Đằng sau câu chuyện bế tắc đó là hoàn cảnh khốn khó của đôi vợ chồng nghèo và tình cảm vô cùng ấm áp của những tấm lòng vàng.
4 năm: Mất 2 người con
Chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Tuyết (36 tuổi, ngụ xã Hòa An, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) vào ngày cuối tháng 10.2023. Kể về các con, chị Tuyết ứa nước mắt. Hai người con trai của vợ chồng chị quá vắn số: một bé chết trong bụng mẹ khi mới 36 tuần tuổi, một bé sống chưa đầy 1 tháng.
Chị Tuyết có 2 người con gái lớn, lần lượt 17 tuổi và 12 tuổi. Năm 2019, chị mang thai một bé trai. Bệnh cao huyết áp, co giật tiền sinh sản khiến thai nhi chết trong bụng mẹ khi mới 36 tuần tuổi nên phải mổ lấy con. Hơn 20 ngày sau đó, chị rơi vào trầm cảm, ám ảnh mỗi khi nghĩ tới chuyện buồn đã qua.
Chị Tuyết thuộc hộ nghèo, ngoài nền nhà cha mẹ cho thì không có đất đai sản xuất. Chị làm nội trợ, chồng làm thuê đủ nghề ở nông thôn. Năm 2021, Hội Phụ nữ xã Hòa An hỗ trợ 30 triệu đồng cho gia đình cất mái ấm tình thương. Do không đủ tiền mua vật liệu, vợ chồng chị mượn thêm 20 triệu đồng bên ngoài, trả lãi.
Cảnh thất nghiệp đột ngột ập tới, vợ chồng xoay xở không kịp nên đi lên Bình Dương làm công nhân trả nợ. Hai đứa con nheo nhóc đành nghỉ học theo cha mẹ mưu sinh.
Tại Bình Dương, vợ chồng chị Tuyết xin làm việc trong một xưởng sản xuất gỗ. Ở tuổi 35, một lần nữa chị mang thai con trai, cả gia đình vui mừng khôn xiết. Ông Lê Hoàng Em (44 tuổi, chồng chị Tuyết) "khoe" khắp khu trọ về thành viên mới trong nhà. Tiền công 2 người làm ít ỏi nhưng có tới 4 miệng ăn, lại bệnh tật triền miên.
Thời gian mang thai, chị Tuyết ăn uống kham khổ, tằn tiện. Đứa bé chào đời bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng hơn 1 kg, mắc bệnh nhiễm trùng huyết, viêm não.
Đứa bé yếu ớt, vừa chào đời thì chuyển ngay vào phòng chữa trị đặc biệt Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Chị Tuyết chưa một ngày được ẵm con, xem mặt con như thế nào. Hơn 10 ngày sau, chị xuất viện về trọ, đứa trẻ vẫn gửi bác sĩ điều trị. "Từ nhà trọ đến bệnh viện, nếu thuê taxi thì 700.000 đồng, đi xe buýt thì 50.000 đồng. Vết thương sinh mổ còn đau lắm nhưng vì nhớ con quá, không còn tiền nên tôi bắt xe buýt đến bệnh viện. Mỗi lần thăm con cũng đứng ngoài cửa nhìn vào thôi chứ không được vô. Đi được 3 lần, đến lần thứ 4 (ngày 22.10) thì bác sĩ nói tình trạng bé rất xấu, có lẽ không sống được 4 ngày nữa. Lúc đó tôi suy sụp, lo sợ cảnh mất con một lần nữa. Bé cầm cự được 2 ngày (24.10) thì không qua khỏi", chị Tuyết nghẹn ngào.
Biết ơn tình cảm của những "người dưng"
Mỗi lần thăm con ở bệnh viện, chị Tuyết phải tranh thủ về nhà trọ để lo cơm nước, vì chồng đi làm và 2 con gái chưa biết cách nấu ăn. Khi bệnh viện báo tin dữ, chị cuống cuồng như người mất trí. Cảm giác rơi vào đường cùng, rối bời khi trong túi không còn tiền để đến bệnh viện.
