Thuê vườn đặt lan để lừa đảo
Từ thông tin ông Nguyễn Văn Sự (Vĩnh Phúc) cung cấp, chúng tôi vượt quãng đường hơn 100 km lên huyện miền núi Yên Thủy (Hòa Bình), tìm về vườn lan của Trần Văn Tuyến, nơi ông Sự từng đến giao dịch. Nhưng vườn lan này đặt trên đất của gia đình ông Bùi Thanh Phóng (65 tuổi). Theo ông Phóng, khoảng 1 năm trở lại đây, gia đình có đầu tư làm nhà giàn cho thuê trồng lan. Nhà giàn làm xong thì có một nhóm thanh niên 4 nam, 2 nữ vào thuê lại với giá 10 triệu đồng/tháng để kinh doanh hoa lan. Sau đó, họ mua bán, giao dịch thế nào với những ai thì ông Phóng không hay biết. Khoảng vài tháng trở lại đây, nhiều người tìm đến nhà hỏi về nhóm người thuê nhà trồng lan nhưng họ “đã bỏ đi biệt tăm biệt tích”. “Không riêng gì nhà tôi, xóm này cũng có cả chục nhà làm nhà giàn cho thuê trồng lan”, ông Phóng nói, và chỉ tay về cuối xóm.
Sau một hồi thuyết phục, ông Phóng đồng ý mở cửa cho chúng tôi vào bên trong vườn lan. Ngay lối vào, chăn màn, vỏ bánh kẹo, mì tôm vứt lại lổng chổng. Trên các giàn sắt chỉ còn vài chậu lan đang héo úa, chết dần. Cùng đi với chúng tôi, ông Sự xác nhận đây chính là địa điểm ông chuyển cho Bùi Văn Tuyến mỗi lần cả trăm triệu đồng để mua lan đột biến.
Trở lại vườn lan tại ngôi nhà số 1, ngõ 83 thôn An Thọ (xã An Khánh, H.Hoài Đức, Hà Nội) bị nhiều người tố cáo lừa đảo, chúng tôi tìm gặp chủ nhân thực sự của ngôi nhà - anh Trần Anh Tuấn, trú tại thôn An Thọ (xã An Khánh, H.Hoài Đức). Anh Tuấn xác nhận "không biết ai tên là Hậu", và cho biết chủ vườn đứng ra ký hợp đồng thuê nhà là Bùi Văn Diệu. Để chứng minh, anh Tuấn chìa cho chúng tôi xem bản hợp đồng thuê nhà có đầy đủ thông tin nhân thân, số chứng minh nhân dân và địa chỉ thường trú của Diệu tại xóm Riềng (xã Yên Nghiệp, H.Lạc Sơn, Hòa Bình). Diện tích trồng lan ghi trong hợp đồng là toàn bộ tầng 3 và một phần tum tầng 4.
|
Dẫn chúng tôi lên vườn thì chỉ thấy lèo tèo vài chậu lan; khay, chậu bị bỏ lại bụi đã phủ đầy, anh Tuấn nói: “Cách đây hơn 1 tháng, đang chạy taxi chở khách, tôi được người nhà báo tin nhóm xã hội đen đến nhà bao vây đòi nợ. Về đến nơi nói chuyện thì họ đến tìm Diệu để đòi tiền. Tôi phải giải thích mãi, mình là chủ nhà cho thuê, thậm chí đưa cả hợp đồng ra nhưng họ không tin, cứ ngồi tụ tập quây kín ngõ vào nhà gần một buổi chiều mới chịu rời đi”, anh Tuấn nói.
Còn với vườn lan Bảo Nam một thời đình đám trên mạng, chúng tôi tìm đến căn nhà ngay mặt đường tại ngã tư chợ Gốt (xã Đông Sơn, H.Chương Mỹ, Hà Nội) thì đã thấy khóa trái cửa. Thấy chúng tôi gọi cửa hồi lâu, một người hàng xóm chạy ra cho hay, chủ nhà đi vắng từ sớm do có công việc trên Hà Nội. Người đàn ông trung niên này thủng thẳng: “Chủ nhà không “dính” đến lan đột biến gì đâu, chỉ cho thuê vườn thôi. Người thuê vườn trồng lan bỏ đi đâu rồi, trước các anh cũng có nhiều người đến đây tìm họ đòi nợ”.
Giăng bẫy trên mạng xã hội
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tá Bùi Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an H.Yên Thủy (Hòa Bình), cho hay trong khoảng 2 năm trở lại đây, nghề kinh doanh trao đổi hoa lan giữa các nhà vườn, cá nhân diễn ra sôi động. Thống kê sơ bộ xung quanh TT.Hàng Trạm này có tới 200 - 300 vườn trồng lan. Giá trị lan đột biến được đẩy lên quá lớn đã làm gia tăng nhiều vụ lừa đảo.
