Dù 2 vợ chồng anh Nguyễn Trí Nghĩa (42 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tố Quyên (36 tuổi) mù 2 mắt từ khi còn nhỏ nhưng căn nhà trọ 15 m2 ở đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) luôn gọn gàng. Thấy khách ghé thăm, bé Trọng Nhân (lớp 5) và Ngọc Như (lớp 4) cúi chào lễ phép, rót nước thay ba mẹ mời khách.
CHĂM CON BẰNG… TRÁI TIM
Sau cơn sốt phát ban năm 2 tuổi, anh Nghĩa vĩnh viễn không nhìn thấy gì. Nhiều lần thăm khám sau đó, bác sĩ cho biết hệ thần kinh thị giác của anh bị tê liệt, không còn cơ hội cứu chữa. Anh được gia đình cho theo học tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10), nhưng gia đình gặp khó khăn nên phải nghỉ học năm lớp 12, ước mơ đứng trên bục giảng cũng khép lại. Từ đó, anh bắt đầu học nghề massage để tự lo cho bản thân.
Tương tự, chị Quyên mù 2 mắt từ năm 4 tuổi. Ở miền Tây, gia đình đông con, không có điều kiện, chị Quyên được ba dạy học số, tính toán tại nhà. Năm 22 tuổi, chị lên Bình Dương làm massage rồi gặp anh Nghĩa. Đồng cảm, cả hai xin phép gia đình làm đám cưới rồi về chung một nhà. Chị kể, ngày sinh con trai đầu lòng, mẹ chị ở quê lên phụ chăm cháu một thời gian, nhưng tới bé thứ hai sức khỏe bà yếu nên chị phải thuê người chăm con tháng đầu tiên.
"Không thấy đường nhưng ngày nhỏ tôi từng chăm 6 đứa em, giờ chăm con không quá khó khăn, chăm con bằng trái tim người mẹ vậy đó. Khi ẵm bồng, tôi biết con đang nóng sốt hay cảm lạnh, nghe bằng tai xem con thở có bị khò khè, khó chịu không, sờ bằng tay xem con có bị chảy nước mũi, dính sữa không. Nấu món kho thì tôi nghe tiếng nước sôi, món chiên thì nghe tiếng cháy để áng chừng đồ ăn chín chưa… Tôi chăm con có thể chậm hơn mọi người nhưng đều làm được hết", chị chia sẻ.
Điều hai vợ chồng tò mò nhất và vẫn bật cười khúc khích đó là khi nghe người ngoài tả mặt xem các con giống ai, có đôi mắt thế nào, mũi, miệng ra sao… "Các con có đôi mắt sáng, có sức khỏe là niềm hạnh phúc nhất với vợ chồng tôi. Giờ các con luôn giúp ba mẹ lấy cái này cái kia, như ánh sáng của ba mẹ vậy", chị bày tỏ.
CỐ GẮNG CHO CON KIẾN THỨC
Sinh con xong, chị Quyên chuyển sang bán vé số để có nhiều thời gian lo cơm nước. Anh Nghĩa cũng chuyển từ bán vé số sang việc kéo loa vừa hát vừa bán bàn chải, móc khóa vì… bị "mất số" nhiều, tiền bán không đủ bù lỗ.
Anh Nghĩa cho hay, ngày trước 2 con học bán trú, vợ anh đi bán cả ngày được hơn 200 tờ. Nhưng giờ, các bé về nhà ăn trưa, vợ bán đến gần trưa về lo cơm nước, mỗi ngày bán còn 120 tờ, thu nhập giảm một nửa. Về phần mình, sau bữa cơm sáng ở nhà, anh đặt xe công nghệ đến các chợ bán hàng, 3 - 4 giờ chiều mới về nhà ăn trưa. Anh nói: "Tôi kéo xe đi bán gặp nhiều người tốt lắm, họ sẵn sàng dừng xe dắt tôi qua đường, mua tặng ly nước, cái nón khi thấy trời nắng chang chang hoặc kéo tôi vào chỗ núp khi bất chợt mưa. Vậy nhưng thỉnh thoảng cũng mất một số đồ, thậm chí mất cả cây gậy dò đường. Về cũng buồn trong lòng mà nghe 2 đứa nhỏ cười rôm rả là lại quên hết".
Nhắc đến 2 con, chị Quyên tự hào khi các bé rất hiểu chuyện, chủ động giúp ba mẹ việc nhà. "Mong mỏi của vợ chồng tôi là cố gắng lo cho chúng ăn học, mình không có gì thì cho con học lấy kiến thức để sau này nó tự làm nuôi bản thân", chị nói. Bé Ngọc Như cũng bộc bạch: "Con mong lớn lên sẽ đi làm nuôi ba mẹ".
Theo chị Nguyễn Ngọc Thanh Thủy (39 tuổi), dù 2 vợ chồng chị Quyên đều mù nhưng ý chí, nỗ lực của cả hai khiến ai trong nhà cũng cảm phục. "Ngày nhỏ, nó chịu thương chịu khó chăm em, giờ thì tất tả chăm con. Vì hoàn cảnh gia đình, anh chị em trong nhà không giúp được nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn gom góp gửi lên chút tiền chia sẻ chứ nó không bao giờ than vãn lấy một câu", chị Thủy nói về em gái.
Bình luận (0)