Vợ chồng viên chức tỉnh thu nhập 10 triệu, nuôi 2 con nhỏ chi hết 15 triệu/tháng

26/04/2022 19:34 GMT+7

Để đủ tiền chi tiêu cho một tháng, công nhân - viên chức sống tại TP.Đồng Hới ( Quảng Bình ) vẫn phải làm thêm mới đủ tiền chi tiêu trong gia đình; công nhân Quảng Trị dù "trốn" về quê làm việc vẫn xoay sở khó khăn trước 'bão giá'.

Mặc dù cơ sở hạ tầng hay kinh tế, xã hội chưa phát triển bằng các thành phố khác, nhưng TP. Đồng Hới (Quảng Bình) vốn được nhiều người biết đến là nơi đắt đỏ về chi phí ăn uống, sinh hoạt… Để sống đủ tại thành phố nhỏ này, phần lớn các công nhân viên chức… phải làm nhiều nghề tay trái hoặc tăng ca mới để có đủ tiền chi tiêu cho cả gia đình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tình (36 tuổi) hiện đang là cán bộ bán chuyên trách làm việc tại văn phòng Đảng ủy xã Quang Phú (H.Bố Trạch, Quảng Bình) và anh Bùi Ngọc Hải (37 tuổi) đang làm việc tại Trung tâm y tế TP. Đồng Hới. Mỗi tháng, hai vợ chồng chị Tình và anh Hải nhận được hơn 10 triệu đồng tiền lương từ công việc chính, nhưng số tiền mà anh chị phải chi tiêu đã vượt quá mức lương mà hai anh chị nhận được.

Sau giờ làm, chị Tình còn phải lo cho xong công việc nội trợ của gia đình để có thời gian làm nghề tay trái.

Bá Hoàng

Theo chia sẻ của chị Tình, gia đình nhỏ của chị hiện có 4 người, hai vợ chồng anh chị và 2 người con đang ở tuổi mầm non, tiểu học. Hàng tháng để đủ chi trả toàn bộ chi phí, gia đình chị phải mất gần 15 triệu đồng.

“Mỗi tháng chúng tôi phải chi trả trung bình khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện, nước, internet. Vì con còn nhỏ nên tháng nào cũng mất thêm 2 triệu đồng tiền mua sữa cho con. Mỗi ngày để lo đủ cho 3 bữa ăn cũng mất thêm 200 ngàn, còn chưa kể đến chi phí học bán trú của 2 cháu cũng hơn 2 triệu đồng và các khoản phát sinh như cưới hỏi, đám đình, mua sắm…”, chị Tình chia sẻ.

Mỗi tháng riêng tiền mua sữa cho 2 người con trai, chị Tình cũng tốn hơn 2 triệu đồng.

Bá Hoàng

Để đủ chi tiêu cả tháng cho gia đình, sau giờ làm chị Tình tranh thủ làm thêm công việc bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Thứ chị Tình đang bán là hải sản tươi, khô… cũng giúp chị Tình thu lại số tiền bằng với tiền lương mà chị nhận được mỗi tháng.

Theo bảng lương tối thiểu vùng tại Nghị định 90, thì lương tối thiểu vùng của TP Đồng Hới (Quảng Bình) là 3,920 triệu đồng. Còn tại H.Triệu Phong (Quảng Trị) là 3,07 triệu đồng/tháng.

Tiền lương thấp, hơn một nửa người lao động chỉ đủ ăn đủ sống

Anh Trần Lê Minh (24 tuổi, H.Quảng Trạch, Quảng Bình), vừa tốt nghiệp xong đại học, anh Minh được nhận vào làm tại một công ty kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.Đồng Hới. Mức thu nhập của anh Minh rơi vào khoảng 4 triệu đồng- 12 triệu đồng tùy vào doanh số bán hàng.

Anh Minh phải tăng ca thường xuyên nhưng chưa biết có giúp bản thân bán được hàng hay không.

Bá Hoàng

“Vì vẫn còn đang độc thân nên cuộc sống của tôi vẫn còn chưa có nhiều điều phải lo. Tuy nhiên làm một nghề mà mức lương nhận lại có sự biến động tùy vào doanh số, nên tôi phải thường xuyên tăng ca để hy vọng bán được hàng, trông chờ kiếm thêm thu nhập”, anh Minh nói.

Theo anh Minh, mức sống ở TP.Đồng Hới khá đắt đỏ, mỗi dĩa cơm cũng có giá từ 30.000-35.000 đồng mới đủ no bụng, chỉ ba bữa ăn đã mất gần 100 ngàn đồng/ngày, vị chi 1 tháng đã "ngốn hết" của anh 3 triệu đồng tiền ăn.

