Ông là Lê Quốc Tuấn, 83 tuổi, bà là Phạm Thị Phượng, 81 tuổi, cặp vợ chồng trú Q.Tân Bình, TP.HCM. Ông có nhiều bệnh nền như suy thận, huyết áp vô căn, đường huyết, lãng tai nặng, xương khớp yếu và các biến chứng của đột quỵ, ngày nào cũng phải uống thuốc theo toa của bác sĩ. Bà bị bệnh xương khớp và bị lẫn. Vợ chồng U.90 đã chiến thắng Covid-19 bằng cách nào?
Đã có lúc nghe “gia đình cần chuẩn bị sẵn tâm lý”
Thái Thiện, 25 tuổi, cháu ngoại ở với ông bà từ nhỏ cho hay vào ngày 21.7, 4 người trong nhà anh được phát hiện là F0. Sau những ngày tự cách ly tại nhà, mọi người phải tới khu cách ly tập trung nhưng bà không chịu đi. Cả nhà đã giải thích rất nhiều lần về sự nguy hiểm của Covid-19 nhưng bà hoàn toàn không nhớ. Tới nơi rồi, bà vẫn khóc suốt đòi về nhà, các cháu giữ không được đành phải để bà phải đi vòng quanh khu cách ly, khi thấy không có đường về thật, bà mới chấp nhận về phòng.
Ông ngoại phải di chuyển bằng xe lăn, ở khu cách ly đúng một đêm, ông trở nặng và phải chuyển ngay tới Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Anh Thiện và bà đã âm tính trở lại sau 2 tuần, họ về nhà. Nhưng ông rất yếu, phải thở máy.
|
|
|
Hàng tuần, gia đình anh Thiện tìm cách liên lạc bệnh viện để hỏi tình hình của ông. Khi nghe câu “gia đình cần chuẩn bị tâm lý”, mọi người cũng dặn nhau nếu có tình huống xấu nhất xảy ra, cũng cần bình tĩnh vì ông lớn tuổi rồi, có nhiều bệnh nền, khả năng chống chọi với Covid-19 sẽ yếu hơn.
“Nhưng thật may, vài ngày sau bác sĩ báo ông đang hồi phục và không cần thở máy nữa. Rồi nghe được bác sĩ nói ý chí của ông rất mạnh mẽ. Ông khiến các bác sĩ cũng ngạc nhiên. Hôm 17.8, sau gần 1 tháng, bệnh viện gọi điện thông báo “ông được ra viện, người nhà lên đón ông”, cả nhà chúng tôi mừng quýnh”, anh Thiện bộc bạch.
Chăm người già như chăm em bé
Anh Thiện cho biết, ngày mới ra viện, ông vẫn còn dương tính nhưng bác sĩ cho hay nồng độ virus (chỉ số Ct) còn thấp, khi chăm sóc ông cần mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Gia đình đã quyết định, để anh Thiện và 2 người còn trẻ tuổi trong nhà thay nhau chăm sóc ông.
Sức khỏe ông rất yếu, chưa thể tự đi lại được nhưng không chịu mang tã. Tính cách độc lập từ trước đến giờ khiến cụ ông U.90 không chấp nhận việc đi vệ sinh trong tã. Trong khi ông bị suy thận, phải đi tiểu liên tục, luôn phải có người bên cạnh để dìu ông dậy.
|
Ban đầu, các cháu nấu cháo, đồ ăn mềm rồi sau đó tăng lượng ăn dần lên cho ông, bổ sung thêm yến, sữa, thuốc bổ nên chỉ cần 3 ngày sau, ông đã có sức sống hơn, tỉnh táo và nhận thức được xung quanh. Ông rất mạnh mẽ, chủ động uống thuốc, tự ăn hết phần cơm.
“Ông ăn hơi tèm lem vì miệng không khép được sau lần đột quỵ trước nhưng gia đình để ông tự ăn, các cháu sẽ dọn dẹp sạch sau mỗi bữa. Ông luôn bảo "ông không chết được đâu, nhất định không chết". Quả quyết ghê. Sau đêm đầu về nhà thì dì út trong nhà mua liền chiếc xe bô để luôn trong phòng. Từ hôm thứ 3, mới đi được chớm chớm, ông đã bảo "phải tập đi để tự đi tới cái bô được". Chăm ông có vất vả, nhưng nghe thấy vậy chúng tôi rất cảm động vì ông thật sự cố gắng”, anh Thiện kể.
