|
Tiếng lộp cộp phát ra từ tâm thế của một kẻ mải miết chạy trốn. Nhưng thứ gì đang dồn đuổi chị? Truy sát chị? Chị không biết. Chỉ cảm thấy một thế lực siêu hình lúc nào cũng muốn nuốt chửng, nhấn chìm, ăn tươi nuốt sống chị như cách mà loài vật xơi tái một con mồi trong cuộc chiến sinh tồn. Đứa con trai mười ba tuổi nhiều hôm bật dậy gào khóc với bộ mặt sưng vều. Chị choàng tỉnh giấc, ngơ ngác hỏi con làm sao lại ra nông nỗi thế này? Con cũng ngơ ngác nhìn chị, có chút thảng thốt trong đáy mắt “mẹ làm con đau rồi còn hỏi tại sao?”. Trong giấc mơ chị thấy tay chân mình biến thành vó ngựa, quẫy đạp loạn xạ để cất vó phi nhanh, vụt thoát khỏi chốn nhốn nháo xung quanh. Con ngựa phi mải miết nhưng cảnh vật vẫn đứng yên tại chỗ, chỉ có đứa con trai bé nhỏ là bị chân tay chị khua khoắng đập túi bụi vào mắt mũi. Sau này con đòi ngủ riêng, những vết thâm tím trên mặt mờ dần nhưng sáng dậy hai mẹ con vẫn nhìn nhau ngơ ngác. Chồng cũng không hay biết, thỉnh thoảng giữa bữa cơm chiều đông đủ hiếm hoi, anh đang cắm cúi ăn bỗng ngẩng lên nhìn mặt con bị đau mà không hiểu tại sao. Chị tự hỏi, tại sao từng ấy con người ruột thịt trong một gia đình lại chỉ có duy nhất ánh nhìn ngơ ngác ấy mà thôi?
Lần nào anh đi công tác về cũng mua cho con một món đồ chơi, giờ chúng nằm lăn lóc ở góc nhà. Bao nhiêu siêu nhân, tàu hỏa con đều không ham, suốt ngày chỉ thích thú ngồi trên chú ngựa gỗ bập bênh, cầm dây cương giả mà nhấp nhô phi. Trong căn phòng nhỏ của mình con chơi trò đó mải miết bao nhiêu năm không chán. Nhiều lần mở cửa ra thấy con đang phi ngựa, tiếng lục lạc gỗ kêu lộc cộc khiến đầu óc chị quay cuồng. Có lúc bực mình, chị định mang con ngựa gỗ vứt ra bồn rác ngoài đầu ngõ nhưng chạm ngay phải ánh mắt đề phòng của con, nên thôi. Đứa trẻ này rất lạ, nhiều lúc chị hoài nghi như một kẻ tâm thần rằng không biết nó có đúng là con chị hay không? Con hình như cũng vậy, cũng hoài nghi người đàn bà sống cùng nhà, người nó gọi bằng mẹ, người đã nhiều lần làm nó bầm dập ngay chính trong giấc ngủ ấy có thực sự là người đã sinh ra nó hay không? Thỉnh thoảng chị đến trường đón con, thấy nó chạy từ trong lớp học ra với vẻ mặt hồ hởi như muốn kể một chuyện vui gì đó. Rồi vừa nhìn thấy chị con bỗng đứng khựng lại, nụ cười trên môi con hóa thành tượng đá. Chút ngượng nghịu, lúng túng, thêm vài câu hỏi hời hợt kiểu hỏi cho có chuyện làm suốt chặng đường về chị tưởng như đang chở sau lưng mình một đứa trẻ lạ xa. Thằng nhỏ có đôi mắt hệt chị, có bàn tay hệt chị, cả cái nốt ruồi mọc đằng sau gáy cũng hệt chị nhưng nó luôn dè chừng chị như một vị khách lạ mặt lẻn vào nhà nó, ngồi chung mâm cơm với nó. Chị là một người mẹ chẳng ra gì bởi có những thứ thuộc về bản năng mà chị cứ loay hoay học mãi. Như là chị đang học cách để chấp nhận chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra.
