Võ Hạ Trâm không quan tâm giải thưởng

05/01/2014 09:00 GMT+7

Đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình năm 2007 khi mới 17 tuổi, cái tên Võ Hạ Trâm gần đây bật sáng trở lại khi cô góp giọng trong phiên bản lồng tiếng của bộ phim Frozen.

 
Ca sĩ Võ Hạ Trâm - Ảnh: Khểnh

Có thể nói, phiên bản lồng tiếng Việt của Frozen (Nữ hoàng băng giá - Walt Disney sản xuất, đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc) tạo được hiệu quả tốt về mặt cảm xúc khi có sự góp giọng của Võ Hạ Trâm và Dương Hoàng Yến, hai giọng ca trẻ giàu nội lực được đánh giá cao về kỹ thuật. Đặc biệt hơn với Võ Hạ Trâm, bởi “sau khi được mời thử giọng, được chọn thu âm các ca khúc trong phim, tôi tiếp tục được nhà sản xuất người Hồng Kông - quản lý dự án phim này - mời lồng tiếng cho vai nữ chính Anna”. Đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, và dù tất cả đều là lần đầu tiên nhưng thành công đã đến với Trâm trên cả hy vọng.

Ngày Frozen ra mắt tại VN, NSƯT Thành Lộc đã không tiếc lời ngợi khen những ca khúc được hát bằng tiếng Việt cũng như phần thoại của công chúa Anna. Hạ Trâm chia sẻ: “Đó là nhờ phần chuyển ngữ quá hay của anh Viết Thanh. Anh viết lời Việt mà không hề bị cưỡng âm khi hát. Nhờ phần lời đẹp như vậy, trên nền giai điệu và hình ảnh giàu cảm xúc, lại thêm nhân vật Anna rất gần với tính cách con người mình, nên tôi đã hát và nhập vai khá nhanh”.

“Khán giả thích, mình thấy sướng là đủ”

Trong lúc khán giả chưa hạ nhiệt với tình yêu dành cho Anna qua sự thể hiện của Võ Hạ Trâm, thì giọng hát Trâm tiếp tục có cơ hội đến với công chúng khi tham gia cuộc thi Chinh phục đỉnh cao (Popstar to Operastar). Xem ra “thời cơ của Hạ Trâm” đang đến!

Bạn bè cũng nói với tôi như thế. Tôi nghĩ chuyện gì cũng có chữ duyên. Có lẽ duyên tốt đang đến với mình.

Sau nhiều “đáng tiếc” xảy ra với nghệ sĩ khi tham gia các chương trình truyền hình thực tế, Hạ Trâm có băn khoăn khi đến với sân chơi được cho là “con dao hai lưỡi” này?

 

Quan trọng là khán giả thích, mình thấy sướng, thế là đủ. Ban giám khảo đánh giá thế nào, sự bình chọn của mọi người ra sao... không phải là mối bận tâm của tôi. Việc chấm điểm và bình chọn rất quan trọng nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tâm lý của tôi trong cuộc chơi

Tôi không nghĩ vậy. Khi được Ban tổ chức mời, tôi nhận lời ngay. Vì thứ nhất, tôi thấy chương trình rất phù hợp với mình; thứ hai, tôi tham gia với tâm thế không quan tâm giải thưởng. Tôi chỉ cần biết mình hát hết mình hay chưa. Quan trọng là khán giả thích, mình thấy sướng, thế là đủ. Ban giám khảo đánh giá thế nào, sự bình chọn của mọi người ra sao… không phải là mối bận tâm của tôi. Việc chấm điểm và bình chọn rất quan trọng nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tâm lý của tôi trong cuộc chơi. Vả lại, nó cũng ngoài tầm kiểm soát của mình.

Ngay cả lúc dư luận xôn xao về cách cho điểm của giám khảo sau show đầu tiên, tôi lại nghĩ khác. Ban giám khảo có tiêu chí, suy nghĩ riêng của họ. Chẳng hạn với những thí sinh chưa qua đào tạo bài bản mà hát được như thế thì điểm 10 là sự khuyến khích. Còn với tôi hay chị Khánh Linh, Ngọc Khuê, Ngọc Anh, những người học nhạc viện ra, thì giám khảo lại kỳ vọng nhiều hơn thế nữa, điểm 9 biết đâu là cách họ muốn mình phấn đấu hơn. 

Chuẩn bị 2 tỉ đồng để đi học

Tháng 8, Hạ Trâm sẽ sang Mỹ du học. Vậy là lại thêm cơ hội mới cho sự nghiệp của mình!

Thật ra đây là kế hoạch đã được ấp ủ nhiều năm qua, và du học là do mình tự túc chứ không phải được trao cơ hội. Tôi đã dành dụm được gần 2 tỉ đồng từ cát sê ca hát trong những năm vừa qua để chuẩn bị cho 1 năm rưỡi học thạc sĩ tại Mỹ (Khoa m nhạc nhà hát - Music Theatre tại Arizona State University).

 Đến thời điểm hiện tại, có thể nói tôi là du học sinh VN đầu tiên học ngành này tại

Arizona State University. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu rất kỹ. Tôi trúng tuyển sau khi được kiểm tra với 3 yêu cầu: hát một bài cổ điển, một bài nhạc kịch và diễn một đoạn kịch ngắn bằng tiếng Anh khoảng 2 phút, bên cạnh một số bằng cấp bắt buộc.

Như vậy, giảng dạy sẽ là lựa chọn cho sự nghiệp tương lai?

Tôi học Nhạc viện TP.HCM từ năm 16 tuổi, từ khi thi vào hệ trung cấp đã mê nhạc kịch, nhưng không có nhiều cơ hội học tập cũng như môi trường hoạt động. Tôi nghĩ mình đi học là cách để thâm nhập sâu hơn, được đào tạo bài bản hơn, để về nước có cơ hội lập khoa giảng dạy thể loại này. Dù ở nhạc viện không ai đặt vấn đề về việc lập khoa này, nhưng thầy cô rất ủng hộ tôi đi học. Hiện tại tôi có những người bạn đang lên kế hoạch thành lập nhà hát chuyên diễn nhạc kịch (của đạo diễn trẻ Khắc Duy), cũng đã làm những vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới bằng phiên bản Việt. Tôi mong muốn được hợp tác với họ. Tôi rất hy vọng thể loại này phát triển tốt ở VN.

Với tôi, ngoài biểu diễn thì công việc giảng dạy sẽ giúp người nghệ sĩ sống với âm nhạc lâu dài hơn.

Nguyên Vân

>> Nhìn lại đêm chung kết cuộc thi 'Tiếng hát truyền hình 2013
>> Phạm Trung Kiên đoạt giải nhất 'Tiếng hát Truyền hình 2013
>> Gay cấn đêm thi cuối ‘Tiếng hát truyền hình 2013’
>> Tiếng hát truyền hình 2013: Lộ diện 3 gương mặt xuất sắc vào chung kết xếp hạng
>> Chung kết 3 Tiếng hát truyền hình 2013: Minh Dũng, Thu Trang chia tay cuộc thi
>> Đêm thi loại 2 thí sinh của 'Tiếng hát truyền hình 2013
>> Chung kết 2 'Tiếng hát truyền hình 2013': Kịch tính!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.