Vỏ và ruột

23/06/2017 06:01 GMT+7

Tàu cá vỏ thép là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm hai mục tiêu lớn là kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền trên biển, đã bị người ta thản nhiên đưa đồ giả thế vào.

17 tàu cá vỏ thép tại Bình Định đóng theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ. Ngư dân phải vay tiền ngân hàng (dĩ nhiên sẽ phải trả nợ), còn việc trực tiếp thực hiện hợp đồng là hai công ty đóng tàu, trong đó Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương là những công ty đóng tàu có tên tuổi.
Vậy mà kết quả thẩm định công bố chiều 22.6 cho thấy, trong 17 tàu vỏ thép được hoàn tất và bàn giao cho ngư dân, hầu hết đều là tàu nếu vỏ không đểu thì máy đểu, hay 14/17 tàu có hầm bảo quản đọng nước gây mùi hôi thối, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, có hiện tượng gỉ sét…
Tóm lại, gần như cả 17 tàu vỏ thép này đều có dấu hiệu gian dối, giả trá trong đó. Nhất là cái khoản máy tàu theo hợp đồng là máy nhãn hiệu Mitsubishi 100% mới, nhưng thực chất lại là máy… đểu. Cái ấy mới thậm nguy! Nó “bảo đảm” rằng một khi ngư dân đưa những con tàu này đi đánh cá xa bờ, thì chuyện máy hỏng, tàu trôi dạt trên biển, thậm chí gặp tai nạn là chuyện gần như đương nhiên.
Bây giờ thì công ty đóng tàu đã nhận trách nhiệm, dù có đổ lỗi cho công ty bên cạnh, hay đăng kiểm cũng nhận khuyết điểm do... trình độ am hiểu máy móc còn yếu...
Tàu cá vỏ thép là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm hai mục tiêu lớn là kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền trên biển, đã bị người ta thản nhiên đưa đồ giả thế vào, và hậu quả không chỉ nhà nước mà chính ngư dân phải lãnh đủ.
Cái này không thể nhận trách nhiệm qua loa mà được. Các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ vào cuộc và Chính phủ sẽ phải chỉ đạo xử lý hết sức nghiêm khắc vụ này, nếu không sẽ ảnh hưởng kỷ cương phép nước.
Khi hàng loạt tàu vỏ thép được đóng, không phải ngư dân không lo ngại. Báo chí cũng đã bày tỏ sự không an tâm này, vì trước đó những tấm gương tày liếp Vinashin hay Vinalines còn sờ sờ ra!
Khi sự ăn gian làm dối đã thành một chứng bệnh có nguy cơ nan y, thì mọi sự lo lắng của nhân dân đều có lý do và đều hiểu được.
Nếu ở hai vụ Vinashin và Vinalines trước đó, tiền thất thoát là tiền nhà nước (cũng là tiền đóng thuế của nhân dân), thì ở vụ “tàu vỏ thép Bình Định” này, tiền đóng tàu là mồ hôi nước mắt của ngư dân. Nếu tàu ra khơi gặp sự cố, gặp tai nạn, thì tính mạng ngư dân sẽ lập tức bị uy hiếp. Bấy giờ ai sẽ chịu trách nhiệm? Còn lòng tin của ngư dân, của nhân dân sẽ ra sao sau vụ này?
Khi “vỏ” đểu mà “ruột” cũng đểu luôn, thì phải làm sao đây?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.