Hỏi vì sao đến tận bây giờ mới có một liveshow riêng, ca sĩ Đăng Dương kể cách đây 2 năm, anh đã dự định thực hiện chương trình để kỷ niệm 20 năm ca hát, nhưng lúc đó anh chưa thể làm vì nghĩ nếu làm thì phải “đã”. “Đã” ở đây là vì Đăng Dương muốn kết hợp với một dàn nhạc giao hưởng, nhưng để làm được điều này không hề dễ dàng.
Với Đăng Dương, anh cảm thấy may mắn khi gặp được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. “Chả dễ dàng gì khi một cái tên như Trần Mạnh Hùng nhận phối mới toàn bộ 22 ca khúc cho chương trình của tôi”, Đăng Dương nói. Tuy nhiên, để thực hiện một chương trình với cả một dàn nhạc giao hưởng và chỉn chu về mặt nghệ thuật, chi phí thực hiện cũng không hề nhỏ. Vợ Đăng Dương nói, nếu cần bán nhà thì chị cũng sẵn sàng bán luôn để làm chương trình cho chồng được thăng hoa, thỏa mãn với âm nhạc.
Trong suốt 1 năm, ca sĩ Đăng Dương đã dồn tâm huyết và công sức để chuẩn bị cho liveshow Mặt trời của tôi với 2 buổi diễn trong tháng 10 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Chương trình có sự tham gia của 60 nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Thăng Long, Nhạc trưởng Lê Hà My, Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng.
tin liên quan
Nhạc trưởng Lê Phi Phi tham gia Điều còn mãiTrong chương trình, Đăng Dương sẽ thể hiện các ca khúc vượt thời gian như Hà Nội, niềm tin và hy vọng (ca khúc đánh dấu sự nghiệp của NSƯT Đăng Dương với giải nhất Giọng hát hay Hà Nội 1995 và giải nhất Giọng hát thính phòng toàn quốc 1996), Giai điệu Tổ quốc, Người chiến sĩ ấy, Người Hà Nội, Tình ca, Những ánh sao đêm, Tình em, Đường chúng ta đi, Ca ngợi Tổ quốc, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Khát vọng và những tác phẩm nước ngoài như: Besame Mucho, O sole mio, Mama, Chiều Moskva, Chiều hải cảng, Giờ này anh ở đâu… Liveshow của Đăng Dương có sự góp mặt của ca sĩ Lan Anh và hai người bạn thân thiết là Trọng Tấn và Việt Hoàn…
|
Không nhiều người biết rằng, trước khi trở thành một trong những giọng ca nhạc đỏ hàng đầu, Đăng Dương từng có gần 10 năm theo học đàn bầu. Đăng Dương lên Hà Nội, theo học đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 13 tuổi. 6 năm sau đó, trong một lần đi qua lớp học của NSND Quang Thọ, anh mới đến tâm sự với thầy là muốn được học hát. NSND Quang Thọ đã khuyên Đăng Dương thi vào khoa thanh nhạc.
Sau đó, Đăng Dương trúng tuyển hệ trung cấp. NSND Quang Thọ tiết lộ rằng, năm 1996, NSND Trung Kiên tìm học trò dạy hát và chỉ nhận giọng tenor. Nghệ sĩ Diệu Thúy, Chủ nhiệm khoa thanh nhạc, nói vui với NSND Quang Thọ thôi “nhả” Đăng Dương cho thầy Kiên. NSND Quang Thọ rất tiếc một cậu học trò, một giọng ca đẹp. “Nhưng thầy mình thích thì đành phải “cống” thôi”, NSND Quang Thọ hài hước nói.
Bình luận (0)