Làm gì cũng được, miễn đi cùng nhau
Anh không may mắn bị mù bẩm sinh, chị cũng vĩnh viễn mất đi đôi mắt do cơn sốt phát ban khi mới lên ba tuổi. Cả anh Lê Trung Sinh (33 tuổi, quê Đồng Tháp) và chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (31 tuổi, quê An Giang) đều không có kí ức về một cuộc sống đầy màu sắc, ánh sáng.
Anh Sinh gặp chị Hiền khi cả hai cùng làm chung tại một cơ sở massage của người mù ở Vũng Tàu. Rồi hoàn cảnh đồng điệu khiến anh chị nảy sinh tình cảm và quyết định về chung một nhà.
Anh Sinh kể, sau khi cưới nhau, anh chị chuyển về TP.HCM thuê trọ và làm nghề bán vé số dạo để kiếm sống, lúc nào hai người cũng dắt nhau đi.
“Khi mới lên Sài Gòn, hai vợ chồng tôi cùng nhau đi bán vé số dạo. Hồi đó đi bộ nhiều lắm, hai vợ chồng nắm tay nhau cứ tìm đường mà đi, nhiều khi nắng quá phải ngồi tạm gốc cây hay chỗ ngã tư nào đó để nghỉ mệt. Hồi đấy tôi bán vé số mỗi tờ lời 1.200 đồng”, anh Sinh kể.
|
Thế nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu mà anh chị lại thường xuyên bị người ta lừa mất vé số. “Hồi bán vé số vợ chồng tôi rất hay bị lừa, người ta đồng ý mua, lựa xong đi mà không trả tiền, bị hoài luôn. Nhiều lần bị mất như vậy tôi vừa buồn lại vừa lo bên đại lý không giao vé số cho mình đi bán, thu nhập không ổn định để nuôi con”, chị Hiền thở dài.
|
Sau này khi được một người bạn giới thiệu, anh chị chuyển qua bán tăm bông. Tuy có chút chậm chạp khi thối tiền lại cho khách nhưng rất may anh chị đều biết cách phân biệt những tờ tiền có mệnh giá từ 10 ngàn đồng trở lên nên không bị nhầm lẫn. Còn với một số loại tiền bằng giấy không phân biệt được thì anh nhờ người quen phân loại giùm.
Mỗi ngày, từ 6 giờ rưỡi sáng, anh chị lại bồng theo đứa con út mới 20 tháng tuổi, thuê một anh xe ôm quen chở đến những khu chợ như chợ Hòa Bình, Bà Chiểu…để bán tăm bông. Mỗi lần thuê xe như vậy, anh chị lại mất khoảng hơn 100.000 đồng tiền xe ôm, trừ đi chi phí mỗi sáng anh chị cũng chỉ dư khoảng chừng 150.000 - 200.000 đồng.
“Mỗi ngày bán như vậy trả tiền xe ôm mất gần một nửa. May là có anh xe ôm quen chịu chở chứ đi xe ngoài thì còn mắc hơn. Vợ chồng tôi lại không đi xe buýt được vì từ nhà ra bến xe xa, lại còn thêm chiếc loa kẹo kéo, vợ tôi thì bế thằng con út nữa. Số tiền kiếm được buổi sáng để lo tiền ăn trưa và tối cho cả gia đình, tiền bỉm sữa và đóng tiền nhà trọ 2 triệu đồng/tháng. Buổi tối tôi đi bán một mình kiếm tiền lo vừa đủ bữa sáng chứ không dư giả gì. Đó là những ngày bình thường còn tới mùa mưa bão khổ lắm, bán không được”, anh Sinh cho hay.
