo cáo và nhận định của các DN đều cho thấy VN không có nhiều gạo để xuất khẩu nhưng theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo trên thị trường thế giới lại đang có xu hướng giảm và đang ở mức thấp. Cụ thể gạo 5% tấm của VN mức 565 USD/tấn, Thái Lan là 560 USD/tấn và Pakistan là 529 USD/tấn. Mức giá hiện tại đang thấp hơn so với đầu năm và cũng ngược với xu hướng thông thường của thị trường gạo thế giới là tăng vào cuối năm.

Vì sao giá gạo giảm?

Liên quan tới nguồn cung lớn nhất thế giới là Ấn Độ - vốn được cho là đang cân nhắc việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati đã kéo dài hơn 1 năm qua, ông Nguyễn Văn Thành phân tích: Những đồn đoán này đã xuất hiện nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa xảy ra. Trong trường hợp có xảy ra thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường VN, bởi thị trường chính của gạo VN là Philippines. Có 3 giống gạo chính của VN mà họ rất ưa chuộng là OM5451, OM18 và ĐT8; 3 giống này chiếm tới

80 - 90% ở thị trường Philippines; ngay cả gạo Thái Lan cũng không cạnh tranh lại. Sau khi thu hoạch xong, chỉ mất 15 - 20 ngày là gạo VN có mặt trên bàn ăn của người dân Philippines - họ thích sự tươi mới đó. VN có lợi thế về mặt địa lý nên thời gian vận chuyển ngắn, chi phí thấp là ưu điểm mà không nước nào có được. Ở phân khúc cao cấp như dòng ST thì VN đang xuất khẩu rất tốt vào thị trường Trung Quốc, Trung Đông và EU. Trong khi đó, gạo trắng non-basmati của Ấn Độ nằm ở phân khúc thị trường Indonesia (ngay cả phân khúc này thì chất lượng gạo của VN cũng cao hơn), hiện nay nguồn cung gạo của VN không nhiều nên tác động là có nhưng không đáng kể.

Vừa trở về từ 2 hội nghị lúa gạo quốc tế ở Thái Lan và Indonesia, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang về thị trường lúa gạo quốc tế SSRicenews, phân tích: Nhu cầu gạo của các nước vẫn cao, đặc biệt như Indonesia hay Philippines. Tuy nhiên giá gạo gần đây có xu hướng giảm là do tác động của tỷ giá USD lên đồng nội tệ của nhiều nước xuất khẩu gạo. Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục chính sách hạn chế nhập khẩu gạo. Điều này khiến kho dự trữ gạo của Myanmar đang tăng nhanh khi nước này chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 11. Myanmar trước nay phụ thuộc vào thương mại gạo qua biên giới với Trung Quốc còn thương mại theo hình thức quốc tế, logistics không phát triển mạnh và chi phí cao. Do đó, khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, Myanmar gặp áp lực và tích cực tìm đầu ra bằng cách chủ động giảm giá. Điều này kéo theo thị trường chung đi xuống.

Cũng theo bà Hương, giữa tháng 9, Ấn Độ đã bỏ chính sách áp giá sàn xuất khẩu với mặt hàng gạo basmati. Đây là một trong những động thái nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của nước này. Trước đó, Ấn Độ đã cho phép các nhà sản xuất ethanol tư nhân tham gia các gói thầu mua gạo nguyên liệu. Ở phân khúc này, Pakistan là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất, gạo VN không nằm trong phân khúc này. Còn đối với gạo trắng non-basmati, thực tế các dữ liệu khách quan cho thấy Ấn Độ có đủ điều kiện để mở lại và đó sẽ chỉ là việc sớm hay muộn. Tuy nhiên vấn đề Ấn Độ đang cân nhắc chính là việc liên quan đến các cơ quan và DN nhà nước thực thi chính sách cung cấp gạo giá rẻ cho dân nghèo. Họ đang tìm giải pháp để tránh tình trạng các chính sách này chồng chéo, tác động xấu lẫn nhau khiến gạo trợ cấp không đến được với người nghèo mà bị bán ra nước ngoài.

6 tháng, VN nhập khẩu gạo 670 triệu USD, tăng 27%

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2024, VN chi khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, nhập khẩu gạo của VN là 860 triệu USD; nguồn cung chủ yếu từ Campuchia và Ấn Độ. VN nhập khẩu gạo chủ yếu để tái xuất và phục vụ nhu cầu chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ gạo.

VN tiếp tục trúng thầu gạo tại thị trường Indonesia

Trong tháng 9, Indonesia mời thầu với lượng gạo nhiều kỷ lục là 450.000 tấn, được chia thành 15 lô. Một DN VN trúng thầu 2 lô với số lượng gần 60.000 tấn, giá trúng thầu là 548 USD/tấn (giá C&F - giao hàng tại cảng của Indonesia). Mức giá thấp nhất trong đợt mở thầu này thuộc về một DN Myanmar với giá 547 USD/tấn. Thái Lan là nước trúng thầu với giá gạo cao nhất là 574 USD/tấn, số lượng 1 lô, tương đương 31.800 tấn. Pakistan là nước trúng thầu gạo với số lượng nhiều nhất với 8 lô, tổng số gạo khoảng 240.000 tấn, giá trúng thầu dao động từ 555 - 567,5 USD/tấn.

Cơ quan Thống kê T.Ư Indonesia cho biết trong 8 tháng của năm 2024, nước này đã nhập khẩu 3,05 triệu tấn gạo, trị giá 1,9 tỉ USD. Lượng gạo nhập khẩu tăng 121% phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.