VN sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn

18/10/2023 06:06 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, các trường ĐH kỹ thuật công nghệ hàng đầu của VN hiện đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Và số lượng 3.000 người tốt nghiệp/năm chuyên ngành vi mạch bán dẫn là khả thi.

Tuyên bố chung của VN và Mỹ mới đây cho thấy hai bên sẽ hợp tác sâu rộng về lĩnh vực KH-CN. Đặc biệt, ngành công nghiệp bán dẫn của VN được cho là đứng trước cơ hội lớn thu hút dòng vốn rất lớn từ Mỹ. Tuy nhiên, để hấp thụ được dòng vốn này, chúng ta cần có sự chuẩn bị về nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao ngành bán dẫn.

CHUẨN BỊ NHÂN SỰ CHẤT LƯỢNG CAO

Ngày 17.10, trao đổi với một số nhà báo về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến VN vào tháng 9, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những nội dung hợp tác được thống nhất đẩy mạnh là hợp tác số, KH-CN, đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác trong GD-ĐT.

Cụ thể, Mỹ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ VN đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Mỹ ghi nhận tiềm năng to lớn của VN trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn, vi mạch tại VN. Hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của VN trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đây là cơ hội tốt để VN phát triển ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng và lợi thế này. Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT nhận thấy để nắm bắt được cơ hội này, chúng ta cần có sự chuẩn bị về nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao ngành bán dẫn.

VN sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh 1.

Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Theo bà Thủy, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào VN về công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất về nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người.

Trong những năm qua, VN đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở GD ĐH mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Trong giai đoạn 2019 - 2022, số tuyển mới sinh viên ĐH khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Trong đó, các lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hằng năm mạnh nhất gồm kỹ thuật máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Các trường ĐH kỹ thuật công nghệ hàng đầu của VN hiện đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.

Cần nhân lực giỏi để đón làn sóng bán dẫn

CẦN 3.000 NGƯỜI TỐT NGHIỆP ĐH và sau ĐH mỗi năm

Bà Thủy cho hay theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế thuộc ĐH Fulbright VN, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ ĐH trở lên. Theo giới chuyên ngành, nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới là khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau ĐH chiếm ít nhất 30% (bao gồm kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ).

VN sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh 2.

Giảng viên, sinh viên của Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Các trường ĐH kỹ thuật công nghệ hàng đầu của VN hiện đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch

NGỌC DƯƠNG

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng sinh viên (SV) ĐH tuyển mới và tốt nghiệp các nhóm ngành phù hợp, ngành gần như sau: các ngành phù hợp (điện tử - viễn thông, vi điện tử…) tuyển mới khoảng 6.000 SV và tốt nghiệp khoảng 5.000 SV/năm; các ngành gần (điện, cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính…) tuyển mới khoảng 15.000 SV và tốt nghiệp khoảng 13.000 SV/năm. Như vậy, nếu 30% SV các ngành phù hợp và 10% các ngành gần theo học các chuyên ngành vi mạch bán dẫn, số lượng 3.000 người tốt nghiệp/năm là khả thi.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng. Vì thế, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được SV theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. "Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía nhà nước", bà Thủy nhấn mạnh.

ĐỀ XUẤT 3 NHÓM CHÍNH SÁCH

Từ thực tế này, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết Bộ GD-ĐT đề xuất 3 nhóm chính sách. Trước hết là nhóm chính sách hỗ trợ, khuyến khích người học nhằm nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào như chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi… Nhóm chính sách này đặc biệt cần thiết để đạt mục tiêu thu hút ít nhất 1.000 SV theo học sau ĐH (hiện nay, tỷ lệ học sau ĐH các ngành này chỉ khoảng 4%).

VN sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh 3.

Lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất về nguồn nhân lực chất lượng cao

NGỌC DƯƠNG

Thứ hai là hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu (trước hết là năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm và công cụ phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng). Nhóm chính sách thứ ba là khuyến khích, thúc đẩy hợp tác ĐH - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, nhất là với các trường ĐH, doanh nghiệp đối tác của Mỹ.

2 đề án của Bộ GD-ĐT

Bộ GD-ĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng. 

Thứ nhất là đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch. 

 Thứ hai là đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau ĐH ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT đang xây dựng một kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch. Kế hoạch sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10. Để xây dựng kế hoạch, Bộ GD-ĐT phối hợp với 5 cơ sở GD ĐH (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) tổ chức Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở GD ĐH VN vào ngày mai (19.10) tại ĐH Đà Nẵng.

Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn

Tháng 7 năm nay, Chính phủ đã giao cho các bộ ngành nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.

Giữa tháng 9 năm nay, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng ký quyết định về việc thành lập Ban soạn thảo và tổ giúp việc cho Ban soạn thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ sư và chuyên gia về sản xuất chip bán dẫn. Ban soạn thảo này có đại diện nhiều đơn vị ĐH.

Trong buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 6.9, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bộ này đã dự thảo và sẽ trình Chính phủ chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn trong năm nay.

Hà Ánh

VN sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.