Vợ chồng 'Vua cà phê' ly hôn: Tranh cãi về công sức đóng góp tại Trung Nguyên

22/02/2019 07:00 GMT+7

Ngày 21.2, phiên tòa xét xử sơ thẩm tranh chấp ly hôngiữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên), bước sang ngày thứ 2.

[VIDEO] Vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên nói gì khi người rút đơn ly hôn, người không đồng ý?
Tại tòa, các bên tập trung chất vấn nhau để làm rõ hơn công sức đóng góp, tạo dựng tài sản của từng người trong quan hệ hôn nhân của vợ chồng; luật sư (LS) các bên cũng tranh luận, đưa ra các căn cứ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

“Ông Vũ là linh hồn của Trung Nguyên”

Đưa ra căn cứ pháp lý trong việc ông Vũ có quyền được nhận tỷ lệ 70% trong khối tài sản chung hai vợ chồng, LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Vũ lập luận: khoản 2, điều 59 luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) quy định “tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung”.
“Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập ra Trung Nguyên, thông qua việc: chọn cà phê, chọn Buôn Ma Thuột và chọn tên Trung Nguyên. Ngoài ra, xuyên suốt từ năm 1996 đến nay, ông Vũ luôn là “linh hồn” của Trung Nguyên, là người điều hành trực tiếp Tập đoàn Trung Nguyên... Vì vậy, đề xuất của bị đơn được chia theo tỷ lệ 70% - 30% trong cổ phần, phần vốn góp là chấp nhận được”, đại diện ủy quyền của ông Vũ trình bày.
Lý giải đề nghị được thanh toán phần tiền, tương ứng 30% cổ phần của bà Thảo, đại diện ủy quyền cho ông Vũ trình bày giữa nguyên đơn và bị đơn có sự mâu thuẫn từ năm 2015. Điển hình là Tập đoàn Trung Nguyên và bản thân ông Vũ phải trải qua 18 vụ kiện; ông Vũ bị bà Thảo đề nghị đi giám định tâm thần... Nếu tiếp tục những mâu thuẫn này thì khó cho sự phát triển của tập đoàn... Ông Vũ đề nghị thanh toán số tiền tương ứng 30% cổ phần, phần góp vốn của bà Thảo, nhằm tạo ra sự ổn định trong điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên.

Của chồng, công vợ

Ngược lại, phía LS của bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định điều 59, luật HNGĐ quy định tài sản hình thành trong hôn nhân là sở hữu chung hợp nhất, chia đôi. Thông tư liên tịch 01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của luật HNGĐ nêu người vợ ở nhà chăm sóc con, gia đình, không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương chồng, vì vậy nguyên tắc chia đôi trong tài sản chung hợp nhất vợ chồng phải được thực hiện.
Tại tòa, bà Thảo trình bày, dù ông Vũ cùng các LS của ông có đưa ra các lập luận gì cũng không thể phủ nhận được việc 20 năm nay, bà đã thay ông nuôi dạy 4 người con; cùng ông Vũ điều hành, phát triển Tập đoàn Trung Nguyên. Vì vậy, bà không đồng ý đề nghị của ông Vũ phân chia cổ phần, phần vốn góp theo tỷ lệ 70% - 30%.
Phía bà Thảo đề nghị phương án bà Thảo nắm 51% cổ phần tại Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Lý do, hiện hai vợ chồng bà Thảo đang giữ 90% cổ phần tại Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Nếu bà Thảo chiếm 51% cổ phần, thì ông Vũ chỉ nắm 39% cùng với 10% cổ phần người nhà ông Vũ. Với điều lệ hiện tại của công ty, ông Vũ không thể dùng ý chí của mình để áp đặt các vấn đề khác tại công ty. Đại diện cho bà Thảo cũng yêu cầu chia đôi cổ phần với ông Vũ tại một số công ty khác.
Về bất động sản, bà Thảo thống nhất phương án chia đôi nhưng đề nghị HĐXX tuyên bà cùng các con được sở hữu căn nhà 31 Tú Xương vì căn nhà này gắn liền với cuộc sống của mẹ con bà; bà Thảo chấp nhận phương án ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 người con.
Dự kiến, chiều 25.2, phiên tòa tiếp tục với phần phát biểu quan điểm của đại diện Viện KSND TP.HCM.

Rút đơn xin ly hôn có “đảo ngược” tư cách tố tụng ?

Sáng qua (21.2), trong phần hỏi đáp, sau thời gian HĐXX thuyết phục, hòa giải mối quan hệ hôn nhân giữa các bên, bà Thảo cho biết sẽ rút đơn xin ly hôn. Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý và đề nghị HĐXX tiếp tục giải quyết các yêu cầu phản tố của mình.
HĐXX giải thích, nếu bà Thảo rút đơn xin ly hôn, ông Vũ giữ nguyên yêu cầu phản tố, thì tư cách tố tụng các bên sẽ bị thay đổi (ông Vũ sẽ là nguyên đơn và bà Thảo là bị đơn trong vụ việc tranh chấp). Ngay sau đó, bà Thảo quyết định chỉ rút đơn xin ly hôn, vẫn yêu cầu phân chia tài sản.
Về phát sinh “hiếm gặp” này, LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết điều 245, bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thay đổi địa vị tố tụng nếu trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, thì bị đơn mới trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn. Tuy nhiên, trong vụ việc này, bà Thảo chỉ rút một phần yêu cầu khởi kiện, là đơn xin ly hôn, nên HĐXX chỉ đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu đương sự đã rút, đồng thời tư cách tố tụng các bên không bị thay đổi.
Cũng trong chiều qua, bà Thảo trình bày do ông Vũ không đồng ý hàn gắn hôn nhân nên bà không rút đơn xin ly hôn và giữ nguyên toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với ông Vũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.