Cách đây 5 ngày, phường đã có test nhanh lại cho các cư dân, kết quả, ông đã âm tính. Như vậy, cả cụ ông và cụ bà U.90 đã với nhiều bệnh nền đã chính thức chiến thắng Covid-19.
|
|
Anh Thiện đưa ông bà ở cùng một phòng, để tiện chăm sóc và theo dõi tình trạng sức khoẻ. Phần khác, để muốn cả nhà cùng được ăn cơm với nhau sau một thời gian những bữa cơm cũng phải 5K vì nhà có F0. Các cậu tặng cho ông bà chiếc ti vi mới để cả hai có thể dự lễ nhà thờ trực tuyến như tâm nguyện nên ông bà đều rất vui.
Có những tình huống dở khóc dở cười khi chăm người già, như ông bị lãng tai, bà thì bị lẫn. Nói lớn để ông nghe thấy thì bà lại nghĩ các cháu la mắng, làm bà tủi thân. Hay có lúc ông bị lẫn, nhất quyết nói các cháu giấu quần áo của ông trong tường, thế là đòi lấy cái búa, đập đập vào tường để lấy áo ra. Nhưng cũng có những khoảnh khắc rất đáng yêu được camera trong phòng ghi lại, ông thấy bà ngủ say thì chống gậy sang giường kia, đắp chăn cho bà, vén chăn cẩn thận, dù hồi chiều 2 người mới cãi cọ nhau.
Anh Thiện tâm sự: “Chăm người già như chăm em bé, lúc cứng lúc mềm. Mỗi ngày, mỗi sự cố đều là bài học để chính bản thân con cháu có thể điều chỉnh cách chăm sóc và thái độ ứng xử với ông bà. Những lúc mệt mỏi nhất thì mọi người trong nhà tôi bảo nhau, nhớ lúc nhỏ cha mẹ chăm mình vất vả sao thì bây giờ mình cũng chăm được ông bà như vậy đó”.
“Những lần cuối” được ở bên nhau
Anh Thiện cho biết, lúc mới về nhà, thi thoảng trong trí nhớ mơ hồ, ông hay kể đứt đoạn những ký ức ở bệnh viện, chỉ nghe sơ sơ cũng có thể đoán ra, chắc các y bác sĩ đã rất vất vả vì ông. “Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn bác sĩ và các nhân viên y tế bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã điều trị, chăm sóc ông suốt thời gian qua”, anh Thiện xúc động.
Anh Thiện nói với phóng viên Báo Thanh Niên, anh mong muốn câu chuyện ông bà U.90 của anh với nhiều bệnh nền chiến thắng Covid-19 sẽ truyền thêm năng lượng tích cực cho những gia đình có người lớn tuổi là F0. Người già cần sự yêu thương của cháu con. Và người trẻ trong gia đình cần sự bình tĩnh, hiểu rõ bệnh nền và Covid-19 để có thể giải thích, biết cách chăm sóc người bệnh khoa học.
Để người già thêm vui vẻ, được khích lệ tinh thần, con cháu có thể cho người thân ở xa thường xuyên gọi điện nói chuyện thân mật, vui vẻ, đưa ra những phần thưởng là món đồ ông bà mình rất thích…
|
|
Cháu ngoại của ông bà U.90 chiến thắng Covid-19 bộc bạch: “Tôi ở với ông bà từ lúc sinh ra tới giờ. Hầu như những giai đoạn bệnh tật của ông bà, tôi đều theo sát. Nhà có người lớn tuổi, số lần tôi đưa ông bà đi cấp cứu không hề ít, bù lại tôi bình tĩnh và biết xử lý trước những sự cố như vậy. Khi Sài Gòn hết dịch, mọi thứ trở lại bình thường, tôi mong cả đại gia đình mình sẽ có một chuyến đi du lịch cùng nhau. Có lẽ, đây sẽ là một trong những lần cuối quý giá của cả gia đình bên ông bà, trong những ngày tháng cuối cuộc đời...”.
Bình luận (0)