Một loạt những bước đi đột phá này giúp VN tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu, dưới góc nhìn của Ngân hàng Thế giới.
Môi trường kinh doanh, đầu tư “thăng hạng”
Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business) năm 2017 vừa được Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) công bố, VN xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83 trên thang 100.
|
|
Kết quả tích cực từ đánh giá của WB cho thấy những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) thay đổi rõ rệt. Bởi so với bảng xếp hạng hồi năm ngoái, VN đã tăng tới 9 bậc (năm 2016 xếp 91 với điểm số 61,11).
Việc xếp hạng môi trường kinh doanh được WB dựa trên 10 tiêu chí gồm: thành lập DN; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Năm nay, VN cải thiện được ở một số tiêu chí như: tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trên bảng xếp hạng; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng 31 bậc lên thứ 87; nộp thuế tăng 11 bậc lên thứ 167; tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc lên thứ 93.
Theo bảng xếp hạng, về môi trường khởi nghiệp, VN xếp thứ 121 trên tổng số 190 nền kinh tế, tăng tới 10 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. So với các nước trong khu vực, chỉ số này của VN tuy xếp sau Thái Lan (thứ 78) và Malaysia (112), nhưng vẫn trên các nước như Trung Quốc, Indonesia, Lào, Philippines... Theo đánh giá của WB, việc khởi sự kinh doanh tại VN đã đơn giản hơn, nhờ giảm được thời gian trong quá trình đăng ký kinh doanh, khắc dấu.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) cho biết về thứ hạng VN còn khiêm tốn, phải tiếp tục đột phá hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, thành tích tăng 9 bậc rõ ràng có sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành.
|
Nút thắt được gỡ từ khi đã ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đưa ra chỉ tiêu môi trường kinh doanh phải đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines); đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới)...
|
Chính phủ nhập cuộc
Cũng thời điểm này, khẩu hiệu “Tập trung cải cách hành chính tạo mọi thuận lợi cho người dân và DN” được phát động tới tất cả các bộ, ngành và địa phương. “Thủ tục của chúng ta sau 30 năm đổi mới liên tục được cải cách, nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn bởi hành động chưa tương xứng. Việc WB nâng hạng và có cái nhìn tích cực hơn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài, DN thực sự cảm nhận được Chính phủ đã hành động và nhập cuộc chứ không chỉ nói khơi khơi”, TS Lưu Bích Hồ đánh giá.
Không chỉ WB, VN dưới con mắt của các tổ chức kinh tế thế giới đang có chuyển biến khá tích cực. Cụ thể, trong báo cáo về kinh tế vĩ mô vừa công bố, Ngân hàng HSBC cho rằng VN vẫn có nhiều khả năng duy trì vị trí đi đầu ở châu Á với GDP tăng trưởng nhanh, gồm hai điểm sáng là sản xuất và xuất khẩu. Về sản xuất, theo HSBC, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) cho thấy lĩnh vực sản xuất của VN tiếp tục tăng trưởng tháng thứ 9 liên tiếp (PMI tháng 8 đã tăng lên 52,2 điểm từ 51,9 điểm của tháng trước). Mặc dù cầu đang có dấu hiệu giảm, song sản xuất tăng đi đôi với nhập khẩu nguyên liệu tăng và mức độ tuyển dụng nhân viên cao đã thể hiện tinh thần lạc quan của các nhà sản xuất.
Tương tự HSBC, Ngân hàng Châu Á (ADB) cũng cho rằng thương mại vẫn là một điểm sáng trong nền kinh tế VN, giúp thặng dư thương mại tương đương 8,2% GDP, cải thiện đáng kể so với năm 2015. Mặc dù dự báo kinh tế VN năm nay chỉ tăng khoảng hơn 6%, song ADB cho rằng tăng trưởng kinh tế của VN được kỳ vọng tăng trong những tháng cuối năm.
Hãng tin Nikkei của Nhật Bản trong báo cáo về tình hình sản xuất ở khu vực Đông Nam Á cũng nhận định các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của VN tiếp tục được cải thiện. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế VN với xếp hạng B1, triển vọng ổn định.
Theo các chuyên gia, điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh kinh tế của VN trong năm 2016 không nằm ở sức tăng trưởng nhanh như các giai đoạn trước. Đó là một môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá, vàng không còn nổi sóng. Đặc biệt, đột phá trong môi trường đầu tư, xóa bỏ rào cản kinh doanh trở thành một làn sóng gây hiệu ứng mạnh mẽ, phấn khởi và tạo dựng được niềm tin cho người dân và DN.
Theo dõi các phiên họp của Chính phủ, đối thoại và gặp gỡ DN, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long chia sẻ ông nhận thấy không có cuộc họp nào Thủ tướng, các phó thủ tướng không đề cập đến môi trường kinh doanh.
Một làn gió mới đang thổi vào môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, dễ chịu hơn, điều đó theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, gần như ai cũng cảm nhận được. Kết quả rất đáng khích lệ nhưng điều đó chỉ nên là bàn đạp, động lực để Chính phủ hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn rào cản kinh doanh, tạo dựng một sân chơi cạnh tranh bình đẳng, môi trường thực sự thuận lợi nhất cho các DN.
“Tôi mong đợi nhất là Thủ tướng và Chính phủ tập trung cao độ vào việc thực hiện những cam kết của mình với nhân dân và cộng đồng DN, như cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế. Phải đốc thúc các bộ, ngành, địa phương thực hiện bằng được những điều đã nêu trong Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, tạo bằng được những chuyển biến thực sự trong toàn bộ bộ máy nhà nước. Tập trung vào những việc đó là nhiệm vụ cốt lõi của Chính phủ hiện nay”, bà Lan đề nghị.
Mới đây, theo chuyên gia này, trong cuộc gặp của Chủ tịch nước với các DN tại TP.HCM, DN vẫn phản ánh chính quyền “trải thảm đỏ nhưng đầy đinh”. “Tôi mong Chính phủ và Quốc hội tập trung nhổ đinh để cho các DN hoạt động bớt khó khăn hơn, và thực hiện những cam kết tạo thuận lợi cho DN. Nếu làm được như vậy, chắc chắn sang năm 2017 và các năm sau DN sẽ phục hồi và tạo tăng trưởng cao hơn, vững chắc hơn cho nền kinh tế”, bà Lan mong muốn.
Hơn 91.000 DN mới được thành lập sau 10 tháng
Ngày 26.10, Bộ KH-ĐT thông báo tình hình đăng ký DN tháng 10 và 10 tháng năm 2016. Riêng trong tháng 10, có 10.314 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký là 81.524 tỉ đồng; số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 10 là 1.976 DN, tăng 9,8% so với tháng trước.
Như vậy sau 10 tháng, tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trên cả nước là 114.251 DN. Trong đó có 91.765 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 710.618 tỉ đồng, tăng 18,3% về số DN và 46,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Loại hình DN được đăng ký nhiều nhất là công ty TNHH một thành viên và sau đó lần lượt là công ty TNHH hai thành viên và công ty cổ phần... Ngoài ra, có 33.131 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và có hơn 9.000 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể từ đầu năm đến nay.
M.Phương
|
Bình luận (0)