Bài thơ "Đánh thức tiềm lực" được thai nghén từ trước năm 1980 và tới năm 1982, khi nó chính thức thành hình, ông mới có dịp đọc tặng cho nguyên Bí thư thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt nghe. Vậy vì sao lại có lời đề từ "Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế”?

Đúng là bài thơ ban đầu không có dòng đề từ đó vì tôi vốn không có thói quen làm thơ tặng lãnh đạo bao giờ, lãnh đạo ai người ta thích cái thứ thơ nặng nề gai góc đó. Nhưng về sau, dòng đề tặng đó đã được thêm vào là để ghi nhớ một kỉ niệm sâu sắc mà tôi từng có với “anh Sáu Dân” 40 năm về trước (1982), lúc ông sắp sửa rời ghế Bí thư Thành ủy TP.HCM để ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đó không chỉ là kỷ niệm với một con người mà còn là một thời không thể nào quên: những năm bản lề trước cánh cửa Đổi mới.

Tôi không viết để tặng, nhưng tôi đọc để tiễn.

Ông từng kể: Khi nghe xong, ông Sáu "như vừa trải qua một cuộc tra tấn". Ông nghĩ, "đòn tra tn" ở đây là gì?

Khoan bàn đến nội dung bài thơ (là cả một khối tâm sự bức bối thời hậu chiến và những vấn đề đặt ra trước yêu cầu bức thiết về Đổi mới), tôi nghĩ đây có lẽ là lần đầu tiên ông Sáu được nghe một cái giọng đọc thơ bỗ bã đến như vậy, xộc thẳng vào tai như vậy, trong khi thường ra người ta hầu hết là chọn những thứ ngợi ca dìu dịu dễ nghe. Ấn tượng ấy mạnh với ông đến nỗi về sau ông rất nhiều lần nhắc lại. Ông thậm chí còn hay gọi đùa tôi là “Chào “ông già Hậu Giang”!” – chính là tên 1 trong 2 bài thơ tôi từng đọc tặng ông trong lần gặp đầu vào mùa hè năm 1981. Sau hai cái lần đọc thơ mà toàn là cái thứ thơ “khó nghe” ấy, phải nói là ông Sáu quý mình lắm. Nhiều chuyện sau này về thế cuộc, ông ấy rất hay gọi điện hỏi tôi, hoặc mời đến nhà, không quên lấy cả sổ ra ghi chép.

Ông Sáu cùng hát "Nối vòng tay lớn" với anh em văn nghệ sỹ bên sông Sài Gòn (1999). TƯ LIỆU

Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây, khi nói về nhà khoa học lỗi lạc và giàu chính kiến Phan Đình Diệu, ông cũng đã hơn một lần nhắc tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Sống đằm mình trong xã hội, và chính bọn mình là tế bào nhạy cảm của xã hội, nên trong cái quan hệ giữa bọn mình và ông Võ Văn Kiệt hồi đó, nó hay lắm. Thời đó có thể nói ông Kiệt là một nhà lãnh đạo thực sự có một nhãn quan chân tình và sâu sắc, nên tất cả những phát biểu, những điều bọn mình nói với ông Sáu Dân, nó cứ thẳng băng". Ông có thể nói cụ thể hơn về cái sự "thẳng băng" này trong những cơ hội tiếp xúc với Thủ tướng, không chỉ bằng thơ?

Lắng nghe sự thật là một nhu cầu rất lớn ở một nhà lãnh đạo gần dân, vì dân như ông Sáu. Như ông từng nói, trước đông đảo văn nghệ sỹ TP.HCM vào năm 1981, khi nhắc tới bài thơ “Bán vàng” của tôi: “Đó là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Cần chân thành nhìn nhận sự thật...". Chính thái độ lắng nghe chân thành, trân trọng ấy của ông mà chúng tôi càng thêm mạnh dạn mở lòng hơn để sự thật đến được gần hơn những nơi cần được nghe thấy nhất, một khi được tạo cơ hội.

Còn nhớ, hồi mới nhậm chức Thủ tướng, trong một lần được ông kéo ra Hà Nội chơi, ông từng hỏi tôi: “Nếu cậu ở vào vị trí của mình, việc đầu tiên cậu sẽ làm gì?”, thì tôi bèn đáp ngay: “Việc đầu tiên là em xin… từ chức”. Là nói tếu táo thế, nhưng quả thật, nhiệm kỳ Thủ tướng của ông rõ ràng là một nhiệm kỳ quá đỗi khó khăn vì có quá nhiều thách thức.

