Đó là gia đình anh Bùi Thanh Long và chị Nguyễn Thị Minh Hảo, trú tại phố Vạn Hưng, P.Bích Đào, TP.Ninh Bình. Họ vừa được T.Ư Hội LHTN Việt Nam xét chọn là một trong 22 Gia đình trẻ tiêu biểu của toàn quốc, sẽ được tuyên dương vào dịp kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28.6) tới.
Cặp đôi sinh năm 1991 này mới kết hôn năm 2017, sau rất nhiều thị phi, họ đã gây dựng nên một cơ nghiệp ổn định, có với nhau một cô gái 2 tuổi và trở thành “Gia đình trẻ tiêu biểu” sau 3 năm chung sống.
“Tôi gần như gục ngã”
Kể về những “sóng gió” trong cuộc đời mình, Nguyễn Thị Minh Hảo chia sẻ, chị sinh ra trong một gia đình khó khăn thuộc diện hộ cần nghèo của phường. Bố Hảo mất sớm, mẹ nghỉ mất sức nên không có việc làm. 3 chị em Hảo phải tự nuôi nhau ăn học và đỡ đần việc nhà cho mẹ.
Năm 2013, Hảo tốt nghiệp Trường đại học Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) và được nhận ngay vào dạy tại một trường mầm non tư thục đầu tiên của thành phố. Làm được 2 năm thì Hảo xin nghỉ về mở lớp tư thục tại nhà, để theo đuổi triết lý giáo dục của riêng mình. Nhưng cũng từ đó, “sóng gió” đã nổi lên trên bước đường khởi nghiệp của cô gái trẻ.
|
“Vì gia đình khó khăn nên việc tôi tự ý xin nghỉ việc, mượn sổ đỏ của mẹ để vay vốn 130 triệu mở lớp là quyết định lớn và mạo hiểm nhất với tôi và cả gia đình. Chiều lòng tôi nên mẹ cũng đành đồng ý. Nhưng khi bắt tay vào việc thì bắt đầu có những áp lực vô hình, nhưng rất lớn, đến với tôi…”, chị Hảo trải lòng.
Đó là những áp lực từ bà con, hàng xóm nơi khu phố. Họ xì xào bàn tán, nào là: “Nhà nó nghèo rách, kiếm đâu được việc làm ngon như ở trường ấy”, rồi thì: “Ừ, chắc làm gì sai để họ đuổi đấy thôi, chứ đời nào nó bỏ”, hoặc: “Nhà thì trong ngõ, người thì trẻ măng ra, ai thèm mang con đến gửi…”.
“Những lời họ nói sau lưng tôi đôi khi còn nặng nề và chua chát hơn rất nhiều. Chúng không khiến tôi buồn, mà chỉ khiến tôi càng quyết tâm hơn, nhưng nạn nhân lại là mẹ tôi. Những cuộc bàn luận xì xào khiến mẹ tôi lo sợ. Mẹ lo cho tôi, lo cho mấy chị em mất nhà, vì đời mẹ chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện cắm nhà để vay một khoản tiền lớn đến thế.
Khi nỗi sợ càng lớn, mẹ càng sốt ruột. Mẹ dồn ép và đốc thúc tôi. Mẹ can thiệp sâu vào công việc của tôi, bắt bẻ chuyên môn và còn phủ nhận lý tưởng giáo dục của tôi nữa. Mẹ sợ cái sự đổi mới của tôi và cho rằng tôi lắm chuyện, vẽ vời và ảo tưởng…”, chị Hảo nhớ lại.
|
Chưa tròn 24 tuổi, kinh nghiệm đứng lớp 2 năm và kinh nghiệm quản lý là số 0 tròn trĩnh, cùng lúc phải đối mặt với áp lực dồn từ tứ phía: lãi suất ngân hàng, chi phí vận hành lớp học, những mong muốn đòi hỏi của phụ huynh, sự nghịch ngợm và bướng bỉnh của bọn trẻ, sự xì xào bàn tán của dư luận và đặc biệt nhất là những sự lo lắng sốt ruột của người thân, khiến chị Hảo tưởng như không trụ nổi.
“Tôi gần như gục ngã và chấp nhận thua cuộc. Nhưng thật may mắn cho tôi, vì có anh bên cạnh - là người yêu tôi lúc đó và là chồng tôi bây giờ”, chị Hảo chia sẻ về người đã đồng hành với mình.
“Cứ lúc nào tinh thần tôi xuống, anh lại “sút” tôi lên”
Chị Hảo kể, chị và chồng học chung với nhau từ lớp 1 đến hết lớp 12, vào đại học thì lại cùng trường. Họ bắt đầu chơi thân từ hồi đi học nhưng chỉ là bạn “chí cốt”, cho tới tận khi tốt nghiệp đại học mới trở thành người yêu.
“Tình yêu của chúng tôi không phải thứ tình yêu trai gái đơn thuần, mà nó là sự đẩy cao của một thứ tình bạn bền chặt, là do quá thấu hiểu và đồng cảm, cộng với việc những mối tình riêng của hai đứa liên tục đổ vỡ, nên chúng tôi quyết định gộp thành một cặp chứ không phải “sự rung động vể thể xác lẫn tâm hồn” như trong sách báo người ta vẫn hay miêu tả”, chị Hảo bộc bạch.
|
Với ngần ấy thời gian quen nhau, nên anh Long hiểu quá rõ bản chất của chị Hảo là một con “ngựa chiến”, nên khi nhận thấy những khó khăn, Hảo phải đối mặt (dù Hảo không mấy khi kể lể với anh điều gì), anh Long chẳng hề cho chị Hảo sự vỗ về hay một lời động viên nào, cũng không nói những lời động viên ngọt nhạt. Anh Long cũng không nói sẽ hỗ trợ giúp đỡ chị Hảo và sẵn sàng vì người yêu mà làm mọi thứ.
