Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần - Kỳ 6: Chuyện nhỏ thành chuyện lớn

25/04/2015 06:53 GMT+7

Trong giao tiếp hằng ngày, nhiều bạn trẻ xem nhẹ chuyện chào hỏi, xin lỗi , xếp hàng... Khi người lớn nhắc nhở, họ hứa sẽ làm nhưng rồi sau đó họ lại quên ngay bởi đó là “chuyện nhỏ”.

Trong giao tiếp hằng ngày, nhiều bạn trẻ xem nhẹ chuyện chào hỏi, xin lỗi, xếp hàng... Khi người lớn nhắc nhở, họ hứa sẽ làm nhưng rồi sau đó họ lại quên ngay bởi đó là “chuyện nhỏ”.

Nhiều bạn trẻ không có thói quen xếp hàng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều bạn trẻ không có thói quen xếp hàng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Những thói quen xấu
Chiều 14.4, tại hồ bơi Đại Thế Giới, Q.5, TP.HCM, trong lúc cô gái chừng 17 tuổi đang ngồi ăn cùng mẹ, thì bạn của mẹ đến, thế nhưng cô gái vẫn thản nhiên ngồi ăn, thậm chí không nhìn mặt bạn của mẹ…
Tại lối vào cổng hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, dễ bắt gặp một chuyện lạ là đa số người già, trung niên thì xếp hàng rất ngay ngắn. Trong khi đó, một số người trẻ vừa xếp hàng vừa lấy điện thoại bấm bấm, nghe điện thoại, rồi ra khỏi hàng, đi tới đi lui và bất ngờ chen ngang vào chỗ mình thích.
Tài khoản Facebook Mạnh Kim, một phụ huynh than thở: “Đang chạy xe, tôi thấy túi áo khoác một người bên cạnh lòi ra xấp tiền. Tôi báo anh ta biết. Đương sự đút tay sâu vào túi rồi rồ ga vọt mất. Gặp người khác lái xe mà chân chống quên gạt, báo cho biết, cũng không nói gì tiếng cảm ơn...”.
Thiếu trầm trọng kỹ năng giao tiếp
Đề cập đến những vấn đề trên, tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói ngay: “Giới trẻ đang thiếu trầm trọng kỹ năng giao tiếp, ứng xử với cộng đồng và ngay với chính bản thân mình. Ngọn ngành cũng bắt nguồn từ những “chuyện nhỏ” như thế này”.
Tiến sĩ Nam nói thêm: “Giới trẻ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã từng rơi vào tình trạng như chúng ta là xem mọi chuyện kể trên là nhỏ. Và sau đó, họ đã cải tiến hầu như toàn bộ bắt đầu từ những chuyện nhỏ để hình thành nên sự vĩ đại trong giao tiếp như hiện nay”.
Nói về nhân cách của người trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Hành vi của mỗi người phản ánh nhân cách của người đó. Hành vi là thành phần không tách rời của nhân cách. Qua hành vi, người khác sẽ đánh giá được bạn là người như thế nào. Vì vậy, trong giao tiếp, đừng bỏ qua bất kỳ hành vi nào, đừng cho hành vi đó là nhỏ. Nếu cho là nhỏ, ta bỏ qua không thực hiện như không đẩy ghế ngồi vào sau khi đứng lên, làm phiền người khác không xin lỗi... thì lâu dần, những hành vi cho là nhỏ, bỏ qua đó sẽ trở thành thói quen xấu của bạn”.
Theo bà Huyền để trở thành một con người hoàn hảo, trước hết người trẻ cần phải rèn luyện cho mình những hành vi dù là nhỏ nhặt nhất. Không có chuyện nào là chuyện nhỏ. Đã là chuyện nhỏ, dễ làm thì chúng ta càng phải làm cho tốt. Thói quen là những hành vi đã được tự động hóa. Gặp người lớn tự nhiên cất lời chào, thấy rác cúi xuống nhặt, làm sai lập tức nói xin lỗi…
Tiến sĩ Võ Văn Nam nói thêm: “Muốn làm những việc đại sự, lớn lao trước hết phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ. Chuyện nhỏ làm không được thì làm sao có được nền tảng để thực hiện những việc lớn lao hơn. T.Đ
Xem nhẹ việc giáo dục đạo đức
Tiến sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH): Giáo dục nhân cách cho một đứa trẻ quan trọng nhất là từ nền tảng đạo đức từ mỗi gia đình.
Nhưng ngày nay, phụ huynh quá mải mê kiếm tiền khiến truyền thống văn hóa, hành vi ứng xử giữa các thành viên trong nhà bị xem nhẹ. Đứa trẻ không được giáo dục và cảm nhận đầy đủ về tình yêu thương, thái độ thông cảm trước khó khăn của người khác.
Khi ra đường cùng trẻ, người lớn vô tư bất tuân pháp luật. Ở góc độ nhà trường, trường nào cũng có khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn. Trên thực tế, công tác dạy đạo đức vẫn bị coi nhẹ. Ở nhiều vụ, học sinh cầm ghế “phang” vào đầu, đánh nhau theo kiểu triệt hạ, trẻ bị bạn học hành hạ bạo lực cả tháng ngay trong trường đến khi báo chí vào cuộc phanh phui, hỏi đến giáo viên cũng lơ mơ không biết.
Phan Hậu

BÌNH LUẬN
Mình hay mắc lỗi “kệ đi” vì nghĩ chắc người ta không chấp nhất và mình cũng dễ dãi với bản thân. Có lẽ từ nay sẽ tập nói xin lỗi, cảm ơn nhiều hơn thay vì từ “kệ đi”.
Phạm Quý Bình
(sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Nhiều bạn còn xưng hô “tao mày”, “ba má” ngay trong lúc cả nhóm cùng thuyết trình trước lớp, có thầy cô ở đó. Mình thấy rất kỳ, phản cảm. Có lẽ các bạn đang có một thói quen xấu trong xưng hô.
Ngô Lan Ngọc
(sinh viên Trường CĐ Kinh tế -Kỹ thuật TP.HCM)
Có lần gặp người bạn của ba mà mình quên chào, thế là bị ba la cho một trận, từ đó thấy ba chào hỏi ai mình cũng chào theo, riết rồi quen, cứ thấy là chào.
Tô Quốc Tài
(lớp 11, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.