Trời phú cho anh Sinh giọng hát nên anh chị sắm một chiếc loa kẹo kéo để anh Sinh hát trong khi bán hàng. Cứ vậy ngày nắng cũng như ngày mưa, anh Sinh đi trước vừa đẩy loa kẹo kéo vừa hát còn chị Hiền địu đứa con trai nhỏ của mình ở trước ngực, một tay vịn vào chiếc loa theo sau để khỏi bị lạc, chứ thế đi hết khu chợ này đến khu chợ khác mưu sinh.
|
10 năm bên nhau, người này nóng thì người kia im lặng
Hơn 10 năm chung sống, anh Sinh và chị Hiền đã có với nhau 4 mặt con. Anh Sinh chia sẻ, mỗi lần vợ mang thai anh lại như ngồi trên đống lửa vì sợ con sinh ra bị di truyền của anh, nhưng may thay cả 4 đứa trẻ đều khỏe mạnh bình thường.
tin liên quan
Chạm vào ước mơ: Chàng mù hát rong triệu view song ca cùng Ngọc nữ boleroHiện tại cả gia đình anh Sinh đang sống ở một phòng trọ trên đường số 2, khu dân cư Bình Hưng (Bình Chánh, TP.HCM). Căn phòng trọ chỉ chừng mười mấy mét vuông, phía trên có căn gác nhỏ, buổi tối cả gia đình chia nhau ra nằm ngủ mới đủ. Chị Hiền nói các vật dụng trong nhà anh chị đều sử dụng thành thạo, tuy không bằng người bình thường nhưng rèn luyện nhiều nên cũng quen dần.
Chị Hiền cũng cho hay, từ khi cưới nhau anh chị rất ít xảy ra xích mích. “Từ khi cưới tới giờ, vợ chồng tôi không cãi vã nhiều. Lúc người này nóng thì người kia im lặng để mọi chuyện qua đi. Ngày xưa bố mẹ tôi chia tay nhau, tôi chỉ được ở với mẹ nên không muốn các con tôi cũng gặp hoàn cảnh như vậy. Lâu lâu có dịp rảnh rỗi, anh Sinh lại hát cho tôi và các con nghe, anh ấy hát hay lắm”, chị Hiền vừa nói vừa cười ngượng ngùng.
|
Mơ ước con sẽ học hành đến nơi đến chốn
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng gia đình anh chị sống vui vẻ, đặc biệt, 4 đứa con ngày càng khôn lớn và mạnh khỏe là động lực để anh chị cố gắng mỗi ngày. Anh sinh cho biết, dù không thấy được mặt các con nhưng anh chị vẫn luôn hạnh phúc vì các con đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết phụ bố mẹ việc nhà.
tin liên quan
Bố giết mẹ, 2 con gái gửi đơn bãi nại thay cái gật đầu tha thứTôi tả một lượt những đứa trẻ cho anh chị nghe, rằng cả 4 đứa đều có đôi mắt to tròn, bé gái có một cái má lúm đồng tiền rất duyên. Nghe thấy thế cả anh Sinh và chị Hiền đều nở nụ cười mãn nguyện.
“Tôi không thấy mặt chúng nhưng ngày ngày bế các con trên tay cũng cảm nhận được, tôi chỉ mong chúng nó khỏe mạnh. Vợ chồng tôi cũng đỡ nhiều khi các con lớn, chúng nó ngoan ngoãn và biết phụ việc nhà”, anh Sinh nói bằng giọng tự hào.
Em Lê Văn Đạt (13 tuổi, con trai lớn của vợ chồng anh Sinh) nhanh nhảu nói: “Tụi con giúp bố mẹ nấu cơm, rửa chén, trông em. Con thương bố mẹ vì bố mẹ không nhìn thấy được những thứ xung quanh. Vì vậy mỗi lần bố mẹ ra ngoài con thường lấy dép cho đúng đôi và chỉ đường cho bố mẹ đi”.
|
Vui vì 4 đứa con đều khỏe mạnh nhưng anh chị lại đau đáu nỗi lo vì không cho con học hành đúng tuổi. Ba đứa con lớn của anh chị cách nhau 2 tuổi, đứa lớn nhất đáng lẽ năm nay đã lên lớp 6 thế nhưng cả 3 anh em đều đang học chung lớp một ở một trường do các sơ bên nhà thờ mở dạy.
Nhắc đến chuyện học hành của con, chị Hiền rơm rớm nước mắt nói: “Mơ ước lớn nhất của tôi là các con được học hành đàng hoàng để sau này có nghề nghiệp tự lo cho bản thân, đời tôi đã khổ rồi, tôi không muốn các con cũng phải khổ như bố mẹ nó”.
Bình luận (0)