Vì sao lại có vở luyện viết riêng của tỉnh?
|
Anh N.T (40 tuổi, ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.Tam Kỳ), cho biết không chỉ năm nay mới xuất hiện mà HS đã sử dụng từ các năm học trước. “Trước khi vào năm học mới chúng tôi phải lùng sục khắp nơi, vì nhà trường bắt buộc phải có vở luyện viết. Nếu nhà sách mà hết vở loại này thì phải chạy đi mượn của người khác để photocopy ra cho con học”, anh T. ngao ngán. Phụ huynh này cũng đặt vấn đề vì sao lại áp dụng ở Quảng Nam.
Cũng có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, anh N.K (45 tuổi, ở TP.Tam Kỳ) cho hay ngay từ trước lễ khai giảng, vợ chồng anh đã dạo khắp các nhà sách trên địa bàn TP.Tam Kỳ để tìm mua cho được quyển vở luyện chữ. Theo anh K., đây là sự áp đặt vô lý khi các địa phương khác không áp dụng.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Bùi Thị Diễm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Vở luyện viết dành cho HS tỉnh Quảng Nam không hề bắt buộc và cũng không nằm trong chương trình quy định. Riêng lớp 1 có thêm một tiết luyện viết, một tuần chỉ có 1 tiết. Khi dùng vở này, các cô thấy hiệu quả hơn vì những bài đầu tiên của quyển vở người ta in nét mờ rõ nên các em dễ tô. Có những từ mang những địa danh liên quan đến địa phương Quảng Nam cũng hỗ trợ tích cực hơn trong việc giáo dục HS. Cái lợi thứ 3 là giấy dày hơn các vở khác, tẩy xóa nhiều sẽ không bị rách nên các cô đề xuất chỉ dùng loại vở này. Nhưng nếu không có thì phụ huynh vẫn có thể dùng vở khác, chứ không bắt buộc”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại một số nhà sách trên địa bàn TP.Tam Kỳ, những quyển "Vở luyện viết dành cho HS tỉnh Quảng Nam" đã “cháy hàng” cách đây 1 tháng. Đây là sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục VN (Công ty CP dịch vụ xuất bản giáo dục tại Đà Nẵng), nhà in là Công ty cổ phần in và sản xuất bao bì Huế (đóng tại P.Phú Bài, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế).
Giúp học sinh hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương!
|
Theo đó, năm học 2016 - 2017, Nhà xuất bản Giáo dục có xuất bản bộ vở luyện viết cho HS từ lớp 1 đến lớp 5 (dành cho HS Quảng Nam). Nội dung nhằm giúp HS luyện viết theo chương trình tiếng Việt tiểu học của Bộ GD-ĐT bằng các ngữ liệu địa phương Quảng Nam.
Ngoài mục đích luyện viết chữ, bộ sách còn giúp HS có hiểu biết về văn hóa, lịch sử... của địa phương. Theo chương trình giáo dục hiện hành của Bộ GD-ĐT, ngoài bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước, từng tỉnh, thành phố đều phải có tài liệu giáo dục địa phương, như văn học địa phương, lịch sử địa phương, địa lý địa phương.
Bắt buộc hay không bắt buộc ?
Sở GD-ĐT khẳng định không bắt buộc HS phải sử dụng vở luyện viết này, thì tại Văn bản số 485, phát đi vào ngày 12.4.2016, do ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, ký gửi đến các trưởng phòng GD-ĐT các huyện, TX, TP đề nghị các đơn vị triển khai, thực hiện từ năm học 2016 - 2017.
Theo đó, sẽ tiến hành sử dụng bộ vở luyện viết cho các khối lớp với chủ biên là Phan Quang Thân, Nhà xuất bản Giáo dục VN. Theo công văn, lý do dùng bộ vở này là vì có nội dung ngữ liệu phù hợp với lứa tuổi, chương trình lớp học. Các ngữ liệu đều mang tính địa phương của Quảng Nam, thể hiện qua các địa danh, thơ về quê hương Quảng Nam, các cảnh quan, tên đất, tên người, cảnh vật quê hương tạo cho HS cảm giác gần gũi, tự hào về quê hương mình, tăng thêm hứng thú khi sử dụng bộ vở.
Ngày 6.9, phóng viên Thanh Niên cũng đã liên lạc với đại diện Bộ GD-ĐT nhằm muốn có phản hồi từ Bộ về vấn đề này. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức của Bộ GD-ĐT.
Ý KIẾN
Giải thích sai chuyên môn
Đối với HS lớp 1, mục đích chỉ là trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất của bậc tiểu học nên thực hiện theo chương trình và quy định của Bộ đã là quá đủ. Nếu cho rằng tích hợp yếu tố địa phương vào vở luyện viết là cách giải thích lấp liếm và sai cả về chuyên môn.
Tích hợp yếu tố địa phương là đưa vào sử dụng các kiến thức về địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội chứ chưa từng thấy xuất hiện tích hợp yếu tố địa phương vào chữ viết để dạy học trò. Ở bậc tiểu học, đặc biệt là đối với lớp 1, điều quan trọng là phải biết tiếng Việt chuẩn chứ không phải học phương ngữ và trong quá trình sử dụng không thể lấy phương ngữ thay cho chuẩn.
Tôi đặt câu hỏi: Ai đã thẩm định và cho phép cuốn vở này sử dụng trong nhà trường? Trách nhiệm của Sở GD-ĐT và người quản lý bậc học thế nào để HS phải mua một tài liệu không đúng về chuyên môn như vậy?
Cao Huy Thảo (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Úc tại TP.HCM)
Cần trang bị vốn tiếng Việt chuẩn
Giáo viên lớp 1 sẽ dạy HS viết đúng mẫu chữ quy định của Bộ và như vậy các em sẽ biết cách sử dụng tiếng Việt chuẩn trong việc học tập, làm việc sau này. HS Quảng Nam đâu thể học và sống tại Quảng Nam suốt đời mà lại cần thiết luyện viết như vậy. Mỗi người dân ở mỗi vùng miền khác nhau có vốn phương ngữ một cách tự nhiên mà không cần ai phải dạy. Do vậy, HS vẫn cần trang bị vốn kiến thức chuẩn để phục vụ cho cuộc sống và trong xã hội. Đây là việc làm không cần thiết và không đúng với việc sử dụng ngôn ngữ.
Nguyễn Thị Linh (Giáo viên Q.Tân Phú, TP.HCM)
Không phải là môn học để tích hợp kiến thức
Tập viết là tiết dạy học sinh viết đúng mẫu chữ tiếng Việt với tư thế ngồi, cách cầm bút đúng, khoa học. Từ đó, HS có thể viết tất cả các môn học khác. Như vậy, tập viết là kỹ năng chứ không phải là một môn học để tích hợp kiến thức một cách khiên cưỡng. Nếu nói theo đúng chuyên môn thì tập viết là một vấn đề thuộc về học thuật chứ không phải là vấn đề địa phương.
Do vậy, việc nói đưa nội dung địa phương vào tập viết dành riêng cho HS một địa phương nào đó là hoàn toàn không đúng. Bộ cũng không chỉ đạo hay có chủ trương đưa nội dung vào kỹ năng tập viết. Đây có thể là “chiêu” để dụ phụ huynh, HS của các đơn vị xuất bản và phát hành mà thôi.
Một lãnh đạo phòng GD tại TP.HCM
B.Thanh (ghi)
|
Bình luận (0)