Thị trường ảm đạm
Những ngày cuối năm 2018, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất USD đã ngay lập tức tạo ra làn sóng bán tháo trên thị trường cổ phiếu toàn cầu. Điều đó cũng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo, đưa chỉ số VN-Index đóng cửa trong mức tăng trưởng âm. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng VN nhận định, với chính sách tăng lãi suất gần đây của Fed cũng như động thái của một số ngân hàng trung ương lớn đều cho thấy các nước thể hiện quyết tâm không bơm tiền ra thị trường trong năm mới. Tương tự, Ngân hàng Nhà nước VN cũng đã tỏ rõ thái độ sẽ tiếp tục quá trình siết chặt tín dụng đối với những lĩnh vực nhạy cảm, mà đứng đầu là chứng khoán.
tin liên quan
Chứng khoán thế giới kết thúc năm với số 'âm'Cũng có dự báo thị trường sẽ ảm đạm, trong báo cáo triển vọng năm 2019 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng tiền đồng vẫn sẽ tái diễn khả năng giảm giá trong năm 2019. Khi đó, các nhà đầu tư nên thận trọng với các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng đồng EUR cao. Thêm vào đó, với việc lãi suất tiếp tục tăng, việc phân bổ một phần danh mục đầu tư vào trái phiếu hoặc tiền gửi có kỳ hạn cũng đáng để xem xét. Nhưng công ty này nhận định điểm tích cực là định giá thị trường đã giảm về mức hợp lý hơn sau các đợt điều chỉnh mạnh trong năm 2018. Hiện tại, VN-Index đang được giao dịch ở mức P/E 16 lần (giá/thu nhập cổ phiếu). Dựa trên những ước tính về tăng trưởng lợi nhuận và diễn biến của các dòng vốn, công ty này không kỳ vọng mức P/E sẽ tăng trở lại trong năm nay. Vẫn sẽ có những cơ hội riêng biệt cho nhà đầu tư trong một thị trường ảm đạm, và việc lựa chọn cổ phiếu là điều quan trọng nhất trong 2019. Một cổ phiếu có cơ bản tốt sẽ có khả năng chống chịu được phần nào một cú giảm sốc của thị trường khi dòng tiền nóng rút đi.
VN-Index dao động từ 600 - 1.000 điểm
Trong dự báo của mình, Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định VN-Index sẽ chỉ dao động quanh ngưỡng 900-1.000 điểm. Nhưng có những cổ phiếu đắt hoặc rẻ hơn phần còn lại. Vì vậy công ty tin rằng những nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư năng động giải ngân.
|
Nhưng theo Công ty chứng khoán Vietcombank, mặc dù kỳ vọng vào một kịch bản tích cực của thị trường nhưng công ty này cho rằng các chỉ số chính sẽ dao động trong biên độ khá lớn, khoảng 300-350 điểm (theo mức hiện tại của VN-Index là 892,54 điểm thì mức thấp nhất có thể về còn dưới 600 điểm và mức cao có thể lên gần 1.200 điểm - PV). Dự báo này dựa trên các cơ sở gồm động thái tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2019. Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện ngay trong năm tới và kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đi cùng với việc kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá dù chịu nhiều áp lực hơn.
Công ty chứng khoán Vietcombank cũng kỳ vọng với mức tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị giao dịch kỳ vọng mức tăng khoảng 14% tương ứng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 5.700 tỉ đồng trên cả hai sàn.
Tương tự, một kịch bản khá bi quan cho chứng khoán được ông Phan Dũng Khánh đưa ra. Ông Khánh cho biết theo quan điểm của mình, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 600 - 1.100 điểm. “Tôi nghĩ rằng dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán rất thông minh và nhà đầu tư phải tìm ra dòng chảy này và đi theo mới có thể sinh lời. Nếu kinh tế vĩ mô của VN đón nhận những thông tin tốt chẳng hạn như Samsung mở thêm nhà máy mới hay một số nhà sản xuất của Apple vào VN hoặc Mỹ quay trở lại tham gia vào Hiệp định CPTPP. Khi đó sẽ là những cú hích lớn và sẽ làm giảm mức biến động xấu nhất cho thị trường chứng khoán”, ông Phan Dũng Khánh nhấn mạnh.
Giá trị giao dịch tăng 29%
Nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đầu năm cũng như hàng loạt thương vụ niêm yết của các doanh nghiệp lớn nên thanh khoản toàn thị trường đã được cải thiện đáng kể so với năm 2017. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường đạt hơn 67 tỉ đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 1,63 triệu tỉ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh tăng 25,2% và đạt 1,3 triệu tỉ đồng, còn phương thức thỏa thuận tăng gần 47% và đạt 328.600 tỉ đồng. Sàn TP.HCM vẫn thu hút được dòng tiền lớn nhất với khối lượng giao dịch đạt hơn 49,2 tỉ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trị giá 1,34 triệu tỉ đồng, tăng 28,5% so với năm 2017.
|
Bình luận (0)