Anh thích ăn cơm khô. Chị cắm nồi cơm thiếu nước với bùng nhùng nghĩ suy. Đến bữa, chị nhìn những hạt cơm khô rời rạc và nghĩ “tốt thôi. Thêm chút canh thì sẽ nuốt trôi”. Anh không thích chan canh, cơm khô thì hay nấc nghẹn. Chị ngồi nhìn anh ăn mà nghĩ, con người ấy hình như đã bị đọa đày, cả đời không ăn nổi một bữa cơm thong thả. Công việc như một thỏi nam châm, còn tham vọng của anh chẳng khác gì một thứ kim loại. Thành phố này, ngôi nhà này, người đàn ông này là những thứ chị đã chọn lựa và chiếm đoạt. Ngay cả sự ra đời của đứa con trai cũng chỉ làm nhức nhối thêm cái phông nền của cuộc đời người đàn bà nhiều toan tính là chị. Đã sống gần nửa cuộc đời chẳng có nổi một niềm đam mê, thứ gì chị cũng gấp gáp, vội vàng chỉ vì sợ người ta tranh cướp mất. Chị có yêu anh hay không? Mười mấy năm trước chị đã tự huyễn hoặc mình, mười mấy năm sau cũng chẳng biết có phải chị vẫn đang tự huyễn hoặc hay không. Con người thực ra là một chủ thể rất đáng thương trước thời gian. Sự thay đổi dù theo chiều hướng tốt hay xấu cũng đều ít nhiều mang lại cảm giác chênh vênh. Trạng thái đó có thể giết dần mòn con người ta, như cách mà nó đang hủy diệt chị. Hơn mười năm, quãng thời gian đủ để mang lại tất cả những thứ chị muốn và cũng đủ để biến chị thành kẻ bệ rạc trước ngõ lòng.
- Trời lạnh, khiến em nhớ đến chậu than hồng dưới gậm giường lúc nhỏ. Ấm và thơm - chị bắt đầu câu chuyện như thế khi ngả lưng xuống giường. Anh vẫn chúi đầu bên máy tính, hình như có bất giác ngừng lại, chú ý đến câu nói của chị rồi lại tiếp công việc của mình.
- Hồi ấy em chìm vào giấc ngủ bằng mùi khoai nướng, tiếng gió rin rít ma mị bén vào tận màn.
Anh lại bất giác ngừng tay. Chị đoán vậy khi nghe rõ tiếng tay anh ấn phím nhưng không nghe thấy tiếng bàn phím nảy lên. Cái máy tính bàn từ thời cổ lỗ sĩ ấy cứ mỗi lần chạm vào là những âm thanh khô khốc lại vang lên “lộc cộc, lộc cộc”. Rời rạc như xương khớp chị trong mùa lạnh. Những ngày dài chỉ muốn co ro ở xó nhà trùm chăn ấm để xoa dịu những nhức nhối luồn lách trong cơ thể. Chị kể câu chuyện đến đấy thì dừng, khẽ khàng tựa vào chăn gối sau khi nghe thấy tiếng bàn phím nảy lên. Đã bao lần chị bảo anh thay máy mới đi, chị sợ cái âm thanh nhộn nhạo, nhức nhối ấy vang vọng khắp ngôi nhà. Thế nhưng máy mới đã mua về mà anh vẫn lộc cộc như một thói quen tri kỷ. Tiếng gõ lúc nhẩn nha lúc dồn dập. Lúc đơn độc, lúc lại như một bầy ngựa đang dồn sức phi về phía chị.
