Không cần sự đặt để ở một vị trí nào đó trong nghề nghiệp
* Chào Võ Hạ Trâm! Động lực nào khiến chị quyết định đầu tư "khủng" cho một dự án âm nhạc trong giai đoạn tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại?
- Ca sĩ Võ Hạ Trâm: Tôi đã ấp ủ kế hoạch thực hiện sản phẩm này từ cách đây 3-4 năm trước. Tôi muốn có một sản phẩm ấn tượng trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Khi đủ khả năng về kinh tế sau bao nhiêu năm tháng tích góp và được ông xã hỗ trợ thì đây là lúc tôi thấy mình đủ duyên để làm. Trong suốt khoảng thời gian từ dịch đến giờ, tôi đã ấp ủ những hoài bão, chờ ngày mọi thứ trở lại bình thường thì mình được bung xõa. Tôi đã có sự chuẩn bị trước về kinh tế nên đúng thời điểm là mình làm dự án này.
* Luôn được đánh giá là ca sĩ có thực lực, ra mắt sản phẩm một cách chỉn chu, chất lượng. Vậy Võ Hạ Trâm có gặp áp lực khi phải luôn cố gắng tốt hơn ở những sản phẩm sau?
- Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật, tôi không tạo áp lực cho mình bằng sản phẩm âm nhạc mà chỉ đơn giản là phải cố gắng làm mọi thứ một cách chỉn chu, hoàn hảo nhất trong khả năng. Mọi người cũng biết là tôi xây dựng hình ảnh một ca sĩ đi lên bằng chuyên môn. Tôi không có nhiều lợi thế như các bạn theo dòng nhạc giải trí, các bạn có thanh, sắc, tiền và ê kíp rất đông đảo. Còn tôi chỉ có giọng hát này thôi và mình đi lên từng bước. Đối với tôi thì sự chỉn chu và nghiêm túc trong nghề luôn được đặt lên hàng đầu. Tất cả những gì tôi làm, dù ít tiền hay nhiều tiền thì nó cũng phải tốt nhất trong khả năng của nó.
Để thực hiện sản phẩm âm nhạc, tôi đều tích góp từ từ chứ không phải có ngay số tiền lớn để đầu tư. Mặc dù mình muốn làm rất nhiều thứ nhưng đôi khi kinh tế không đủ đáp ứng những mong muốn, khát khao của mình. Đối với sản phẩm lần này cũng vậy, tôi đặt tất cả sự tâm huyết, chỉn chu và nghiêm túc của mình trong đó. Không chỉ mình tôi mà toàn bộ ê kíp, mọi người đều rất tâm huyết, từng chi tiết nhỏ mọi người đều cố gắng làm cho hoàn thiện, đẹp nhất. Khi mình thấy đã thì chắc chắn khán giả sẽ thấy đã. Hiện tại tôi đã có một sản phẩm tốt nhất từ trước tới giờ. Tôi cảm thấy đó là điều tự hào cho một người ca sĩ trong suốt hành trình hơn 16 năm đi lên bằng thực lực của mình.
* Nhiều người nói làm nghệ thuật thì đừng tính đến chuyện kinh tế, nhưng "đam mê phải kèm thực tế". Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi đã có sự chiêm nghiệm sâu sắc về vấn đề nghệ thuật và kinh tế. Trước đây, khi muốn làm nhiều thứ cho âm nhạc nhưng tôi không làm được vì không có kinh tế. Lúc nào làm một MV, mình cũng phải đắn đo, dời đoạn này, cắt đoạn kia vì không đủ chi phí. Tôi hiểu "có thực mới vực được đạo", để có thể bung xõa được với âm nhạc một cách trọn vẹn, không cần đắn đo suy nghĩ thì mình cần phải xây dựng kinh tế ổn định. Chính vì thế mà tôi rất siêng năng "cày" để gom lại có một tài sản nhất định, không cần phải đắn đo như ngày xưa. Sự siêng năng, mày mò học hỏi giúp cho tôi có cuộc sống ổn định và trả lại những giá trị âm nhạc khiến tôi thấy "đã" với nghề.
* Câu chuyện bỏ tiền tỉ làm sản phẩm từng được nhiều nghệ sĩ áp dụng và đa phần đều trải qua trường hợp "có tiếng mà không có miếng". Tức là khả năng hồi vốn là rất thấp. Chị có nghĩ đó là quyết định táo bạo của mình không?
