Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn: 500 tấn thuốc nổ mở đường Quyết Thắng

31/05/2024 07:00 GMT+7

Sau khi mở tuyến đường mới, bộ đội bắt đầu đưa pháo lớn vào chiến trường, loại pháo đầu tiên được chọn là pháo 75 ly. Và cũng trong thời điểm này, bộ đội bắt đầu dùng máy bay vận chuyển vũ khí đến sân bay Thà Khống (cách Sê Pôn khoảng 5 km) hoặc thả dù gạo xuống trục đường 129.

Trong hồi ký Những nẻo đường kháng chiến, ông Võ Bẩm cho biết những thông tin rất thú vị: "Cái khó đối với việc cho máy bay hạ cánh ở sân bay Thà Khống là sau khi địch rút bỏ nơi này, đài dẫn đường không làm việc được, ta không có bộ phận điều khiển ở mặt đất. Theo yêu cầu của anh Đặng Tính (Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân) trong thời gian có mặt ở Sê Pôn, tôi tổ chức thông báo cho không quân ta.

Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn: 500 tấn thuốc nổ mở đường Quyết Thắng- Ảnh 1.

Mở đường Trường Sơn

Gia đình cung cấp

Cứ hai giờ một lần, chúng tôi báo cho sân bay Vinh, Đồng Hới biết thời tiết ở Sê Pôn, mây dày hay mỏng, trần mây thấp hay cao. Một tuần sau, anh Tính mới cử được một tổ khí tượng sang làm việc ở sân bay Thà Khống. Cũng từ đó, được chuyên gia Liên Xô giúp đỡ, không quân vận tải của ta từ sân bay Vinh và sân bay Đồng Hới chở hàng sang hạ cánh tại sân bay Thà Khống, hoặc thả dù hàng xuống Mường Phin; trong đó có một số sơn pháo 75 mm, súng cối, ĐKZ và nhiều máy vô tuyến điện.

Có một điều ít ai ngờ tới, nhưng thật sự là niềm vinh dự của những người con của miền Nam, là trong số hàng hóa mà máy bay ta chuyển vào thời điểm này có thiết bị kỹ thuật để lắp đặt Đài phát thanh Giải phóng - Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam vừa được thành lập" (tr.164 - 165).

Trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc ta, những thắng lợi này chỉ mới là bước đầu.

Trước sự lớn mạnh của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung mọi phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại nhất để đối phó. Chúng đã trút xuống tuyến đường hàng triệu tấn bom, hàng vạn loạt B52, hàng trăm đợt máy bay rải chất độc hóa học suốt tuyến, nhất là ở cửa ngõ ra các chiến trường; chúng đã ném vào đây hàng chục sư đoàn, trung đoàn bộ binh được trang bị đầy đủ vũ khí để đánh phá dai dẳng. Nhưng cuối cùng chúng cũng đành bất lực trước sự lớn mạnh kỳ diệu và không ngừng phát triển của đường Trường Sơn.

Có câu nói nổi tiếng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô: "Ở đây mọi sắt thép đều chảy ra thành nước, chỉ có con người đi qua được" cũng có thể dùng để phản ánh tài trí của bộ đội đường Hồ Chí Minh. Chẳng hạn để chống lại hàng rào điện tử McNamara, ta chủ trương mở lại đường 15, đi xuyên qua vùng núi phía tây Quảng Bình, từ đường này có nhiều lối sang Lào.

Sau khi khảo sát thì có nhiều phương án đặt ra. Hoặc dùng phương pháp đục xuyên đường hầm, nhưng phải kéo dài thời gian trong vòng 3 năm; hoặc làm đường vòng qua núi đá, nhưng con đường vận chuyển sẽ dài ra khoảng hơn 50 km. Cuối cùng Bộ Chính trị chọn phương án mở đường 15 thông với đường 9, đặt tên là đường 20.

Trong hồi ký của mình, ông Võ Bẩm cho biết: "Tôi phấn khởi trình bày kế hoạch làm đường. Đồng chí Lê Duẩn lại cắt ngang bằng một câu hỏi:

- Bốn tháng có thể làm xong không?

- Dạ, nếu Chính phủ tăng cường người và cung cấp đầy đủ những yêu cầu vật tư kỹ thuật thì nhất định có thể hoàn thành với thời hạn ấy.

Tôi trình bày cụ thể về số lượng người, thuốc nổ, máy móc thiết bị, vật tư... Đồng chí Lê Duẩn nói luôn:

- Tôi đồng ý với kế hoạch này. Về kế hoạch huy động người, Ban Bí thư chỉ đạo cho Đoàn Thanh niên tổ chức thanh niên xung phong. Còn về vật tư kỹ thuật thì Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông cùng bàn bạc với nhau...

Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn: 500 tấn thuốc nổ mở đường Quyết Thắng- Ảnh 2.

Mở đường Trường Sơn

Gia đình cung cấp

Cả hội nghị thống nhất với quyết tâm của đồng chí Bí thư thứ nhất, thế là con đường 20 chính thức khai sinh. Bộ Tư lệnh 559 giao cho tôi chỉ đạo việc tổ chức thi công con đường ấy. Tôi bắt tay vào làm việc. Nhà nước đưa vào kế hoạch cho tôi 500 tấn thuốc nổ. Anh Vũ Quang và anh Đệ bên Trung ương Đoàn lo việc điều động 1 vạn thanh niên xung phong. Trung đoàn 10 công binh phá đá dốc Ba Thang được điều thẳng cho Đoàn 559.

Khó nhất là việc phá núi đá dốc Ba Thang. Chúng tôi giao cho một trung đoàn công binh đảm nhiệm. Trung đoàn 10 này đã được tập huấn cách đánh bộc phá với khối lượng thuốc nổ lớn, mỗi quả nổ từ 50 đến 80 kg.

Hơn một vạn rưỡi quân tập trung trên một vùng núi để mở một tuyến đường dài hơn 100 cây số nên vấn đề tiếp tế trở nên căng thẳng. Phía đông có đường 15, chở gạo đến. Phía tây phải đi vòng trên đường 128 tây Trường Sơn. Dốc Ba Thang lại hoàn toàn chưa có một lối nào đi vào để tiếp tế. Anh em đã phải vất vả lắm mới khắc phục được khó khăn để chở gạo nuôi quân.

Anh Tường Lân, Thứ trưởng Bộ Giao thông, được phái sang làm Phó Tư lệnh 559, được cử đặc cách chỉ đạo mở đường này, đại tá Hồng Kỳ chủ nhiệm chính trị Đoàn 559 cũng được tăng cường về đây chịu trách nhiệm về công tác Đảng và công tác tư tưởng. Đây là công trường làm đường lớn nhất với thời gian nhanh nhất, có ý nghĩa chiến lược của hệ thống con đường mang tên Bác".

Con đường 20 này được đặt tên là đường Quyết Thắng. Mùng 1 Tết Bính Ngọ, tức ngày 21.1.1966, lúc 8 giờ sáng, bộ đội đã cho nổ một khối bộc phá TNT khổng lồ, chính thức mở màn cho chiến dịch làm đường. Về sau, đây là trọng điểm mà địch đánh phá khốc liệt nhất, dữ dội nhất.

Tại đây, trọng điểm ATP (A là gọi tắt của cua chữ A, ngầm Talê và đèo Phu La Nhích) đã trở thành một điển hình của chiến lược ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Trường Sơn, vì cửa khẩu từ đường 20 vào có điều kiện tiếp cận nhanh với chiến trường. Nhưng cuối cùng quân Mỹ cũng bất lực trước quyết tâm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"... (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.