Vợ cố nhà thơ Nguyễn Bính qua đời

23/10/2017 14:23 GMT+7

Bà Nguyễn Lục Hà, còn có tên khác là Nguyễn Hồng Châu, người vợ miền Nam chịu thương chịu khó của cố thi sĩ Nguyễn Bính đã qua đời lúc 14 giờ 28 phút ngày 22.10.

Nhà báo Nguyễn Hồng Châu, sinh năm 1921, quê quán Diễn Châu (Nghệ An) con của một chí sĩ yêu nước hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị Pháp sát hại, có tuổi thơ đầy cơ cực. Sau này, lớn lên bà trở thành nhà báo, một chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật trong chiến khu vùng Nam bộ thời chống Mỹ. Bà nên duyên cùng nhà thơ Nguyễn Bính một phần cũng nhờ nhân duyên từ sự tác hợp của cố Tổng bí thư Lê Duẩn khi ông còn ở miền Nam.
Bà từng kể, tại một bữa cơm có ông Lê Duẩn, bà và nhà thơ Nguyễn Bính, ông Lê Duẩn đã đề nghị: "Hôm nay nhân trời mưa mà Nguyễn Bính với Hồng Châu gặp nhau. Âu cũng là nhân duyên, thôi Hồng Châu cũng đừng kén chọn nữa, nên ưng Nguyễn Bính đi. Một đằng là nhà thơ, một đằng là nhà báo chắc hợp nhau...". Lúc đó bà ngập ngừng: "Em hổng kén chọn gì đâu. Nhưng lập gia đình bây giờ thì em chưa nghĩ tới". Tuy nhiên sau này về hỏi lại cha mẹ thì cả nhà đều đồng ý nên cuối năm 1950 đám cưới của bà và nhà thơ Nguyễn Bính đã được tổ chức.
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu là kết quả của mối tình đẹp của hai ông bà. Chính vì vậy mà ông đã dùng tên mình ghép chung với một phần tên vợ để khai sinh cho người con gái là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Sau này bà Nguyễn Bính Hồng Cầu từng giữ chức Phó giám đốc NXB Văn nghệ TP.HCM, nối gót sự nghiệp văn chương của ông.
Gia đình đang tập trung lo chuyện hậu sự Ảnh: Trần Mai Hường
Bà Nguyễn Hồng Châu từng có bài thơ rất hay khi ra viếng mộ ông ở Hà Nam: “Gặp nhau thuở tóc còn xanh/Giờ đây gặp lại đầu xanh phai màu/Tim vàng nửa mảnh còn đau/Thầm thì lòng đất thơ sao xé lòng”. Và dù tuổi cao sức yếu nhưng hằng ngày, bà Hồng Châu vẫn cùng với con gái Nguyễn Bính Hồng Cầu chăm lo cho ngôi nhà kỷ niệm lưu giữ toàn bộ di sản của cố nhà thơ Nguyễn Bính tại quận Gò Vấp (TP.HCM).
Toàn bộ sự nghiệp sáng tác văn học của nhà thơ Lỡ bước sang ngang dày 1.400 trang Nguyễn Bính toàn tập, do con gái nhà thơ là bà Nguyễn Bính Hồng Cầu tổ chức và xử lý bản thảo vừa kịp ra mắt đúng 100 năm ngày sinh của ông, cũng có phần đóng góp của bà Nguyễn Hồng Châu trong việc sưu tập tư liệu cho ông.
Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu nhớ lại: “Hai mươi năm, thơ cha tôi vắng bóng trên thi đàn Việt Nam, trong khoảng thời gian im ắng khác thường đó, bác cả tôi lặng lẽ cần mẫn ngày này qua ngày khác nắn nót trân trọng chép lại từng bài thơ của em trai mình vào hai cuốn sổ tay bìa da, bên ngoài bác tôi cho mạ vàng tên tuổi năm sinh, năm mất của cha tôi (1917 - 1966). Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ tôi về thăm quê chồng, bác tôi mới trao lại hai quyển sổ cho bà. Theo bác cả thì cha tôi sinh vào năm 1917, tính theo ngày mất của bà nội tôi thì cha tôi sinh vào khoảng tháng 3 âm lịch. Hầu hết các sách báo từ trước tới nay đều nói cha tôi sinh vào năm 1918, kể cả người trong họ. Ngày tháng năm sinh tên tuổi cha tôi cứ lộn tung, long đong như chính số phần ông”. 
Nhà thơ Trần Mai Hường cho biết thêm về những ngày cuối đời của vợ nhà thơ Nguyễn Bính: “Mấy hôm nay thời tiết thay đổi mẹ không được khỏe nên chị Hồng Cầu đưa mẹ Hồng Châu vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Tại đây sức khỏe của mẹ rất thất thường lúc tỉnh lúc mê vì mẹ đã 96 tuổi rồi, nhưng người đàn bà đi qua nhiều tâm bão như mẹ vẫn kiên cường ngay cả khi nằm viện, mẹ luôn cố hết sức để con cháu yên tâm. Trưa 21.10 thì mẹ mệt lắm, dù mắt nhắm nghiền nhưng mẹ vẫn tỉnh. Da mẹ vẫn mềm nhưng không còn ấm như trước. Mẹ nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, cả nhà đang ở tình trạng phập phồng. Tôi từ viện chạy về nhà chị Hồng Cầu lo mấy việc và thắp hương cho ông, khấn ông hãy phù hộ cho người vợ thương yêu của mình qua cơn bạo bệnh nhưng tới chiều thì mẹ đã ra đi”.
Theo thông tin từ gia đình, lễ khâm liệm và nhập quan đã tổ chức vào lúc 22 giờ ngày 22.10. Lễ viếng sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24.10 tại Nhà tang lễ Gò Vấp (đường số 11, P.11, quận Gò Vấp), gần Nhà lưu niệm Nguyễn Bính (là nhà riêng của chị Nguyễn Bính Hồng Cầu, gần chùa Nghệ sĩ). Lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 25.10, sau đó đưa đi an táng ở Nghĩa trang thành phố (huyện Củ Chi, TP.HCM.)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.