Vỡ mộng dó bầu

06/05/2022 10:03 GMT+7

Nhiều hộ dân ở Quảng Bình đã phải phá bỏ vườn dó bầu hoặc để chúng chết khô, sau khi vỡ mộng làm giàu từ loài cây này...

Men theo con đường bê tông đi sâu vào khu vực rừng cao su, rừng tràm… ở xã Trường Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình), dễ nhận thấy hàng trăm cây dó bầu trồng xen kẽ với các loại cây khác. Giấc mơ thu lợi nhuận lớn từ loại cây sinh ra trầm hương được ấp ủ đã hơn 20 năm. Tuy nhiên, sau khi trồng và sử dụng các phương pháp tạo trầm hương nhân tạo (đục lỗ, tiêm axit kích thích…), đến nay nông dân địa phương vẫn chưa thu kết quả. Không ít hộ dân phải phá bỏ bởi phát hiện mình đã trồng sai kỹ thuật.

Ông Hồ Văn Sơn thất bại với vườn dó bầu

BÁ CƯỜNG

Ông Hồ Văn Sơn, 56 tuổi, một trong những hộ dân tiên phong đem giống cây dó bầu về trồng trên địa bàn xã Trường Thủy, từng là phu trầm, thường đi đây đó để kiếm trầm. Một lần, được giới thiệu qua những mối lái bán giống cây dó bầu (tạo trầm hương) có nguồn gốc từ Khánh Hòa thu lợi hiệu quả cao, ông liền nhập hơn 400 cây giống về trồng. “Đó là vào thời điểm 1995, tôi được các mối lái giới thiệu nhập cây giống về trồng bằng cách tạo trầm nhân tạo, cây sẽ sớm có trầm hương chất lượng và bán được giá. Lúc đó mỗi cây giống có giá 5.000 đồng, thời giá cũng lớn lắm chứ không như bây giờ”, ông Sơn nói.

Hàng cây dó bầu trên 20 năm tuổi đang dần bị phá bỏ

Bỏ chết khô hoặc bán rẻ

Háo hức là vậy, nhưng mãi đến nay, vườn dó bầu vẫn chưa một lần giúp ông Sơn thu lại ít tiền vốn đã bỏ ra. Vì lý do tiêm quá nhiều axit, dung dịch kích thích nên cây không những không tạo được trầm mà ngược lại còn thiếu sức sống, dần chết khô…

Chưa có hộ nào phát triển kinh tế mạnh mẽ được từ loại cây này. Với tình hình trên, sắp tới xã sẽ lên kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn về nông nghiệp, kỹ thuật trồng cho bà con

Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình

Cách vườn ông Sơn không xa, vườn dó bầu (trầm hương) của ông Nguyễn Hữu Quý (57 tuổi) hay của bà Trương Thị Hồng (70 tuổi) cũng bị phá bỏ hoặc bán lại với giá rẻ với vì không mang lại hiệu quả. Các chủ vườn trầm như ông Sơn, ông Quý, bà Hồng đều từng ấp ủ giấc mơ sau 15-20 năm chăm bón sẽ thu bán được 3-5 triệu đồng/cây. Sau khi “vỡ mộng”, nhiều hộ dân đã phải bán tháo cho các đại lý sản xuất hương với giá rẻ bèo, thậm chí có hộ dân chặt cây làm củi vì không bán được.

Ông Châu Ngọc Hải thu mua cây dó bầu bán tháo để sản xuất hương

BÁ CƯỜNG

Ông Châu Ngọc Hải (51 tuổi, thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy), người chuyên sản xuất hương trầm, thường đến thu mua lại cây dó bầu mà các hộ bán tháo với giá 200.000 - 500.000 đồng/cây. “Tùy theo loại mà giá thành của mỗi cây sẽ có sự khác biệt. Tôi cũng là một người làm trầm nên hiểu rõ trồng loài cây này rất vất vả, tốn kém. Sau khi biết được bà con thất bại trong việc tạo trầm, tôi đến thu mua để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hương, nhang… một phần phục vụ kinh tế gia đình, phần nào đó giúp đỡ người dân bán được số cây hư hỏng”, ông Hải chia sẻ.

Theo thống kê của UBND xã Trường Thủy, trên địa bàn hiện nay có khoảng 20 ha đất nông nghiệp được người dân sử dụng trồng cây dó bầu để tạo trầm hương, tuy nhiên trong những năm gần đây một nửa trong số đó đã phá bỏ, bán rẻ cây để chuyển sang trồng các loại cây mới. Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, cho biết thời gian đầu xã cũng đã động viên, khuyến khích các hộ dân trồng dó bầu để phục vụ phát triển kinh tế. Nhưng sau một thời gian, nhiều hộ dân đã phải chuyển đổi vì cách trồng sai kỹ thuật cũng như mất nhiều thời gian. “Trong nhiều năm qua, vẫn có những hộ dân trồng dó bầu và thu được trầm, nhưng số lượng rất ít. Chưa có hộ nào phát triển kinh tế mạnh mẽ được từ loại cây này. Với tình hình trên, sắp tới xã sẽ lên kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn về nông nghiệp, kỹ thuật trồng cho bà con”, ông Tình nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.