Mọi căn phòng trong nhà đều xua đuổi chị bằng một thứ âm thanh nào đó. Ngay cả căn bếp nhỏ, nơi anh treo chiếc đồng hồ quả lắc to giống một người khổng lồ như lúc nào cũng hằm hè nhìn chị. Chiếc đồng hồ là món quà cưới mà người bạn Việt kiều đã bấm chuông ầm ĩ vào đêm tân hôn để tặng. Từng giây, từng phút, nó phát ra thứ âm thanh như một bà lão già cả và lẩm cẩm. Những tối, chị ngồi bên bàn ăn đợi chồng, vẫn nghe thấy tiếng âm thanh lộc cộc của chiếc đồng hồ. Đôi lúc, chị còn thấy nó giống như tiếng búa gõ cồm cộp của vị quan tòa. Nó có thể là phiên tòa lương tâm, oang oang vang lên câu hỏi “thế nào là hạnh phúc?”. Nếu chị không trả lời, phiên tòa sẽ không kết thúc. Còn nếu chị trả lời thì thể nào quan tòa sẽ lại tiếp tục hỏi “chị đã làm thế nào để có được hạnh phúc đó?”. Không nhẽ chị sẽ thành thật rằng thứ hạnh phúc chị đang có là do chị chiếm đoạt. Chị chiếm đoạt tuổi xuân của chị và tuổi trẻ của anh. Đúng! Chị đã từng sống nông nổi và bồng bột. Hơn cả thế, đó là sự gấp gáp. Gấp gáp yêu. Gấp gáp trói buộc. Và hệ lụy là cuộc đời cũng gấp gáp hủy diệt chị như một quy luật của sự tất yếu.
Ngày đó, chị vừa ra trường, gặp anh rồi mê muội. Đó không phải là tình yêu. Đó đơn thuần chỉ là sự ngưỡng mộ nhưng lúc ấy chị đã không nghĩ vậy. Chị đã sống chết ngày đêm nghĩ cách chiếm đoạt anh trước vô số cô gái quyến rũ đầy ma lực. Những ả đàn bà lúc nào cũng hừng hực như muốn dâng hiến và hút cạn kiệt người đàn ông ấy. Chị đã trói anh lại bằng một đêm đầy hơi men và hừng hực bản năng. Trong hoàn cảnh đó người đời thường chẹp miệng cảm thông mà không nói chuyện đúng sai. Nhưng anh đã phải khắc phục hậu quả bằng cả quãng đời còn lại. Đứa con trai ra đời khi bố mẹ chúng còn chưa kịp định nghĩa được thế nào là tình yêu. Không sao! Cứ thế mà sống với nhau, chấp nhận nhau, đối đãi với nhau cũng đi qua mười mấy năm trời. Cuối cùng chị cũng đã hiểu được tận cùng của tình yêu là thứ chị không có được. Biết đâu đấy, tiếng búa đập cồm cộp lại diễn ra trong chính buổi tòa xử ly hôn. Quan tòa sẽ hỏi tại sao lại ly hôn? Chả nhẽ cả hai người sẽ có cùng một câu trả lời “vì chúng tôi không có tình yêu”. Không có tình yêu sao lại tiến đến hôn nhân? Ồ! Có chứ. Có quá nhiều nguyên do là khác. Một đứa con chẳng hạn.
Chị bo chặt đầu khi nghe tiếng quả lắc đồng hồ vang lên đều đặn. Mâm cơm nguội ngắt, thế ngồi của chị cứ buông thõng dần cho đến khi đổ người, gục mặt xuống bàn. Không dám tưởng tượng thêm về phiên tòa ly hôn. Giống một cuộc đối chất mà thứ tài sản cả hai bên đều muốn được đền bù ấy là tuổi trẻ và tình yêu. Chiếc đồng hồ chết tiệt, anh quý nó như đứa trẻ khư khư giữ món đồ chơi yêu thích của mình. Đã có lúc chị muốn vứt quách nó đi, thay vào đó một chiếc đồng hồ bằng tranh thêu vừa đẹp vừa chạy êm ru. Thật quái quỷ, chị đã không dám chạm vào nó. Mỗi người đều là một ngọn núi lửa ngầm, biết đâu đó cái ngọn núi lửa ngầm của anh lại nằm chính trong chiếc máy tính cổ lỗ sĩ hay chiếc đồng hồ quả lắc cộc cằn này. Chị mỗi ngày càng đơn độc lùi dần vào xó xỉnh. Những âm thanh càng hả hê, điên loạn bao vây, gầm ghè, hù dọa như một trận cuồng phong. Chị ao ước mình thành kẻ vô hình tan biến trong không khí để kết thúc cuộc rượt đuổi đầy ám ảnh này. Đã có lúc chị nghĩ, anh chính là kẻ đồng lõa với những âm thanh đó.