Trong tháng 1 năm nay, Công an H.Yên Thủy đã bắt giữ và khởi tố hình sự Tạ Thị Suối Vân (29 tuổi) về hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua bán lan đột biến giả trên mạng xã hội. Đối tượng này sử dụng mạng xã hội, tạo tài khoản Facebook để đăng tải, phát trực tiếp “quảng cáo” các giống lan đột biến, nhưng thực chất chỉ là lan bình thường. Khi có người đặt mua, Vân cung cấp số tài khoản để chuyển tiền. Qua điều tra ban đầu, chỉ trong tháng 6 - 7.2020, Vân đã lừa bán lan đột biến cho các nạn nhân và chiếm đoạt 4,6 tỉ đồng.
|
Thiếu tá Bùi Ngọc Ánh cũng xác nhận, thời gian gần đây, Công an H.Yên Thủy liên tiếp nhận được nhiều đơn trình báo lừa đảo bán giống lan đột biến. Qua nhiều vụ xác minh điều tra, Công an H.Yên Thủy phát hiện các đối tượng sử dụng chung thủ đoạn là thuê đất dựng nhà trồng lan, sau đó sử dụng mạng xã hội liên tục phát tin quảng bá, lôi kéo người đến mua bán giao dịch lan với giá cao. Sau khi nhận tiền, các đối tượng này bỏ vườn, đi khỏi địa phương, khiến công tác điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn.
“Luật lạ” trói người chơi lan đột biếnTheo tìm hiểu của Thanh Niên, trên thị trường giao dịch lan đột biến, người chơi lan đang chấp nhận giao dịch theo “luật bất thành văn”. Ông Đỗ Văn Đông (trú tại khu 5, xã Bảo Yên, H.Thanh Thủy, Phú Thọ), cũng là nạn nhân bị lừa 260 triệu đồng, cho hay: “Trong giới chơi lan thì người ta mua niềm tin, uy tín của chủ vườn là chủ yếu. Giá cả thì thỏa thuận, giao dịch thì chụp ảnh, làm video cam kết, bảo hành mặt hoa, chứ không ai làm hợp đồng hay giấy tờ gì cả”.
Những nạn nhân chúng tôi tiếp xúc cũng xác nhận, phương thức mua bán này được áp dụng chung trong giới chơi lan đột biến. Họ cứ nhìn vườn to, đẹp, uy tín, địa chỉ rõ ràng, tài khoản Facebook có nhiều người theo dõi, giao dịch, là xuống tiền mua giống.
Một quy tắc khác là khi sai mặt hoa, người bán sẽ phải đền bù thiệt hại cho người mua theo giá thị trường. Anh N.H.K dẫn chứng, với loại hồng Yên Thủy, có khi mua vào chỉ có 3,5 triệu đồng/cm, nhưng nếu sai giống giá bán giống trên thị trường đã tăng lên 7 - 8 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng/cm, thì mình phải đền tiền theo giá này. “Mầm lan cứ mỗi ngày một lớn, giá tăng vô tội vạ, không chuộc cây về sớm thì số tiền phải đền rất lớn”, anh K. nói. Còn anh N.V.T xác nhận bản thân từng bán sai hoa một cây hồng Yên Thủy, lúc bán cho khách có giá 420 triệu đồng, nhưng khi chuộc cây về thì bị bắt đền lên tới 1,5 tỉ đồng.
|
Còn tại Hà Nội, thiếu tá Lê Quyết Thắng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an H.Hoài Đức, cũng cho biết đơn vị này đang tiếp nhận 6 đơn tố giác lừa đảo trong các giao dịch mua bán lan đột biến. Tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt trên 6,3 tỉ đồng. Qua xác minh, toàn bộ vườn lan nạn nhân đến giao dịch chỉ là nhà đi thuê. Những người tham gia trong các giao dịch đều không có sự quen biết, người mua chưa nắm được chắc chắn người bán cho mình nhân thân lai lịch, uy tín như thế nào mà chỉ là quen biết qua Facebook nên không hề biết tên thật, địa chỉ thật của người bị tố giác.
Cũng theo thiếu tá Thắng, các trường hợp chuyển tiền giao dịch qua ngân hàng thì công an lần theo thông tin lưu trên tài khoản, số điện thoại để xác minh nhân thân. Trong cả 6 vụ đang điều tra, các đối tượng bị tố cáo đều không phải là công dân trên địa bàn H.Hoài Đức. Những người bị tố giác đều từ nơi khác chuyển đến. Sau khi giao dịch xong, các đối tượng sẽ rời đi, liên tục thay đổi số điện thoại, xóa bỏ tài khoản Facebook khiến việc truy vết điều tra gặp rất nhiều khó khăn. “Trong 6 vụ đang thụ lý, đến nay chúng tôi đã xác định được nhân thân 2 người trú tại Hòa Bình và đang phối hợp với công an địa phương để tiếp tục điều tra, truy xét”, thiếu tá Thắng nói.
Bình luận (0)