- Tôi không phải là người làm kinh doanh, cũng không tính toán giỏi. Khi làm một sản phẩm, điều đầu tiên tôi muốn là mình phải thích, mình thỏa mãn trước. Còn sau đó nó có mang đến giá trị nào thì tính sau. Nếu nó mang được giá trị về mặt kinh tế, tiền bạc thì tốt, còn không thì tôi cũng chẳng quan trọng. Thứ tôi muốn là có cảm giác đã trong nghề nghiệp của mình. Khi làm được một dự án mà mọi người thấy thích, mình thấy đã thì đó là gia tài của mình rồi. Nếu làm kinh doanh thì chồng sẽ giỏi hơn, anh sẽ biết tính toán thiệt hơn. Còn tôi thì chỉ cần làm để thỏa đam mê, câu chuyện sau đó thì tùy duyên.
Võ Hạ Trâm nói về chuyện ‘giữ chồng’ và kế hoạch sinh ‘5 con’
Tôi biết ơn và biết giá trị của chồng
* Chồng Võ Hạ Trâm làm kinh doanh, nên chắc sẽ hiểu rõ những rủi ro khi đầu tư cho sản phẩm này của chị. Vậy tại sao anh vẫn chấp nhận "chịu chơi" như vậy?
- Thứ nhất là vì chồng yêu tôi, thứ hai là vì anh cũng yêu nghệ thuật. Nếu chúng ta đắn đo quá về mặt lợi nhuận mà áp dụng suy nghĩ đó vào nghệ thuật thì không ai dám làm gì cả. Đâu ai dám chắc dự án này sẽ thắng hay thua. Ngay cả nhà đầu tư phim cũng đâu dám chắc chắn sau khi đầu tư thì khi trình làng sẽ như thế nào, nhưng họ vẫn làm. Đối với Vikas, anh không đặt nặng chuyện sẽ thu hồi vốn hay lời lãi thế nào. Tôi nghĩ thứ anh lãi nhất là niềm hạnh phúc của người vợ. Anh thấy được thành quả đó bằng sản phẩm chất lượng, trong sản phẩm đó có cả hành trình của anh nữa. Đó là những giá trị không mua được bằng tiền.
* Quan niệm về nghệ thuật của một người phụ nữ khi đã có gia đình khác gì so với một Võ Hạ Trâm của trước đây?
- Bây giờ tôi làm nghề phải cảm thấy hạnh phúc và thích thú với nó chứ không phải cố gắng làm hay bị ai ép buộc làm. Tôi biết cân bằng để vừa có thời gian cho gia đình mà cũng chơi được với âm nhạc. Sau khi lập gia đình, tôi có sự chọn lựa nhất định, phù hợp hơn chứ không phải cái gì mình cũng có thể làm như ngày trước. Chính nhờ sự cân bằng và chọn lựa đó mà tôi có một gia đình hạnh phúc và vừa có thể tiếp tục sống với đam mê. Tôi luôn thấy mình may mắn khi có người chồng luôn hỗ trợ, ủng hộ mình trên mọi mặt trận. Trong các dự án, anh cũng đưa ra cho tôi những ý kiến giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều. Đó là những điều khiến tôi thấy viên mãn ở hiện tại.
* Phụ nữ thành công, đặc biệt là người trong ngành giải trí sau khi lấy chồng sinh con thường phải đứng trước lựa chọn giữa đam mê và gia đình. Chị từng trải qua khoảng thời gian này chưa?
- Đúng là nhiều người phải lựa chọn nhưng bản thân tôi thì lại không phải đưa ra lựa chọn mà có thể chọn cả hai. Vì tôi có một người chồng rất ủng hộ mình, bản thân lại có sự chủ động cho cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, tôi có sự độc lập để có thể lo liệu tất cả mọi thứ về gia đình, công việc. Tôi lúc nào cũng tập trung song song cho cả hai thứ là sự nghiệp và gia đình. Tôi luôn cố gắng cân bằng hai điều này. Tôi cảm thấy vui khi mình không phải hy sinh bất cứ khía cạnh nào mà có thể làm được cả hai. Vì tôi biết dừng ở giới hạn nhất định, với âm nhạc và gia đình. Nhờ có sự thấu hiểu của những người trong gia đình, của chồng nên tôi không phải lựa chọn hay hy sinh.
* Võ Hạ Trâm giữ chồng thế nào bởi một doanh nhân như anh sẽ có nhiều "chân dài" theo đuổi?