* * *
Con đi học về mang theo một vết thương trên cánh mũi. Chị nhìn con như dò hỏi, như hoài nghi, như cố hồi tưởng lại xem vết thương ấy liệu có do chị gây ra. Con đáp lại chị bằng một cái nhún vai vừa bất cần vừa cam chịu.
- Có gì đâu. Con mới đánh nhau với bạn.
Chị ngồi khâu áo cho con, khâu luôn cả tấm tâm tư buồn tơi tả tái tê của một người mẹ nhìn con chịu đựng những vết thương bằng thái độ bình thản như là một thói quen.
- Con gặp vấn đề gì với các bạn sao?
Con không trả lời chị, leo lên con ngựa gỗ phi lộc cộc. Chị dừng tay, ngoẹo cổ nhìn cái bóng đơn độc của con đang cưỡi trên lưng con bạch mã. Có một hành trình đơn độc trong cậu bé mười ba tuổi. Sự đơn độc này dồn đuổi sự đơn độc khác. Ba sự đơn độc chạy quẩn quanh trong nhà, từ phòng ngủ đến phòng ăn. Từ lọ hoa rực rỡ đặt trên bàn đến cái đũa, cái thìa đều vô hồn trong hình hài, hương thơm, màu sắc. Sự rời rạc, đứt đoạn vương vãi khắp nơi. Sáng nào chị cũng quét chúng vun lại thành đống trong góc nhà đợi tiếng kẻng đổ rác mỗi chiều để mang vứt chúng đi.
- Hôm nay mẹ nấu món cá sốt mà con thích nhé.
- Con đâu có thích món đó. Đấy là món mẹ thích mà.
Chị ngẩng lên nhìn con. Buông thõng một câu nghe như tiếng thở dài:
- Mẹ vẫn thấy con ăn rất ngon miệng món đó đấy thôi.
- Vậy ạ?
Chị đi vào bếp, vẫn nghe thấy tiếng lộc cộc của ngựa gỗ của chiếc đồng hồ treo tường nhảy nhót trên từng sợi ven cơ thể. Lúc vo gạo nấu cơm, chị vớt được sợi tóc của mình chết đuối trong nồi. Chị chợt nhớ đến sợi tóc dài vướng trên cổ áo chồng sau một đêm đi nhậu. Chị cầm sợi tóc lên ngắm nhìn để chắc chắn rằng nó không phải là tóc của mình. Chị làm bạn với chính mình lâu nay, quen mùi da thịt mình còn hơn mùi cơ thể chồng, lẽ nào lại không biết ư. Chị định nói với anh điều đó, rằng có một sợi tóc đi lạc vào nhà. Nó mỏng manh, nhỏ xíu thế thôi mà thành chiếc dây thừng thít cổ chị trong những giấc mơ. Chị nhớ mình đã vun nó thành rác đổ đi, nhưng thỉnh thoảng lại thấy nó xuất hiện trên bàn phím máy tính của anh, trên bàn ăn cơm, trên chăn đệm của hai vợ chồng. Gió thổi nó bay tứ tung khắp nhà, chị như lồng lộn phát điên tìm cách xua đuổi nó. Nên có tối, anh phát hoảng khi xuống bếp thấy lửa cháy đùng đùng. Bếp gas, chị vặn hết cỡ. Anh không thấy chị đun nấu gì, chỉ thấy lửa bắt đầu bén sang mấy chiếc giẻ lót nồi, xém chút nữa thì cháy lan, biết đâu sẽ thiêu rụi cả căn nhà. Lúc anh lao vào tắt bếp, dập lửa chị còn ngăn anh lại. Chị bảo “cứ để đó cho cháy hết”. Anh đâu có biết, chị bật lửa để đốt sợi tóc đã lạc vào nhà trong một đêm anh đi nhậu về khuya. Chị ghen tuông hay sợ hãi? Chị tha thiết yêu hay vẫn chỉ là ham muốn chiếm đoạt? Chị không biết. Cảm giác bấn loạn lấn lướt mọi thứ. Chị mỗi ngày mỗi thấy mình nhỏ bé hơn, nhỏ bé đến mức một sợi tóc mỏng manh cũng đủ sức làm đảo lộn mọi thứ trong gia đình này như yêu ma, ác quỷ.
