Võ phái Lê Thanh Huynh Đệ: Loạt trận thượng đài 'nổi sóng' với võ sĩ Hồng Kông

12/02/2021 07:00 GMT+7

Từ khi thành lập đến nay, môn phái Lê Thanh Huynh Đệ đã đóng góp nhiều võ sư, võ sĩ cho Việt Nam, trong đó có loạt trận thượng đài mà Việt Nam giành chiến thắng Hồng Kông: 5-1.

Năm 1972, võ sư Lê Đại Hoan quyết định giao lại võ đường cho con trai trưởng là võ sư Lê Thanh Tùng. Từ đó võ đường có tên chính thức là Lê Thanh Huynh Đệ.

Thua 1 trận cũng không hài lòng

Hai năm sau, năm 1974, võ sư Lê Thanh Tùng đã được Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam giao nhiệm vụ làm HLV trưởng phái đoàn võ thuật miền Nam Việt Nam sang Campuchia thi đấu giao lưu cả về võ tự do và quyền anh.
Phái đoàn này do ông Nguyễn Văn Bình (Phó chủ tịch Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam) làm trưởng đoàn; võ sư Xuân Bình làm phó đoàn và các võ sĩ: Lê Thanh Ngọc, Xuân Thịnh, Xuân Liễu, Xuân Thơm, Minh Thành…

Võ sư Lê Thanh Tùng, Chưởng môn võ phái Lê Thanh Huynh Đệ, từng được mệnh danh là "độc cô cầu bại", "thần cước" trong giới võ thuật Việt Nam trước năm 1975

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Võ sĩ Lê Thanh Ngọc của môn phái Lê Thanh Huynh Đệ cũng là người tham gia loạt trận thượng đài giữa phát đoàn võ sĩ Hồng Kông với các võ sĩ Việt Nam diễn ra từ ngày 13-14-15.12.1974 tại võ đài Tinh Võ ở Sài Gòn.
Theo võ sư Lê Thanh Tùng, thời đó, phim võ thuật Hồng Kông được yêu thích, nhiều ngôi sao võ thuật Hồng Kông là thần tượng của giới trẻ Việt Nam nên các trận so găng giữa võ sĩ Việt Nam và Hồng Kông rất được đón đợi.
Đoàn Hồng Kông có 6 võ sĩ, gồm: Tiểu Lâm Giác, Ngũ Chí Cường, Lý Mãn Lâm, Tào Bán Pháp, Lý Diệu Quang và Châu Đức Thắng do võ sư Lý Hồng và ông Lương Bá Trân hướng dẫn sang Việt Nam giao lưu võ thuật.
Kết quả, ngày 13.12.1974, võ sĩ Trần Mạnh Hiền (võ đường Trần Xil) của Việt Nam thắng nốc ao võ sĩ Châu Đức Thắng của Hồng Kông trong hiệp 2, nhưng võ sĩ Trần Cường (võ đường Trần Xil) bị võ sĩ Lý Mãn Lâm của Hồng Kông hạ nốc ao trong hiệp 1.
Hôm sau, võ sĩ Xuân Thịnh (võ đường Xuân Bình) của Việt Nam thắng nốc ao võ sĩ Ngũ Chí Cương của Hồng Kông trong hiệp 2; võ sĩ Lê Thanh Ngọc (võ đường Lê Đại Hoan) của Việt Nam tiếp tục thắng võ sĩ Tào Bán Pháp bên phía Hồng Kông.
Ngày cuối cùng (ngày 15.12.1974), Trần Bình Long (võ đường Triệu Tử Long) thắng Lý Diệu Quang của Hồng Kông (chịu thua trong hiệp 2), Thạch Sanh (võ đường Trần Xil) thắng điểm trước võ sĩ Tiểu Lâm Giác của Hồng Kông.

Võ sư Lê Thanh Tùng (bìa trái) tập huấn về các đòn, thế khi thượng đài cho các võ sư, võ sinh của võ phái Lê Thanh Huynh Đệ

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Trong 6 trận so tài, Việt Nam thắng đến 5 trận nhưng giới võ thuật ở miền Nam có nhiều người chưa thỏa mãn. Nhiều người cho rằng ban tổ chức giám định không kỹ trước trận đấu giữa Trần Cường và Lý Mãn Lâm, chênh lệch hạng cân giữa 2 người quá nhiều nên võ sĩ Việt Nam phải chịu thua. Đầu tiên có người đến ban giám định của trận đấu để phản đối, sau đó nhiều người khác cũng tràn lên sân khấu để phản đối.
Thực ra, trước khi trận đấu diễn ra, xướng ngôn viên đã giới thiệu võ sĩ Trần Cường nhẹ hơn đối thủ 4 kg nhưng vẫn chấp nhận thượng đài để trao đổi võ thuật. Giới báo chí thời đó viết rằng Trần Cường có nhẹ hơn đối thủ và đã không còn là chính mình nên mới bị thua địch thủ một cách không đáng có.

Để môn phái ngày càng phát triển

Trong những chuyến du đấu tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (từ năm 1971-1973), võ sư Lê Thanh Tùng thu nhận thêm nhiều huynh đệ đồng môn Lê Thanh Huynh Đệ, như: Lê Ngọc Có, La Thanh Hồng, La Thanh Hoàng (ở Gia Lai); Lê Thanh Lân, Lê Thanh Chương, Lê Thanh Chương A (Khánh Hòa); Vũ Lê Cang, Nguyễn Lê Hương, Nguyễn Lê Thanh (Bình Định).
Năm 1978, võ sư Lê Thanh Tùng, Chưởng môn phái Lê Thanh Huynh Đệ, cùng gia đình sang định cư tại Mỹ. Sau khi nghỉ hưu, năm 2011, ông Tùng trở về sống tại TP.HCM. Năm sau, ông kết hôn và về quê vợ ở một làng ven biển xã Xuân Thịnh (TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) ẩn cư, vui thú điền viên và chuyên tâm nghiên cứu võ học.