Đang sống cuộc sống xa nhà, mỗi tháng anh Minh mất từ 800-850 ngàn đồng tiền thuê trọ, các khoản ăn uống, sinh hoạt cũng tốn 100.000-120.000/ngày. Chỉ mới hai khoản tiền bắt buộc phải chi trả cũng đã mất hết 90% số lương cứng mà anh Minh kiếm được ở những tháng không đạt doanh số bán hàng. Chính vì thế anh thường xuyên tăng giờ làm với hy vọng sẽ gặp được khách hàng, thuyết phục họ mua thành công, mở rộng nguồn thu nhập.

Công nhân lương 4-6 triệu/tháng nuôi con là chật vật

Không chỉ tại các thành phố lớn mà ngay cả những vùng nông thôn, tiền lương cũng đang là vấn đề đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của người dân.

Chị Trần Thị Thu (xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) là công nhân tại một công ty gỗ với mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của chị, một tháng phải chi hơn 3 triệu tiền ăn cho cả gia đình (3 người). Với giá cả ngày một tăng, chi phí xăng xe và điện nước trung bình một tháng cũng tiêu tốn của chị hết 600.000 đồng.

“Hơn 10 năm làm công nhân, về cơ bản tôi chỉ đủ sống. Trước đây, khi phải nuôi 2 đứa con mà chỉ một mình tôi làm thì nợ nần chồng chất. Giờ có con gái đã đi làm phụ thêm nhưng vẫn không đâu vào đâu.” chị Thu chia sẻ.

Bữa cơm tối của chị Thúy lúc nào cũng từ 9 giờ đêm vì tính chất công việc phải tăng ca thường xuyên của chị.

Linh TRang

Con của chị Thu là Nguyễn Thị Minh Hiền (23 tuổi), đang là công nhân tại một xưởng may trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày, Hiền phải đi quãng đường hơn 10km để đến chỗ làm, mất khoản tiền 500 nghìn đồng tiền xăng xe cho cả tháng, so với mức lương trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng cũng đã chiếm 10% thu nhập.

Với thu nhập trung bình hiện tại của cả hai mẹ con, cuộc sống của gia đình chị Thu được xem là tạm ổn. Tuy nhiên, trước đây khi chị Thu làm việc để nuôi 2 con ăn học nên cũng phải vay mượn khắp nơi chứ một mình chị lao động không thể đủ. Mỗi tháng tiết kiệm tối đa, 2 mẹ con chị cũng chỉ được khoảng 3 triệu đồng, chưa là gì so với con số 70 triệu còn đang nợ ngân hàng.

Cũng không khá hơn là bao, gia đình anh Đoàn Hữu Nghị cùng vợ là chị Lê Thị Thúy (xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) cũng đang loay hoay tìm đâu ra tiền để đủ chi tiêu hàng tháng.

Chị Thúy, hiện chị đang là một công nhân ngành may mặc tại TT.Ái Tử (Quảng Trị). Một ngày công việc của chị Thúy bắt đầu từ 7 giờ sáng, tăng ca đến 8 giờ tối. Mặc dù thường xuyên tăng ca nhưng mức lương chị thu lại chỉ từ 5-6 triệu đồng/tháng

Có thêm con gái đã kiếm ra tiền, nhưng gia đình chị Thu vẫn chưa thể đủ chi tiêu cho cả tháng trước sự đắt đỏ của giá cả

Linh Trang

Anh Nghị hiện đang là công nhân điện nước tự do, nhưng vì là nhân viên tự do nên mức lương cũng không ổn định, trung bình những tháng cao điểm anh kiếm được khoảng 6 – 7 triệu đồng.

“Chỉ những tháng cao điểm công việc mới dễ dàng, còn những tháng ít khách, ít việc có khi tôi chỉ biết gác chân “chờ thời” và tìm thêm một công việc khác kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình” anh Nghị trầm giọng.

Việc chi tiêu của gia đình anh chị càng thêm khó khăn khi có 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Tiền ăn của cả gia đình tiêu tốn khoảng 4 triệu/tháng, tiền sữa và bánh cho 2 con là 1 triệu/tháng, học phí của 2 đứa con cũng tốn đến 3 triệu đồng. Chưa kể đến tiền xăng xe đi lại và điện nước đã hết hơn 1 triệu của anh chị.

Mặc dù không phải chi thêm các khoản tiền trọ như những người công nhân khác, nhưng cuộc sống của gia đình chị Thu và anh Nghị vẫn chưa ổn định. Mức lương tối thiểu tại vùng 4 là 3.070.000 đồng nhưng cũng không thấm vào đâu khi vật giá ngày càng đắt đỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.