Sáng ra, trước lúc đi làm anh bảo:
- Em cần phải đi bác sĩ.
Chị ngoẹo cổ nhìn anh. Tuyệt nhiên không thể cất lời. Ngôn từ đầy ứ trong cổ họng bật thành tiếng nấc. Chị muốn nói với anh nhẹ nhàng thôi, rằng anh hãy mang sợi tóc ấy đi lặng lẽ như cách anh mang nó tuồn vào ngôi nhà này. Nó đơn giản chỉ là một sợi tóc trong hàng nghìn, hàng vạn những sợi tóc rụng rơi vương vãi đâu đó ngoài đời. Nó là hình ảnh của một người đàn bà nào đó hay đơn thuần nó tượng trưng cho sự biến đổi? Cho những ma lực khuất lấp đang ẩn hiện đầy rẫy ngoài kia có thể xâm chiếm ngôi nhà của chị bất cứ lúc nào?
- Tóc mẹ rụng nhiều quá. Chỗ nào cũng thấy tóc là tóc. Lẫn vào cả trong sách vở và quần áo của con này.
Lúc nghe con cằn nhằn là chị đang ngồi ngoài cửa. Nắng sớm hắt xiên qua hàng rào sắt, mon men lên bậc tam cấp rồi chạm dần vào da thịt chị. Chị co từng ngón chân lại, sợ hãi như thể nắng sẽ ăn mòn mọi thứ. Như thể cơ thể chị chỉ là một phác thảo bằng bút chì và nắng như cục tẩy chạm đến đâu thì da thịt chị sẽ biến mất đến đó. Trống trơn như vô hình, như chưa hề tồn tại. Bên ngoài là nắng, bên trong là tiếng lộc cộc mỗi lúc một gấp gáp, phía nào cũng thúc giục, dồn đuổi chị. Chị ngoảnh lại nhìn về phía con cầu cứu, thấy thằng nhỏ đang nhăn nhó lôi một sợi tóc trong miệng khi dùng món mì xào thập cẩm mà chị nấu. Trưa hôm đó chị ra quán cắt tóc đầu ngõ, nhờ cắt ngắn tóc mình. Tối về lại chỉn chu nấu cơm khô cho chồng. Trong lúc nghe chồng nấc nghẹn chị đã nghĩ phải chi hôm đó anh đừng có dập lửa, biết đâu con ngựa gỗ, cái bàn phím và chiếc đồng hồ quả lắc sẽ không còn tồn tại. Mà biết đâu chị cũng sẽ biến mất.
- Canh mặn quá, mẹ bận nghĩ những gì khi đang bỏ muối vào canh?
Chị hơi điếng người trước câu hỏi của con. Chị chỉ cảm nhận thấy đứa con trai đang lớn dần lên qua từng câu hỏi nó vẫn thủng thẳng buông ra. Chị đã nghĩ gì khi nấu canh ư? Nghĩ cách chạy trốn. Chị âm mưu truy tìm. Chị nghĩ mình đang chết dần chết mòn mỗi ngày… Bao nhiêu giày vò, hoài nghi chị bỏ vào trong cơm canh như nêm thuốc độc. Mỗi ngày chị nấu cho chồng con ăn những thứ đó. Cơm rất khô. Canh rất mặn. Chị buông thõng người như cả cơ thể không còn điểm tựa, cứ co lại, co lại rồi bốc hơi. Anh ngẩng lên nhìn chị ngơ ngác. Chị bảo:
- Để em đi gọt cam.
Con ăn thử một miếng cam, chê cam khô quá. Chị đã nghĩ những gì khi đứng chọn cam?
- Đang có phim hay lắm mẹ xem không?
