Vợ chồng “bác sĩ tâm lý” thời dịch

26/12/2021 05:52 GMT+7

Suốt hai tháng người vợ vào bệnh viện dã chiến làm tình nguyện viên tham vấn tâm lý cho bệnh nhân Covid-19, người chồng vừa cáng đáng việc nhà vừa tham gia dự án “Vắc xin tinh thần” hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân.

Đó là chị Trương Thị Hồng Hà (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tường Minh, học viên cao học tâm lý lâm sàng) và tiến sĩ Ngô Xuân Điệp (Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Gặp lại cựu F0 “đòi về nhà để chết”

- Con chào chú Hùng!

- A, chào Ban chỉ huy tâm lý chiến!

Cuộc hội ngộ gần đây giữa chị Trương Thị Hồng Hà và ông Hùng (từng là bệnh nhân Covid-19 ở lằn ranh sinh tử) diễn ra tại nhà ông Hùng ở Q.3, TP.HCM.

Thấy ông Hùng da dẻ hồng hào, hạnh phúc đoàn tụ bên gia đình, chị Hà vui mừng nói: “Em phục vụ bệnh nhân, chỉ mong bấy nhiêu đó thôi!”.

Trước đó, ông Hùng nằm cấp cứu tại Bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) và nằng nặc đòi về nhà để… chết. Ông Hùng cho rằng bệnh tình của ông không có tia hy vọng nào được cứu sống. Và, thay vì chết cô độc ở BV, ông muốn được trút hơi thở cuối bên người thân.

Chị Trương Thị Hồng Hà (phải) hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân Covid-19

Như Lịch

Hơn một tháng rưỡi ông Hùng nằm viện, chị Hà (tình nguyện viên tham vấn tâm lý) thường xuyên đồng hành, nâng đỡ tinh thần cho ông cùng nhiều F0 khác.

Nhờ những liều “vắc xin tinh thần” từ chuyên viên tâm lý, từ gia đình và sự điều trị của y bác sĩ, sức khỏe ông Hùng dần được cải thiện. Trước khi xuất viện, ông Hùng đặt cho chị Hà biệt danh “Ban chỉ huy tâm lý chiến” và hẹn ngày tái ngộ ngoài đời.

Trong quá trình hỗ trợ tâm lý, chị Hà và một số tình nguyện viên còn chăm sóc cho những bệnh nhân trở nặng, không có người thân bên cạnh. Chị Hà không ngại việc gì: cho bệnh nhân ăn uống, lau mặt, lau lưng, đổ bô, dẫn đi vệ sinh. Thậm chí, chị còn giặt quần cho một nữ F0 nằm phòng cấp cứu 10 ngày chưa thay đồ…

Một trong những cựu F0 chị Hà gặp lại bên ngoài BV dã chiến là bà Th. (ngụ Q.10, TP.HCM). Trong tháng 9, bà Th. thở bằng bình ô xy, tuyệt vọng khi nghe tin mẹ mất vì Covid-19 ở BV khác. Chị Hà lặng lẽ ngồi xuống giường bệnh và cầm tay bà Th. an ủi. Đột nhiên, bà Th. lấy tay của chị Hà vỗ vào vị trí trái tim mình, bật khóc tức tưởi và tuôn trào tâm sự. Chị Hà kiên nhẫn lắng nghe, rồi mát xa đầu cho bệnh nhân ngủ, mới nhẹ nhàng đi ra… Ngày xuất viện, bà Th. cảm kích gọi chị Hà là “cô bé truyền lửa”.

40 tuổi, chị Hà thường xưng hô “con - cô” hoặc “con - chú” với nhiều bệnh nhân. Chị giải thích: “Họ thấy cách phục vụ của em rất thân thiện, giọng nói của em cũng trẻ, còn mặt mày bịt kín trong đồ bảo hộ. Nhiều người lớn hơn em có vài tuổi mà tự xưng là chú, là cô, kêu em bằng con. Em cứ vậy xưng hô theo” (cười).

Nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân

Khi chị Trương Thị Hồng Hà đăng ký làm tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, gia đình chị không cản nhưng… dự đoán chị bị rớt ngay từ vòng đầu! Vì chị hay bị huyết áp thấp, thể trạng có vẻ gầy yếu. Thực tế, chị Hà “phăm phăm” vượt qua đợt thi tuyển chọn trực tuyến cũng như buổi đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Chỉ hai ngày sau khi chích ngừa mũi đầu tiên, chị Hà cùng đoàn tình nguyện viên tôn giáo đã có mặt tại BV dã chiến số 12 (do BV Da liễu TP.HCM phụ trách). Đó là thời điểm gần cuối tháng 7.2021, dịch bùng phát mạnh tại TP.HCM. Với chuyên môn về tâm lý lâm sàng, chị Hà được Ban giám đốc BV và các bác sĩ phụ trách Đội lâm sàng, Đội cấp cứu tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt: Tham vấn sức khỏe tinh thần cho các F0 bị khủng hoảng, rối loạn âu lo.

