Cơ hội tham gia ngành công nghiệp bán dẫn
"VN cần có những giải pháp gì để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn", ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chất vấn.
Hồi đáp ĐB, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay VN là nước có nhiều lợi thế khi kinh tế số vừa qua phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng 12 - 15%/năm. Người VN có nhiều tố chất nổi trội để tham gia vào ngành này như yêu toán, khéo léo; việc đào tạo các ngành liên quan công nghệ thông tin, vật lý, vật liệu cũng được chú trọng. "VN hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn", ông Hà khẳng định.
Tuy vậy, để tận dụng được lợi thế, VN cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ để đáp ứng nhu cầu. Chính phủ đã có chủ trương chọn các trường đại học, xây dựng trung tâm chip bán dẫn, đầu tư phòng lab hiện đại… để tận dụng các cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất lĩnh vực công nghệ cao này. Cạnh đó, đưa ra các chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào công nghệ chip, bán dẫn.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói về giải pháp bình ổn thị trường vàng
Tranh luận thêm về nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), nói VN kỳ vọng trở thành "miền đất hứa" thu hút ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là làm sao tận dụng được cơ hội sớm nhất, nhanh nhất, biến những tiềm năng thành lợi thế để thu hút nhà đầu tư.
"Hệ thống chính sách của VN như thế nào, chúng ta phải chuẩn bị những gì để thu hút được các nhà đầu tư?", ông Hạ nêu vấn đề.
Trả lời ĐB, Phó thủ tướng cho biết VN có lợi thế, song thực tế thì để nắm bắt công nghệ, làm chủ sản xuất là cả một vấn đề cần phải nghiên cứu cơ bản, kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau và triển khai một cách lâu dài. Hiện Thủ tướng chỉ đạo đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ để phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản, các trung tâm đổi mới sáng tạo tiến hành những khâu đầu của ngành công nghiệp này.
Giảm phụ thuộc DN FDI
Chất vấn Phó thủ tướng, ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng nhiều năm qua chúng ta đã áp dụng nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn phụ thuộc vào DN có vốn nước ngoài (FDI) (chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp). ĐB Mai hỏi có những giải pháp gì tiếp theo để nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất xuất khẩu của DN VN trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ?
"Chúng ta cần rút kinh nghiệm, quy định rõ từ đầu khi cấp giấy phép đầu tư, yêu cầu các DN nước ngoài cam kết chuyển giao công nghệ, nhất là với công nghệ các ngành mới nổi. Thứ hai là phải cam kết việc nghiên cứu, triển khai đặt ở VN; ba là phải có lộ trình để nội địa hóa và hướng tới một số lĩnh vực công nghiệp mà chúng ta phải làm chủ", Phó thủ tướng nêu.
Theo đó, một số lĩnh vực VN có thể tận dụng cơ hội để phát triển được hệ sinh thái, như ngành công nghiệp về năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp liên quan đến đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, các ngành công nghiệp trong chuyển đổi số như chip bán dẫn…
ĐB Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) đề nghị Phó thủ tướng cho biết thực trạng việc cung ứng điện đã ảnh hưởng như thế nào đến các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong năm 2023 có giai đoạn thiếu điện cục bộ tại một số địa phương ở miền Bắc. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh các dự án nguồn điện, tháo gỡ các dự án đang vướng mắc hiện nay về cơ chế, chính sách để đầu tư. Đồng thời, giải quyết khâu phân phối điện thông qua xây dựng Đường dây 500 kV mạch 3 với thời gian thần tốc, khoảng cuối tháng 6 này đóng điện.
"Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng và ban hành nghị định để mọi người dân có mái nhà đều có thể cung cấp nguồn điện tự sản tự sinh để tiêu dùng", Phó thủ tướng nói và cho hay với trách nhiệm từ các đơn vị liên quan sẽ đảm bảo đủ cung ứng điện.
Bình luận (0)