Thằng bé nhả bã cam, nhìn đồng hồ, vớ lấy chiếc điều khiển ti vi bật một cách dứt khoát. Từng cảnh phim trôi chầm chậm. Một bà mẹ già nghèo khổ với niềm vui mỗi ngày là đi bán đồ trang điểm kiếm tiền mua được thật nhiều thịt mang về rán cho lũ con ăn. Những đứa con lớn tồng ngồng, bệ rạc và hơi bệnh hoạn đã từng thất bại trong tình yêu, sự nghiệp. Những sai lầm nối tiếp sai lầm, đẩy họ về chui rúc trong một căn nhà chật hẹp hằng ngày chờ đợi từng bữa cơm của mẹ. Họ cãi cọ nhau suốt ngày, mưu mô toan tính, tị nạnh với nhau từng miếng thịt. Chỉ người mẹ ngồi đó, cặm cụi rán thịt, gắp cho đứa này đứa kia rồi nhìn chúng ăn ngấu nghiến ngon lành. Rồi thời gian trôi đi cùng nhiều biến cố, cuối cùng những đứa con ấy cũng tìm thấy niềm vui sống. Chị cứ tự hỏi, phải chăng cái gia đình hỗn tạp ấy có thể gắn kết và yêu thương nhau cũng là vì bà mẹ lúc nào cùng dồn hết tâm sức trong việc bán hàng, mua thịt, nấu cơm? Bà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những miếng thịt rán vàng mà từng đứa con bỏ vào miệng ăn một cách ngon lành? Con trai chị, đang vừa nhả bã cam vừa nhìn mẹ nó.
Chị biết vậy vì thấy gáy mình bỏng rát.
* * *
Sáng chủ nhật. Con đi dã ngoại với lớp từ mờ sớm còn chồng đi công tác dài ngày. Chị ở nhà một mình không biết cơm nước đợi ai. Con ngựa gỗ đứng cúi đầu ở xó nhà. Bàn phím lặng câm còn chiếc đồng hồ quả lắc tự nhiên không chạy nữa. Không có âm thanh lộc cộc. Không có cuộc rượt đuổi nào vọng đến từ thế giới xung quanh. Chị ngồi đó lặng câm, ngó nắng bị thắt nghẹn lại nơi hàng rào sắt. Không gian yên ắng thực ra cũng rất đáng sợ. Khi không còn nghe thấy những âm thanh xung quanh chị mới đủ tĩnh lặng nghe rõ tiếng vó ngựa trong lòng. Đó là tiếng vọng đơn độc của một trái tim lạc lõng. Chị gục đầu bên cửa sổ, khẽ nhắm mắt vươn tay về phía nắng, nghe ưa ứa trong tim. Gốc hoàng lan đã trổ mùa nụ đầu tiên. Gốc cây này anh đã chiết nó từ nhà một người bạn mang về trồng vào quãng thời gian chị mất ngủ triền miên. Ngày mang nó về trồng, khi bóc bầu ra, chị nhìn vết thương của cây ra mô sẹo, những chiếc rễ non nớt mọc ra ngơ ngác, mà thấy se sắt trong lòng. Hương hoa dịu nhẹ, thuần khiết chảy ngược vào lòng chị. Vó ngựa đã dừng. Tâm trí chị tĩnh lặng như nguyên thủy. Chị muốn ngồi như thế đợi con về. Chị muốn đi chọn cam, muốn nấu canh chua, muốn nướng bánh quy, muốn nêm nếm cho vừa miệng. Chị muốn làm người mẹ biết niềm vui của từng miếng thịt nướng nóng hổi vẫn còn bốc khói trên miệng con mình. Chị sẽ chối từ nỗi ám ảnh mang tên sợi tóc. Sẽ thôi không hỏi những câu sáo rỗng về tình yêu. Sẽ nói với cái bóng của mình rằng “đừng sợ hãi”. Trong giấc mơ, chị thấy mình mở toang những cánh cửa thả bầy ngựa hoang về với đại ngàn. Tiếng vó ngựa xa dần rồi mất hút…
Chị thiêm thiếp ngủ một giấc dài như thế cho đến khi tiếng chuông cửa ngân lên.
Kính coong! Kính coong!
Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
Bình luận (0)