Các thành viên của võ phái Lê Thanh Huynh Đệ hội ngộ tại Quy Nhơn

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Từ năm 2018 đến nay, võ sư Lê Thanh Tùng nhiều lần giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về võ thuật đối kháng với võ sư, võ sinh ở vùng đất này. Không những vậy, ông còn hỗ trợ một thành viên trong nhóm “Lê Thanh Huynh Đệ” thành lập CLB Việt Võ Tự Do tại TX.An Nhơn (Bình Định) để đào tạo, huấn luyện võ tự do, võ cổ truyền, Boxing, Kick Boxing…
Trong dịp hội ngộ 48 năm đồng môn Lê Thanh Huynh Đệ, võ sư Lê Thanh Tùng cũng mở khóa tập huấn để huấn luyện, truyền đạt kỹ năng thượng đài cho các võ sư, võ sinh của môn phái. Võ sư Lê Thanh Tùng và các võ sư thuộc thế hệ tiền bối cũng kêu gọi các thành viên của môn phái cùng nhau đoàn kết, thường xuyên giao lưu, học hỏi, phát huy tinh thần thượng võ để giữ gìn, phát huy tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam.
Ngày nay, nhiều võ sư, võ đường của môn phái Lê Thanh Huynh Đệ có nhiều đóng góp cho nền võ thuật nước nhà. Võ sư Lê Ngọc Có (81 tuổi, ở TP.Pleiku, Gia Lai) có gần 30 năm truyền dạy võ nghệ, hàng chục năm liền giữ chức Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai. Trong số các học trò của ông có võ sĩ Lê Văn Dũng giành huy chương Vàng hạng cân 56 kg tại Giải vô địch miền Trung-Tây Nguyên vào năm 1992, võ sĩ Nguyễn Tấn Đô liên tục 5 năm liền giành chức vô địch hạng cân từ 45 đến 48 kg môn võ cổ truyền tại các giải toàn quốc...

Võ sư Lê Thanh Hạ

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Võ đường của võ sư Lê Thanh Hạ (học trò của võ sư Lê Thanh Chương A, ở H.Cư M'gar, Đắk Lắk) cũng đào tạo được nhiều võ sư, võ sĩ nổi tiếng. Trong đó, người nổi tiếng nhất là võ sư Huỳnh Văn Dũng (ở Bình Dương) 7 năm liền vô địch Quốc gia Kick Boxing (từ năm 2010-2016), huy chương đồng Đồng tại Sea Games 27 (năm 2013) và huy chương Bạc tại giải Muay Kingcup Thái Lan…
Võ sư Lê Thanh Bảy (62 tuổi, ở TT.Ea Knốp, H.Ea Kar, Đắk Lắk), học trò võ sư Nguyễn Lê Thanh (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) mở võ đường dạy võ tại TT.Ea Knốp từ năm 1987 đến nay. Hiện võ đường Lê Thanh Bảy có 4 chi nhánh tại tỉnh Đắk Lắk với số lượng khoảng 300 học viên. Học trò của võ sư Lê Thanh Bảy có nhiều người nổi tiếng như: Trần Thanh Tuyến (Huấn luyện viên Kick Boxing quốc gia), Hồ Trọng Tá (Lê Thanh Tá), Lê Phú Nam (Lê Thanh Nam)…

Võ sư Lê Thanh Bảy

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo võ sư Lê Thanh Tùng, võ sĩ chuyên nghiệp Nguyễn Kế Nhơn, huấn luyện viên Muay Thái tại CLB Thể thao Sài Gòn (SSC) cũng từng học võ của phái Lê Thanh Huynh Đệ. Nguyễn Kế Nhơn là vận động viên Việt Nam đầu tiên giành đai vô địch WBC Muay Thái chuyên nghiệp thế giới, nhiều năm liền giữ vững vị trí nhà vô địch Muay Thái Việt Nam… Nguyễn Kế Nhơn có cha là Nguyễn Đình Sang (ở xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn, Bình Định), còn gọi là Vũ Lê Sang. Ông Sang là học trò võ sư Vũ Lê Cang của võ phái Lê Thanh Huynh Đệ.
 

Gối, chõ từng là thế mạnh của võ Việt

Võ sư Lê Thanh Tùng, Chưởng môn võ phái Lê Thanh Huynh Đệ, cho rằng võ cổ truyền Việt Nam có thế mạnh là các đòn ngắn, sử dụng gối, chỏ. Cách đây khoảng 25 năm, khi đòn chỏ, gối bị cấm sử dụng trong luật Thi đấu võ cổ truyền Việt Nam khiến các võ đường dần không còn truyền dạy các đòn đánh này cho học trò, dẫn đến bị mai một.
“Nhiều võ sĩ chuyên nghiệp ở Việt Nam học các đòn gối, chỏ của võ cổ truyền Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả khi tham gia các giải đấu của Kich Boxing, Boxing, Muay Thai, MMA (Mixed martial arts: Võ thuật tổng hợp - PV). Đáng mừng là gần đây nhiều võ đường ở Việt Nam đã truyền dạy trở lại các đòn gối, chỏ, trong đó có các võ đường ở Bình Định”, võ sư Lê Thanh Tùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.