Ngày 21.1, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin báo chí về ca ghép thận khác nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là đề tài nghiên cứu cấp Bộ Y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy, mở ra hy vọng lớn cho bệnh nhân suy thận mạn có chỉ định ghép thận, mang lại cơ hội sống tốt.
Bệnh nhân ghép thận khác nhóm máu xuất viện được lãnh đạo bệnh viện lì xì |
AN MỸ |
Mừng vì không còn cảnh đi lại chạy thận vất vả
PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, vào tháng 7.2020, bệnh nhân Vi Văn Biết (54 tuổi, ngụ Bến Tre) bị mất ngủ, đau đầu nên đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM với chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp và được điều trị nội khoa. Tháng 12.2020 bệnh nhân được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Mỗi tuần 3 ngày, cứ 5 giờ sáng, ông Biết từ Bến Tre đón xe lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận và về tới nhà lúc 17 giờ, chi phí mỗi tháng là khoảng 10 triệu đồng.
Ông Biết đang được bác sĩ dặn dò trước khi xuất viện |
AN MỸ |
Thương ông Biết nên anh trai cùng nhóm máu B muốn hiến một quả thận cứu em, nhưng qua xét nghiệm thì không đủ điều kiện. Vợ ông Biết là bà Trần Thị Hạnh (51 tuổi) cũng mong muốn được hiến thận cứu chồng, nhưng bà Hạnh thuộc nhóm máu A.
Theo PGS.TS Thái Minh Sâm, ngày 29.12, sau khi chuẩn bị kỹ càng, ca ghép thận khác nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy thành công, bệnh nhân có nước tiểu ngay trên bàn mổ. Kết quả siêu âm thận ghép ngay sau mổ thấy tưới máu tốt, nước tiểu tăng dần, chức năng thận hồi phục tốt, ngày thứ 2 đã về bình thường. Một ngày sau mổ, bệnh nhân ăn uống trở lại bình thường, sức khỏe hồi phục và được xuất viện, tái khám theo dõi tại phòng khám ghép thận.
Chia sẻ tại cuộc họp thông tin báo chí ngày 21.1, ông Biết vui mừng nói: "Tôi khoẻ hơn rất nhiều, không còn phải đi chạy thận. Điều mừng nhất là vợ cũng hồi phục rất tốt, sức khoẻ gần như bình thường sau ca mổ".
Ghép thận khác nhóm máu không hề dễ dàng
Bệnh viện Chợ Rẫy là trung tâm ghép tạng lớn của cả nước nhưng chưa ghép tạng khác nhóm máu, trong khi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều này. Bởi việc ghép không tương thích nhóm máu, nếu không xử lý trước thì bệnh nhân sẽ sốc phản vệ, tử vong ngay.
Theo PGS.TS Thái Minh Sâm, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 300 bệnh nhân đến đăng ký ghép thận nhưng chỉ ghép khoảng 100 trường hợp, vì nhiều lý do như: sức khỏe không đảm bảo, miễn dịch không tốt, không cùng nhóm máu. Để tiến hành ghép thận khác nhóm máu, nhiều năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các bác sĩ ra nước ngoài học tập, đồng thời phối hợp đơn vị lọc máu, trung tâm truyền máu của bệnh viện để xây dựng kế hoạch chi tiết.
Vợ chồng ông Biết ngày xuất viện |
AN MỸ |
“Theo quy trình, để ghép thận không cùng nhóm máu, trước hết các bác sĩ phải ngăn chặn sự tạo ra kháng thể trong máu để tránh thải ghép. Trước đây, việc này được thực hiện bằng cách cắt lách, nhưng hiện chỉ cần dùng thuốc Rituximab. Sau đó, bệnh nhân phải được loại bỏ kháng thể trong máu ở mức tối đa bằng cách lọc huyết tương”, PGS.TS Thái Minh Sâm chia sẻ.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, một ca ghép thận thông thường thì bệnh nhân chỉ cần nhập viện trước 2 ngày để chuẩn bị. Còn vợ chồng ông Biết phải nhập viện trước 2 tuần để lọc huyết tương 3 lần. Mục tiêu của việc lọc huyết tương là lấy kháng thể ra khỏi cơ thể bệnh nhân, nếu lấy được càng nhiều thì ca ghép thận càng thành công.
TS.BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thêm, việc truyền máu đối với bệnh nhân ghép không cùng nhóm máu như vợ chồng ông Biết đòi hỏi chuẩn bị kỹ. Người chồng nhóm máu B, nhưng huyết tương lại chứa kháng thể của cả người vợ nhóm máu A, nên phải chọn loại phù hợp, an toàn để ca mổ thành công, cũng như nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 1 ca ghép thận khác nhóm máu tốn gấp 3 lần so với ghép thận bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân được Bảo hiểm y tế chi trả nên phần chênh lệch phải trả là không nhiều.
Bình luận (0)