- Tôi không có khái niệm giữ chồng mà chúng tôi tự giữ nhau. Chúng tôi gặp nhau ở thời điểm mà cả hai đủ trưởng thành, có đủ những kinh nghiệm, chiêm nghiệm trong cuộc sống để biết những giá trị nào cần giữ gìn. Tôi và anh Vikas đều hiểu những điều đó nên chúng tôi trân trọng nhau, luôn ở tâm thế phải bảo vệ gia đình, bảo vệ tình yêu này. Nhiều người hay nói với tôi rằng thấy chồng đẹp trai, phải coi chừng lỡ ra đường có người tiếp cận. Nhưng tôi luôn tin tưởng chồng mình.
Đối với người Ấn, trong văn hóa của họ thì gia đình là điều quan trọng nhất. Nếu như họ phản bội gia đình là điều xã hội không chấp nhận. Họ sẽ rất nhục nhã nếu đưa họ vào tình thế đó. Riêng Vikas, anh ấy là người có tự tôn rất cao và được dạy từ bố của anh đó là phải biết đối xử với phụ nữ thật tốt như cách bố đã đối xử với mẹ. Ngay cả lúc ông sắp mất, hơi thở cuối cùng ông vẫn nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ. Đó là những giá trị truyền thống gia đình mà Vikas đã có được và đem vào gia đình của anh ấy.
Lúc nào Vikas cũng xem tôi như một người vợ bé bỏng để anh bảo vệ, nâng niu và yêu thương. Bất cứ một người nào làm tôi buồn hay ảnh hưởng đến tôi, anh đều sẵn sàng đứng ra bảo vệ và giải quyết. Tôi biết ơn chồng và biết giá trị của người đàn ông này nên luôn giữ gìn. Anh Vikas cũng thấy những giá trị từ tôi và anh cũng luôn giữ gìn. Hai chúng tôi là một khối, gia đình chúng tôi là một khối vững chắc mà không thể nào lay chuyển được. Cho dù có ra đường, anh cũng không nhìn ngắm những người phụ nữ khác mà chỉ tập trung biết vợ ở đây thôi. Sau khoảng thời gian đi làm, anh đều muốn về với gia đình vì với anh thì nhà là nơi bình yên nhất anh muốn trở về.
* Khác biệt về văn hóa có khiến Võ Hạ Trâm có khoảng cách với gia đình chồng?
- Tôi thấy không có khoảng cách nào cả, kể cả ngôn ngữ. Tôi không thể nói chuyện với mẹ chồng bằng tiếng Hindi, bà cũng không thể nói chuyện được với tôi bằng tiếng Anh. Nhưng lúc nào hai mẹ con cũng thấy vui với nhau là bởi vì cái tâm nó tới với cái tâm. Mình thương bà và ngược lại, chúng tôi trao đổi qua ngôn ngữ hình thể cũng đủ hiểu và cảm nhận được tình cảm. Có những văn hóa đặc trưng của Ấn, anh Vikas đã chia sẻ cho tôi và tôi luôn cẩn thận để không làm cho những người trong gia đình cảm thấy không hài lòng. Mình làm dâu Ấn Độ nên phải học tập những nét văn hóa trong đất nước của chồng, biết tôn trọng những người trong gia đình. Tôi cũng là người chịu khó lắng nghe, học hỏi nên không có khoảng cách nào. Mỗi ngày, mỗi năm thì sự gắn kết trong gia đình càng bền chặt hơn.
* Mẹ chồng chị phản ứng ra sao khi có con dâu là một ca sĩ nổi tiếng?
- Bà rất tự hào về tôi. Vì ở bên Ấn, người ta xem một người có khả năng về ca hát và diễn xuất là một món quà của thượng đế ban tặng. Họ rất xem trọng những người có tài năng trời cho như vậy. Khi anh Vikas giới thiệu bạn gái là ca sĩ thì mẹ đã rất bất ngờ. Khi mẹ tiếp xúc và xem liveshow của tôi, tuy bà không hiểu tôi hát gì nhưng bà ngồi ở dưới với gương mặt đầy tự hào. Lúc nào bà cũng hỗ trợ hết mình cho con dâu. Ví dụ khi tôi cần trang phục của Ấn để quay hình thì bà với chị đi chợ tìm mua, gửi hình từng bộ cho tôi chọn. Dù chúng tôi khác khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa nhưng đó là tình cảm mình có thể cảm nhận được mà không cần phải nói bằng lời.
* Xin cảm ơn Võ Hạ Trâm về những chia sẻ!
Bình luận (0)