Vở kịch từ chuyện có thật về nữ du kích Củ Chi của NSND Trần Ngọc Giàu

24/11/2024 17:23 GMT+7

Vở kịch 'Khát vọng hòa bình' (tác giả Ngọc Trúc – đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) ra mắt đêm 23.11 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là một tác phẩm ấn tượng, đầy nhân văn về hình tượng người du kích trong Liên hoan Sân khấu kịch TP.HCM 2024.

Kịch bản Khát vọng hòa bình được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về bà Võ Thị Mô (Bảy Mô), nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ du kích Củ Chi. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất khốc liệt với mật độ bom đạn và quân số tham chiến dày đặc, bà tích cực tham gia cách mạng ngay từ thuở thiếu niên, luôn hăng hái xông pha trước lửa đạn, lập được nhiều thành tích và được bầu làm trung đội trưởng khi chỉ mới 19 tuổi.

Vở kịch từ chuyện có thật về nữ du kích Củ Chi của NSND Trần Ngọc Giàu- Ảnh 1.

Cô xã đội trưởng Mơ (Đỗ Thúy) và chồng là du kích Ba Du (Hòa Hiệp) gặp lại người lính Mỹ năm xưa nay đã thành nhà báo, nhà văn (Hoàng Tấn)

ẢNH: H.K

Tuy nhiên, vở diễn không xoáy sâu vào những chiến công hiển hách mà khai thác khía cạnh nhân văn nơi người nữ du kích mà tác giả Ngọc Trúc đã dùng hình tượng nhân vật cô Mơ (Đỗ Thúy đóng) thể hiện bà Bảy Mô ngoài đời. Từ cô thiếu nữ bỏ học nghề sư phạm để cùng người yêu gia nhập tổ chức cách mạng đến những khoảnh khắc lãng mạn hiếm hoi giữa mưa bom bão đạn, rồi giây phút đau đớn xé lòng chứng kiến chồng sắp cưới hy sinh... Tất cả đều được thể hiện tinh tế, cho thấy sự kiên cường, anh dũng nhưng rất "con người" trong những chiến sĩ Việt Nam.

Đặc biệt là một sự kiện đáng nhớ trong những năm tháng rực lửa 1965-1966, khi đang phục kích địch tại trận địa Nhuận Đức thì bà Mô nhìn thấy 4 lính Mỹ bò ra từ bụi rậm, trải tấm vải dù ngồi ngay vị trí bà gài mìn. Họ khui đồ hộp tưởng niệm đồng đội vừa chết trận, chụm đầu đọc thư gia đình, xem ảnh vợ con và người yêu rồi ôm nhau khóc... Lòng bà Mô bỗng dậy lên thương cảm, quyết định khóa chốt an toàn đồng thời gạt nòng súng của đồng đội sang một bên. Sau vụ việc, bà bị khiển trách nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm: "Tôi không thể bắn những người lính Mỹ khi họ trở về với chất con người nhất".

Vở kịch từ chuyện có thật về nữ du kích Củ Chi của NSND Trần Ngọc Giàu- Ảnh 2.

Cô Mơ và dì Năm (NSƯT Việt Hà) trong địa đạo Củ Chi

Ảnh: H.K

Câu chuyện trên vô tình đến tai người Mỹ qua miệng một người cách mạng bị chiêu hàng, nhận được sự rung cảm và ngưỡng mộ vì chất nhân hậu cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 1 trong 4 người lính Mỹ được tha chết là Trung úy John Penycate. Mang theo ân nghĩa của đối thủ bên kia chiến tuyến, ông trở về Mỹ đi học rồi trở thành nhà văn - nhà báo và tích cực tham gia phản đối chiến tranh bằng ngòi bút của mình. Đến năm 1989, John Penycate kết hợp với đạo diễn Tom Mangold cho xuất bản cuốn sách Hầm Củ Chi (The Tunnels of Cuchi) gây được tiếng vang lớn, bán chạy ở Anh, Mỹ, Pháp và được tái bản nhiều lần. Trong sách, ông dành hẳn một chương ca ngợi bà Bảy Mô vì tấm lòng nhân hậu cao đẹp nơi người nữ du kích.

Về sau, ông cũng lặn lội sang Việt Nam tìm lại bà và tổ chức buổi lễ tặng sách long trọng. Chi tiết này cũng được tái hiện một cách tinh tế trong vở kịch, khi bà Bảy Mô rụt rè bỏ dép bên ngoài, John đã trịnh trọng quỳ xuống mang dép vào chân bà: "Ở đây, bà là người quan trọng nhất. Bà không cần phải bỏ dép ra". Đó là khoảnh khắc đẹp nhất tượng trưng cho sự nhân ái vượt qua biên giới và khoảng cách, vượt qua thù hận của những con người hai bên chiến tuyến để rồi sau chiến tranh, họ - từng là đối thủ một mất một còn, có cơ hội ngồi lại cùng nhau ôn chuyện cũ, cùng thăm hỏi về cuộc sống...

Biết được hoàn cảnh khó khăn của bà Mô, John Penycate ngỏ lời giúp đỡ một số tiền chữa bệnh, xây nhà, thậm chí đưa bà sang Mỹ, nhưng người nữ du kích ngày nào chỉ có một mong ước: "Tôi muốn đất nước tôi mãi mãi hòa bình, không có chiến tranh, không ai đến xâm lược. Nếu các ông đến xâm lược đất nước tôi lần nữa, tôi vẫn sẽ cầm súng để tiếp tục đánh trả". Những năm tháng sau đó, mỗi khi có dịp đến Việt Nam, John đều tranh thủ về Củ Chi để thăm lại bà. Vở kịch đã thể hiện đúng những sự kiện đó với góc độ nghệ thuật, khiến người xem vô cùng cảm động.

Khát vọng hòa bình không nặng nề không khí chiến tranh mà dễ xem nhờ sự mềm mại trong cách dàn dựng của NSND Trần Ngọc Giàu cùng lối diễn tự nhiên của dàn nghệ sĩ chắc tay như NSƯT Việt Hà, Hòa Hiệp, Nguyễn Thanh Tuấn, Đỗ Thúy, Thái Điền, Đỗ Thanh Phượng, Hồng Phạm, Hứa Mạnh Dũng, Hoàng Tấn, Hy Văn, Ca Khôi… Những phân đoạn hài nhẹ nhàng, dí dỏm đậm chất Nam bộ hòa cùng một chút tình yêu đơn giản mà đáng quý, sâu sắc giữa mưa bom bão đạn đủ làm người xem rưng rưng. Đặc biệt là cách xử lý không gian thông minh với hai tầng sân khấu thể hiện trọn vẹn tính chất độc đáo của hệ thống địa đạo Củ Chi trứ danh, kết hợp với các thước phim tài liệu mỗi khi chuyển cảnh giúp khơi gợi ký ức về những năm tháng lịch sử không thể nào quên đã làm nên một tác phẩm chỉn chu, đầy ấn tượng về tình người trong thời chiến và bài học về sự hàn gắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.