“Chẳng những thế, anh chủ yếu tập trung khích bác, công kích, thậm chí là có những trận xả như tát nước vào mặt tôi. Lâu lâu, anh còn bồi cho tôi những câu châm chọc: "Mới thế đã thụt vòi", “tưởng thế nào”, “non lắm”, “ngày trước tính thế nào mà đòi làm cho bằng được, yếu vậy mà đòi bơi ra biển”… kiểu kiểu vậy, nhưng thô thiển hơn rất nhiều”, chị Hảo nhớ lại kiểu nói gây “cay cú” của chồng.
|
“Ấy vậy mà, cách thức ấy lại hiệu quả với tôi. Anh khiến tôi nóng mặt, quyết cứ thẳng đường mình mà đi, để chứng minh cho anh và mọi người thấy tính đúng đắn của con đường mình đã chọn. Nhưng không dễ vậy, nó là cả quá trình, tinh thần tôi lên vài ngày nó lại xuống và cứ lúc nào xuống anh lại “sút” tôi lên”, người vợ trẻ tự hào nói về chồng mình.
Chị Hảo cũng tâm sự, không chỉ là “chiến thuật” của chồng đã giúp cô có được thành công mà thực sự anh đã đồng hành với chị không rời, trong những ngày sóng gió nhất.
“Ngày đầu ít học sinh, tôi làm gì đã có tiền thuê người làm. Anh giúp tôi rửa bát, phụ mẹ tôi nấu đồ ăn cho bọn trẻ. Chiều chúng về hết, tôi được xả hơi thì anh lại bắt đầu lau sàn, dọn lớp học…”, chị Hảo kể.
Không chỉ “giúp việc” cho vợ, anh Long còn là “quản gia” của chị Hảo. “Anh luôn chỉ rõ tôi thấy trong lớp chỗ nào an toàn hay chưa an toàn cần chú ý. Anh nhắc nhở tôi cả việc điều chỉnh thái độ với phụ huynh và cách bao quát bọn trẻ cho hiệu quả …”, Hảo tâm sự.
“Giờ thì ngon rồi”
Với nghị lực và ý chí vươn lên, chấp nhận khó khăn, giờ đây lớp học của chị Hảo đã đón nhận và nuôi dạy 20 trẻ mầm non, chị yêu thương học trò như con của mình. Chị Hảo còn tự tay may quần áo và váy tặng các bé.
Nói về sự nghiệp và gia đình của mình, chị Hảo phấn khởi khoe: “Giờ thì ngon rồi, lớp Vườn ươm sắp sinh nhật 5 tuổi. Chúng tôi đã về chung một nhà và Minh An con của chúng tôi đã được 2 tuổi. Để có được thành công nhỏ này cần rất nhiều yếu tố, nhưng có một điều không thể thiếu được: đó là anh!”
Chị Hảo cũng tự hào kể về những việc anh Long đã chia sẻ, để có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Đó là người đàn ông không chỉ là động lực giúp chị trong sự nghiệp mà còn gánh vác cả những việc nhỏ trong gia đình.
|
“Khi tôi sinh con nằm viện 10 ngày, anh chăm lo, giặt giũ, săn sóc cả vợ cả con. Bà nội, bà ngoại không ai phải động tay vào việc gì ngoài lên chơi với cháu. Những đêm anh cùng thức, hì hục vắt sữa, thay bỉm, thay quần cho con… Anh không bao giờ để tôi một mình. Sáng tôi ngủ, anh vẫn thức trông con và ngủ gật trên ghế…”, chị Hảo xúc động kể.
Đặc biệt, người vợ trẻ chia sẻ, vợ chồng chị còn có cùng một đam mê đó là các hoạt động xã hội tình nguyện vì cộng đồng. Các chương trình từ thiện ở địa phương khi chị Hảo tham gia thì hầu hết anh đều có mặt.
“Lúc thì anh chở tôi đi bán ổi gây quỹ từ thiện; lúc anh giúp tôi chở quần áo cũ đi đóng gói gửi cho các bạn nhỏ ở Lào Cai, Yên Bái; lúc thì cùng tôi đi mua chậu, tập kết mì gói, nước sạch gửi cho bà con lũ lụt ở Nho Quan, Ninh Bình…”, chị Hảo cho biết. Và bản thân anh còn “mê” hiến máu tình nguyện, dù chỉ nặng có 46 kg, nhưng đã 9 lần hiến máu cứu người và vận động bạn bè tham gia các hoạt động này.
Nói về quan điểm sống của mình, chị Hảo cho biết, hai vợ chồng chị luôn thấy yêu quý những khó khăn mà họ đã đi qua và “háo hức” đón nhận những khó khăn sắp tới dù chưa biết đó là gì, nhưng luôn với một niềm tin là: “Rồi cũng sẽ lại qua hết, hai đứa chỉ tò mò là sẽ qua bằng cách nào thôi”.
Và chị Hảo hạnh phúc nói về người bạn - người chồng của mình: “Có lần tôi hỏi vui anh: chồng muốn kiếp sau sinh thiên hay xuống ngục. Anh bảo: Chỗ nào cũng được miễn là cùng chỗ với vợ!”.
Bình luận (0)