Anh Ngọc, chị Phương là ai ?
Trong hồi ký của mình, nhà cách mạng lão thành Hà Huy Giáp cho biết: Sau Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, Đảng bộ Nam kỳ bị đánh phá, khủng bố dã man. Các cơ sở Đảng tan nát, mất liên lạc với Trung ương... Sau ngày Nhật đảo chính (9.3.1945), Xứ ủy Nam kỳ được khôi phục. Ông Hà Huy Giáp cử người cháu của mình là Lý Chính Thắng ra Hà Nội để tìm cách nối lại liên lạc với Trung ương Đảng.
Ông bà Nguyễn Xuân Ngọc (1921 - 2012) - Lê Tụy Phương (1921 - 2007) |
Tư liệu gia đình |
“Ra Hà Nội, Thắng gặp vợ anh Ngọc, chị Tụy Phương, nguyên trước kia cũng cùng học Trường Thăng Long. Hai anh chị này giới thiệu Thắng với anh Trường Chinh”, ông Hà Huy Giáp kể lại trong hồi ký.
Anh Ngọc, chị Tụy Phương trong đoạn hồi ký trên ít người biết đến dù họ có vai trò kết nối phái viên của Xứ ủy Nam kỳ với Tổng bí thư Trường Chinh. Nhà cách mạng lão thành Hà Huy Giáp sau này xác nhận: Trong nhiệm vụ tìm nối liên lạc với Trung ương Đảng, Lý Chính Thắng đã được sự giúp đỡ tích cực của vợ chồng bà Lê Tụy Phương để gặp được đồng chí Trường Chinh.
Năm 2007, khi tôi tìm đến ngôi nhà số 1 phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) thì không còn may mắn được gặp bà Lê Tụy Phương nữa. Bà mới qua đời trước đó không lâu. Ông Nguyễn Xuân Ngọc, chồng bà, đã kể lại cho tôi nghe về cuộc đời hoạt động của bà Lê Tụy Phương và sự kiện đưa Lý Chính Thắng gặp Tổng bí thư Trường Chinh.
Hai ông bà cùng tuổi, cùng là bạn học Trường tư thục Thăng Long rồi gắn bó cùng nhau đi trọn con đường cách mạng. Sau khi nổ ra chiến tranh thế giới lần thứ hai (1.9.1939), tình thế cách mạng nước ta đã thay đổi. Theo quyết định của Xứ ủy Bắc kỳ, bà Lê Tụy Phương nhận “nhiệm vụ đặc biệt trực tiếp với Xứ ủy Bắc kỳ”, lúc đó là ông Đào Duy Kỳ, quyền Bí thư Xứ ủy. Nhiệm vụ cụ thể của bà là: Làm liên lạc, chuyển thư từ, tài liệu bí mật cho nhiều đồng chí ở Hà Nội, và ngược lại chuyển thư từ, tài liệu bí mật của các đồng chí cho Xứ ủy; Vận động học sinh, trí thức đọc sách báo bí mật, tuyên truyền, giải thích đường lối cách mạng của Đảng; Kiếm những thứ thuốc quý gửi cho các đồng chí lãnh đạo uống để chữa bệnh; Quyên góp tài chính ủng hộ quỹ Đảng; Trong trường hợp đột xuất, che giấu đồng chí bị địch truy lùng và tạo điều kiện để đồng chí tiếp tục hoạt động…
Ban đầu, trong nhiệm vụ của mình, bà Phương luôn được mẹ là cụ Nguyễn Thị Châm, chủ Nhà hộ sinh Con Rồng (số 127 - 129 phố Henri d’Orléans - nay là phố Phùng Hưng - Hà Nội), và em trai lớn Lê Tất Thành hỗ trợ trong mọi việc. Về sau, bà lại được người bạn đời Nguyễn Xuân Ngọc cùng chung vai gánh vác những công việc bí mật trong hoạt động yêu nước, giải phóng dân tộc này.
Giúp đảng một việc lớn
Đầu tháng 4.1945, bà Lê Tụy Phương đón người bạn đồng môn từ Sài Gòn ra Hà Nội: Nguyễn Đắc Huỳnh - lúc này mang bí danh Lý Chính Thắng. Hai người bạn cũ gặp lại nhau, Lý Chính Thắng cho biết: Đảng bộ Nam kỳ cử ông ra, nhờ chắp mối gặp Trung ương. Bởi vì sau Nam kỳ khởi nghĩa (23.11.1940) các cơ sở Đảng ở miền Nam hầu như bị thực dân Pháp đánh tan rã hết.
Bà Lê Tụy Phương (1921 - 2007), quê nội ở Nam Sách, Hải Dương. Bà hoạt động sôi nổi trong phong trào Mặt trận Dân chủ, hoạt động bí mật thầm lặng trong thời kỳ địch khủng bố ác liệt, với "nhiệm vụ đặc biệt trực tiếp với Xứ ủy Bắc kỳ", tiếp đó là Tổng bộ Việt Minh, cho đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
Kháng chiến chín năm ở Việt Bắc, bà Lê Tụy Phương đã tham gia sáng lập trại trẻ Nhi đồng ở Khe Khao (Bắc Kạn) để nuôi dạy con em cán bộ của Đảng. Hòa bình lập lại, bà tiếp tục làm Giám đốc trại trẻ miền Bắc (20 Thụy Khuê, Hà Nội), Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, biên tập viên Báo Phụ nữ Việt Nam, tham gia tổ tư vấn tâm lý gia đình "Thanh Tâm"…
Vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Ngọc - Lê Tụy Phương đã chắp mối liên lạc và bố trí để ông Lý Chính Thắng tới làng Vạn Phúc gặp Tổng bí thư Trường Chinh. Tại cuộc gặp gỡ này, Lý Chính Thắng đã nhận chỉ thị của Trung ương cùng những tài liệu của Mặt trận Việt Minh do chính Tổng bí thư Trường Chinh truyền đạt. Nhận xong chỉ thị, ông trở lại Nhà hộ sinh Con Rồng.
Cùng thời gian đó, Thường vụ Trung ương đã cử bà Cái Thị Tám (bí danh Nguyễn Thị Kỳ) làm giao liên cùng đưa phái viên của Xứ ủy Nam kỳ trở về Sài Gòn.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc nhớ lại: Hai người đi thẳng ra ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Vé của hai người và căn cước giả của bà Cái Thị Tám do vợ chồng ông Ngọc bà Phương lo đầy đủ...
Sau này gặp lại ông bà Nguyễn Xuân Ngọc - Lê Tụy Phương tại miền Nam, ông Hà Huy Giáp đã nhắc lại chuyến công tác đặc biệt của Lý Chính Thắng năm 1945 và đánh giá: “Anh chị đã giúp Đảng một việc rất lớn”. Chính nhờ thư của Tổng bí thư Trường Chinh và các tài liệu khác của Trung ương Đảng gửi cho Xứ ủy Nam kỳ mà Xứ ủy khôi phục được liên lạc với Trung ương. Các ông Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm… kịp ra dự Hội nghị Toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào (8.1945). Cũng chính từ chuyến đi của Lý Chính Thắng, sự thông suốt từ Trung ương xuống Xứ ủy Nam kỳ góp phần làm nên Cách mạng tháng Tám ở miền Nam và Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi (25.8.1945).
(còn tiếp)
Bình luận (0)