Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn: Bó hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

01/06/2024 06:57 GMT+7

Không chỉ có quyết tâm mà bộ đội ta còn vận dụng cả tài trí thông minh.

Chẳng hạn, đối phó với máy thăm dò điện tử - một loại thiết bị có khả năng đoán biết sự có mặt của con người, được máy bay rải khắp Trường Sơn - bộ đội ta đã dùng những thùng... nước tiểu (!) đặt rải rác trong rừng để khống chế tầm hoạt động của chúng! Vì máy điện tử này không có khả năng phân biệt người thật với nước tiểu của người. Thế là theo sự chỉ dẫn của máy, từng tốp máy bay lao vào những nơi không có người để trút bom xuống đó!

Khi tìm hiểu được điều lý thú này, một nhà báo Mỹ đã viết: "Dùng nước tiểu để chống lại máy thăm dò điện tử. Hình ảnh đó thật là hoàn chỉnh, khi ấy tôi nghĩ người Việt Nam thật là đẹp, dũng cảm và logic. Họ đã cho thế giới thấy khoảng cách ghê gớm giữa khoa học kỹ thuật với sức mạnh thuần túy của con người tới mức bất kỳ một nhà viết tiểu thuyết hay một nhà sáng tác nào cũng không tưởng tượng ra nổi".

Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn: Bó hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Trường Chinh dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày mở đường huyền thoại Hồ Chí Minh, người đứng cạnh (áo trắng, tay cầm mũ) là ông Võ Bẩm (1984)

Gia đình cung cấp

Thậm chí, trên đường Trường Sơn này, một cây gậy đơn sơ cũng có phần góp sức hữu hiệu cho người chiến sĩ, khi họ hành quân đường dài, mang vác nặng, vượt qua dốc thẳm, núi cao, suối sâu một cách dễ dàng. Chiếc gậy này được đặt tên là "chiếc gậy Trường Sơn", lần đầu tiên ra đời tại xã Hòa Xá - nằm trên triền sông Đáy, giáp ranh giữa đồng bằng và vùng núi, thuộc phía tây nam H.Ứng Hòa (Hà Tây). Để xây dựng lực lượng thanh niên tại địa phương sẵn sàng chi viện cho Trường Sơn, xã này đã tổ chức ra "Phân đội dự bị" (còn gọi là "Bộ đội làng").

Trong quá trình luyện tập vất vả, mang vác vũ khí, trang bị giống như bộ đội vào chiến trường, các chiến sĩ trong phân đội đã nảy ra sáng kiến dùng chiếc gậy, vì nhận thấy nó có nhiều tiện lợi trong lúc hành quân. Ủng hộ tinh thần của thanh niên trong xã, các bậc phụ lão đã tổ chức sản xuất và đặt tên là "chiếc gậy Trường Sơn", làm tặng vật khi con cháu của xã lên đường tòng quân đánh Mỹ.

Từ đó, "chiếc gậy Trường Sơn" đã trở thành biểu tượng tinh thần của thanh niên - đúng như ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết: "Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân. Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn. Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi. Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui...".

Có thể nói con đường huyền thoại Trường Sơn hoàn thành được là do xương máu của hàng ngàn người con ưu tú của thế hệ Hồ Chí Minh. Trải qua 16 năm gian nan chiến đấu từ giai đoạn thiếu tướng Võ Bẩm làm Tư lệnh đến giai đoạn thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, trung tướng Hoàng Văn Thái rồi trung tướng Đồng Sĩ Nguyên giữ cương vị này là cả một quá trình phát triển, sáng tạo không ngừng.

Trong tập sách Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã nhận định có tính chất tổng kết: "Trong 16 năm đó, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển đến các chiến trường 1.349.060 tấn vũ khí và vật chất các loại, bảo đảm hành quân cho 2 triệu lượt người gồm bộ đội, thương bệnh binh, cán bộ, quân dân, chính, Đảng, đồng bào và con em miền Nam vào chiến trường và ra miền Bắc, cơ động nhiều quân đoàn và sư đoàn chủ lực và các đoàn binh khí kỹ thuật trong các chiến dịch lớn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các chiến trường, qua các giai đoạn chuyển biến chiến lược của cuộc chiến tranh".

Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn: Bó hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Ảnh 2.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng hoa cho thiếu tướng Võ Bẩm trong dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (1999)

Gia đình cung cấp

Lịch sử Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh khẳng định: "Thời gian sẽ lùi sâu về quá khứ nhưng huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng, tiếp sức mạnh cho mọi thế hệ bảo vệ và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" (tr.684). Khi nhìn lại năm tháng hào hùng đã cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ được giao, thiếu tướng Võ Bẩm tâm sự: "Một trong những hạnh phúc lớn lao trong quá trình công tác của mình là đã 2 lần tôi được Bác Hồ gặp gỡ động viên, giao nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ tổ chức mở đường Trường Sơn mang tên Bác".

Về thiếu tướng Võ Bẩm, năm 1966, sau khi từ Trường Sơn về Hà Nội, ông được đưa sang Trung Quốc chữa bệnh, trở về nước ông được Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tổng tham mưu kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu, rồi năm 1970 ông lại được bổ nhiệm làm Phó tổng Thanh tra quân đội và năm 1974 được phong quân hàm thiếu tướng.

Năm 1980, thiếu tướng Võ Bẩm nghỉ hưu. Ông tâm tình: "Vậy là tính từ ngày đầu bí mật tham gia cách mạng, khi chưa đầy 15 tuổi đầu, đến ngày rời quân ngũ, tôi đã tròn nửa thế kỷ theo Đảng và Bác Hồ. Trong nửa thế kỷ đó, cùng với đồng chí, đồng đội, tôi đã trải qua bao khó khăn, gian khổ trên nẻo đường kháng chiến. Dù trong lao tù của đế quốc, trong bão giông sóng gió giữa biển khơi hay trong những ngày lặn lội trên đường Trường Sơn, tôi vẫn sắt son một niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Ngược lại, niềm tin mãnh liệt đó cùng với tình cảm gia đình, quê hương, đất nước… là nguồn sức mạnh giúp tôi đứng vững vượt qua mọi thử thách, gian nan".

Có một điều ít người biết là trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến dự. Khi hay tin thiếu tướng Võ Bẩm do đang bị bệnh nên không thể đến, lúc tan họp, chính Đại tướng đã mang bó hoa đến tận nhà để trao tặng cho ông. Đó cũng là một trong những bó hoa tươi đẹp nhất, có thể xem đại diện cho tình cảm nhiều thế hệ đồng đội Trường Sơn dành cho ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.