|
Thương mại thế giới đã thay đổi
Theo ông Pascal Lamy, thương mại thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ 10 năm trở lại đây. Thay vì xu hướng dựng nên những hàng rào thuế quan để bảo hộ sản xuất nội địa thì xu hướng đang định hình giảm rào cản làm sao để mỗi quốc gia có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình.
|
Bản chất rào cản cũng đang thay đổi khi việc đa dạng hóa nơi sản xuất khiến các rào cản truyền thống như thuế quan đã trở nên không còn quan trọng nữa. Thay vào đó là các rào cản mới phi thuế quan không nhằm bảo vệ sản xuất trong nước mà bảo vệ người tiêu dùng khỏi các rủi ro về an toàn, sức khỏe, môi trường. “Đó là điều khác biệt rất lớn so với rào cản truyền thống”, ông Pascal Lamy nhấn mạnh.
Tuy nhiên giai đoạn hiện tại vẫn là giai đoạn chuyển tiếp. Theo ông Pascal Lamy, chúng ta đang kẹt giữa hệ thống cũ chưa hoàn toàn mất đi một số cấu trúc thương mại và các yếu tố của quá khứ như thuế quan và một hệ thống mới đang định hình.
Ví dụ nhìn vào lĩnh vực thủy sản hoặc các sản phẩm thực phẩm thì lợi thế so sánh chủ yếu là chất lượng. Chất lượng chính là năng lực để được nhìn nhận như một nhà sản xuất đáp ứng hết các tiêu chuẩn.
Mặc dù thị trường có nhiều phân khúc với các nhóm sản phẩm chất lượng thấp, trung bình, cao cấp nhưng ngay cả ở phân khúc thấp sản phẩm cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định. Đây là điều chưa từng có hoặc chưa từng gặp phải trong quá khứ đối với nhiều quốc gia trong đó có VN - ông Pascal Lamy nhấn mạnh.
“Quan trọng là dự báo được xu thế trước các đối thủ. Đó là cách bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, bảo vệ được công ăn việc làm”, ông Pascal Lamy nói.
Nguyên Tổng giám đốc WTO cũng nhấn mạnh xu hướng bảo vệ người tiêu dùng (NTD) sẽ tăng lên. Khi thu nhập tăng thì NTD ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm. Sự thận trọng bảo vệ NTD cũng ngày càng tăng. Công nghệ phát triển cũng là yếu tố giúp tăng mức quản lý kiểm soát chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn 10 năm trước, tiêu chuẩn dư lượng kháng sinh đối với thủy sản là 3 microgram/kg. Nhưng hiện nay các thiết bị đo đạc đã có khả năng xác định được những hàm lượng nhỏ hơn. Vì thế xu hướng là các tiêu chuẩn khắt khe hơn, sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn.
Quan trọng là dự báo được xu thế trước các đối thủ. Đó là cách bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, bảo vệ được công ăn việc làm |
||
Ông Pascal Lamy, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) |
||
“Tác động của các yếu tố đó lên thương mại ngày càng lớn. Đối với các quốc gia có lợi thế so sánh trong các lĩnh vực như thủy sản thì đây là vấn đề nhạy cảm hơn nhiều và buộc chúng ta càng cần phải thận trọng hơn”, ông Pascal Lamy lưu ý.
VN không có lựa chọn nào ngoài lợi thế con người
Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp về lợi thế so sánh của VN, nguyên Tổng giám đốc WTO khẳng định VN không có lựa chọn nào khác trong việc lựa chọn lợi thế cạnh tranh ngoài yếu tố con người. VN được ông Pascal Lamy so sánh cũng giống như Nhật Bản, châu u và chừng mực nào đó như Trung Quốc...
“Đây là một lợi thế rất mạnh và không có giới hạn. Người dân lúc nào cũng có thể sáng tạo hơn, có thể nâng cao khả năng của mình. Vấn đề quan trọng là cần đưa ra một hệ thống giáo dục tốt hơn... VN có ưu thế về tài nguyên biển nhưng vấn đề không phải là đánh được bao nhiêu cá mà làm thế nào tận dụng tiềm năng con người nâng cao chất lượng đánh bắt và chế biến tốt nhất tạo ra các sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường”, ông Pascal Lamy nói.
Theo ông Pascal Lamy, về lâu dài, sự thành công của VN phụ thuộc vào việc VN gia nhập như thế nào vào nền kinh tế toàn cầu. Điểm quan trọng là về trung và dài hạn chính sách thương mại tốt nhất của VN là đầu tư vào giáo dục đào tạo. Bằng cách này VN có thể nâng cao năng lực của mình. Đó là chính sách tốt nhất.
Trường Sơn
Bình luận (0)