"Mấy chị em công nhân trong khu trọ ai cũng nghèo, nhưng mỗi người hùn một ít. Tổng cộng gửi cho tôi 700.000 đồng. Gấp rút quá nên tôi gọi taxi, giá 700.000 đồng nhưng tài xế thương tình chỉ lấy 600.000 đồng. Chồng tôi vô nhà xác nhận con. Lúc đưa con về lo hậu sự, tôi chỉ nhớ trong túi mình còn 950.000 đồng. Đó là tiền tạm ứng viện phí được bệnh viện trả lại", chị Tuyết buồn bã tâm sự.
Không đủ tiền mua quan tài cho con, chị được cho một thùng mì tôm. Không còn cách nào khác, vợ chồng định quấn thi thể lạnh ngắt của đứa trẻ đặt vào thùng giấy, ôm lên xe khách về quê.
"Mấy chị ở khu trọ vội vàng lên mạng tìm chỗ mai táng từ thiện. Ban đầu họ đồng ý, nhưng gọi lại lần nữa thì không bắt máy. Mình nghĩ chỗ người xa lạ, ban đêm nữa chắc họ cũng ngại chở về Hậu Giang. Lúc gần như suy sụp thì mấy chị gọi lại, nói có một bên cho một cái hòm rồi đưa 2 mẹ con về quê. Lúc đó tôi như chết đuối vớ được cọc, không cầm được nước mắt", chị Tuyết kể.
Hành trình từ Bình Dương về Hậu Giang rất xa, nhưng chị Tuyết thấy rất ngắn. Từ khi sinh ra, đây là lần đầu tiên chị được ở gần con nhất, được ẵm con trên tay. Đứa bé được các bác sĩ đặt tên cho là Lê Bình An. An về quê yên nghỉ trong vào tay của cha mẹ và 2 "người dưng" phụ lái xe và khâm liệm khi đến nhà. Xe dừng chân ở lộ lớn lúc khoảng 1 giờ sáng, cậu An chạy xe máy ra rước cháu về với mảnh đất ông bà. Cảnh khiến vợ chồng nghèo đau đớn tột cùng là mồ hai anh em nằm yên nghỉ kế bên.
Theo chị Tuyết, suốt một tháng qua, nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, có lẽ gia đình đã rơi vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng. Chi phí điều trị cho con hơn 30 triệu đồng, các y bác sĩ góp mỗi người một ít san sẻ với chị. Trong những lúc cấp bách, Công ty Hà Anh Trí (nơi vợ chồng chị làm việc - PV) không những cho tạm ứng lương mà còn tặng thêm tiền để cả 2 có thêm điều kiện chạy chữa, chăm lo cho các con. Mặc dù khu trọ ai cũng nghèo khó, đều là người tha phương cầu thực, nhưng sẵn lòng giúp 50.000 - 100.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Hường (53 tuổi, hàng xóm chị Tuyết) cho biết, vợ chồng chị Tuyết không đất đai sản xuất nhưng rất chịu khó làm ăn. Xóm giềng rất quý trọng vì tính tình hiền lành, thật thà, không làm phiền lòng ai. Hoàn cảnh vợ chồng ai cũng thương nên dù đi làm ăn xa mấy năm, về quê bà con chòm xóm cũng tới lui thăm hỏi, động viên chị vượt qua nỗi buồn mất mát.
Hiện, ông Hoàng Em phải trở lên Bình Dương để lo cho 2 con gái thời gian qua phải nhờ hàng xóm trông coi giùm. Chị Tuyết ở lại lo hậu tang cho con. Căn nhà trống hoác, mọi vật dụng đều cũ kỹ, hư hỏng và cũng không có điện. Khi sắp xếp ổn thỏa, chị Tuyết cũng sẽ lên Bình Dương để lo cho các con, cho chồng yên tâm đi làm. Mộ hai con trai tạm thời gửi cho cậu ba cạnh nhà sớm hôm nhang khói.
"Ở xứ xa, không người thân thích, lúc cùng đường, vợ chồng nghèo như tôi không biết bám víu vào ai nữa. Mọi người có phải máu mủ ruột thịt gì đâu nhưng ai cũng hết lòng giúp đỡ. Tôi thật sự xúc động và mang ơn rất nhiều. Cả đời tôi cũng không trả ơn hết được", chị Tuyết bật khóc.
Bình luận (0)