Có thời gian tôi cùng làm tình nguyện viên, ở cùng phòng với chị Hà trong BV dã chiến số 12, nên biết sự cố chị Hà bị ngất xỉu trong ngày đầu mặc đồ bảo hộ đi gặp bệnh nhân. Hôm ấy, chị kiệt sức bởi di chuyển nhiều, tiếp cận, hỗ trợ cùng lúc mấy ca F0 bị sốc tâm lý.

Sau sự cố đó, nhiều người tưởng chị Hà không đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ. Nhưng chỉ mấy ngày sau, cũng với phong thái dịu dàng mà can trường, chị lại mặc đồ bảo hộ đến chia sẻ trực tiếp với bệnh nhân.

Theo đăng ký ban đầu, chị Hà có một tháng làm tình nguyện viên trực tiếp tại BV dã chiến số 12. Đến lúc chuẩn bị trở về, chị bỗng đổi quyết định. Chị chia sẻ với tôi: “Bác sĩ Trần Ngọc Hoàng Dung, Đội trưởng Đội cấp cứu, cần em ở lại hỗ trợ những ca cấp cứu. Và em không đành lòng rời đi”.

Vợ chồng “bác sĩ tâm lý” Trương Thị Hồng Hà - Ngô Xuân Điệp và hai con

NVCC

Hơn hai tháng (từ 22.7 - 25.9) làm việc hết mình, chị Hà đã trực tiếp hỗ trợ tâm lý cho trên 300 bệnh nhân Covid-19. Chị bày tỏ: “Em nhận thấy công việc tâm lý này cũng cứu được nhiều người. Trong BV dã chiến, em được làm đúng nguyện vọng của mình và kết nối mạng lưới tham vấn viên bên ngoài cùng vào cuộc giúp bệnh nhân”.

Trong khi đó, chồng chị Hà, tiến sĩ (TS) Ngô Xuân Điệp quán xuyến việc gia đình để vợ yên tâm phục vụ tuyến đầu.

TS Điệp cho hay: “Giai đoạn ấy dịch bệnh căng thẳng, tôi rất lo cho sức khỏe của cô ấy. Ngoài sự động viên, mình cũng có chuyên môn về tâm lý nên hai vợ chồng chia sẻ những ca khó”.

TS Điệp nhìn nhận bản thân từng bị… khủng hoảng tâm lý trong thời gian vợ vắng nhà: “Đó là lần tôi ra ngoài mua đồ ở khu vực có lây nhiễm, nên nghĩ rằng mình đã bị lây. Tôi phải ở trong phòng đóng kín cách ly gần hai tuần với hai đứa con và mẹ ruột. Còn vợ mình thì động viên, hỗ trợ từ xa”.

Không những vậy, đôi vợ chồng này cùng tham gia chương trình “Vắc xin tinh thần” của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, được khởi động từ đầu tháng 9 đến nay nhằm hỗ trợ miễn phí sức khỏe tinh thần cho người dân trong đại dịch Covid-19. Trong đó, TS Điệp điều phối mảng chuyên sâu về tham vấn và trị liệu cho những bệnh nhân khủng hoảng tâm lý, lo âu trầm cảm.

Giữa tháng 11, gia đình chị Hà bị nhiễm Covid-19. Vừa mới khỏi bệnh, chị khẳng định sẵn sàng lên đường tiếp tục làm tình nguyện viên hỗ trợ tâm lý cho những F0 (đặc biệt F0 là trẻ em) trong những BV có nhu cầu tại TP.HCM hoặc tỉnh, thành khác.

“Mỗi người chỉ sống có một lần…”

Chị Trương Thị Hồng Hà cho hay chị có ước nguyện được phục vụ cộng đồng. Hằng năm, chị thực hiện những chuyến đi làm thiện nguyện đồng thời khám phá bản thân. Nói về chồng mình, chị Hà bày tỏ: “Ủng hộ vợ làm những việc vợ tâm huyết, đó là người chồng tuyệt vời, cao thượng và đầy lòng hy sinh”.

Chia sẻ về người phụ nữ đã lập gia đình nhưng “tự do làm điều mình muốn”, TS Điệp thẳng thắn: “Xét về góc độ cuộc sống gia đình, vợ chồng, công ăn việc làm, điều đó cũng gây khó khăn vì có khi không làm tròn trách nhiệm của người vợ. Vợ chồng tôi có trao đổi, tranh luận về các chủ đề này. Đôi lúc tôi cũng bị mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, về nhà vẫn muốn vợ mình thực hiện đúng theo chức năng của người phụ nữ. Nhưng khi đi dạy học hoặc khi suy nghĩ sâu hơn một chút, tôi thấy rằng: Nếu cứ đi theo cái cũ, bảo thủ, sẽ không thể khám phá, đột phá, kiến tạo những điều mới mẻ và giá trị. Mỗi người chỉ sống có một lần thôi, họ phải tìm được ý nghĩa cuộc đời và thấy hạnh phúc với điều đó thì mình nên tôn trọng. Tôi rất thích câu: “Hiện hữu có trước bản chất”. Và tôi đang dạy sinh viên, dạy con mình theo tinh thần khai phóng và cởi mở như vậy”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.