Trước khi chính thức thành lập Tổ Tư vấn kinh tế bao gồm các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước (điều chưa từng có tiền lệ) vào năm 1993 trên cương vị Thủ tướng, ông Sáu thật ra đã từng âm thầm và lặng lẽ cho lập ra một “tổ tư vấn” cho Thành ủy TP.HCM vào những năm trước Đổi mới với tên gọi “Nhóm thứ Sáu”, gồm các chuyên gia kinh tế hàng đầu, trong đó có không ít là những người tài thuộc chế độ cũ…, sâu xa chính là để được nghe nói thật, làm thật…, là tiền đề cho những xé rào nhận thức cũng như xé rào cơ chế sau này.

Năm 1995, đúng vào dịp bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, tôi có một chuyến thăm Mỹ kéo dài trong suốt 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8). Ba tháng tôi kéo vali đi từ bờ Đông sang bờ Tây, tới cả những vùng “chống Cộng”, ở nhà đã có tin đồn “Nguyễn Duy sang bên ấy chiêu hồi rồi”… Vậy mà khi tôi vừa đến nhà, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho mời tôi ra Hà Nội, hẹn tới nhà ăn cơm và nói chuyện trong chừng 1 tiếng. Nhưng cuộc nói chuyện sau đó đã kéo dài… 4 tiếng và trước khi bắt đầu cuộc chuyện, ông ra điều kiện: Cậu chỉ cần kể cho tớ nghe những chuyện tai thấy mắt nghe trong chuyến đi, chỉ cần nói thật; không cần bình luận đúng sai, không cần đưa ra lập trường quan điểm…

Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt cùng nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1982). TƯ LIỆU

Vậy ông đã nói những gì?

Tôi kể cho ông Sáu nghe về cảm xúc đặc biệt của tôi khi ngồi trước Nhà Trắng tại Washington D.C, vào đúng thời khắc lịch sử Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ngày 11.7.1995. Một ngày sau đó, tờ Boston Globe, một tờ báo lớn của Mỹ số ra ngày 12.7.1995 đã đăng ngay trang Nhất bài thơ "Khúc hát hoà bình" của tôi (tựa tiếng Anh được báo Mỹ đặt là: "When the face of hope returns” - Khi gương mặt của hy vọng trở lại). Tôi cũng kể cho Thủ tướng nghe về thái độ đón nhận tin này của một bộ phận người Việt tại Cali, được cho là “chống Cộng”. Những hận thù chinh chiến quả tình không dễ nguôi ngoai khi mất mát đâu phân biệt chiến tuyến. Nhưng tôi cũng nói với Thủ tướng về cái tình dân tộc mãi nằm trong huyết quản của mỗi người Việt cho dù họ ở đâu, thuộc về chính kiến chính trị nào. Và đấy mới chính là cái lõi, cái căn cốt đáng quý, đáng nâng niu nhất ở họ. Chính nhờ chuyến đi đó mà tôi đã rút ra một chân lý rằng: “Kéo dân về với nước là đúng/ Đẩy dân ra xa là sai”.

Trang nhất tờ Boston Globe số ra ngày 12/7/1995 mừng sự kiện Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đăng bài thơ "Khúc hát hoà bình" của nhà thơ Nguyễn Duy (tựa tiếng Anh: "When the face of hope returns” - Khi gương mặt của hy vọng trở lại). TƯ LIỆU

Chưa có cuộc chuyện nào mà ông lắng nghe chăm chú và lâu đến như vậy. Có lẽ một trong những điều mà ông Sáu Dân đau đáu nhất, tôi nghĩ chính là vấn đề hòa giải dân tộc, cả khi chiến tranh những tưởng đã lùi xa.

Về sau này, khi lục tìm những cuốn sổ ghi chép để lại của ba mình, cô con gái Hiếu Dân của ông đã kể cho tôi rằng, có rất nhiều trang là ghi lại những cuộc trò chuyện với tôi, đặc biệt là cuộc chuyện này.

Tròn 40 năm kể từ ngày ông đọc bài thơ "Đánh thức tiềm lực" cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghe. Trong 40 năm đó, theo ông, những tiềm lực đáng kể nào đã được đánh thức, mà người mở đường cho nó – không ai khác – chính là vị độc giả đặc biệt đó?

Những chuyện dám xé rào cơ chế, dám chịu nghe những gì khác đi, và hơn hết là dám hành động quyết đoán - như tôi từng nhận xét về "anh Sáu Dân", người ta cũng đã nói nhiều rồi. Nhưng có chuyện này, chính là điều tôi vừa nói ở trên: sự kiện Bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Trong câu chuyện đó, theo như tôi được biết, ông Kiệt đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Năm 2001, tôi được mời sang đọc thơ ở ĐH Bonn, trường ĐH mang tên thành phố nằm bên bờ sông Rhine, từng là Thủ đô của nước Đức. Khi về đến nơi, gặp lại Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi đã tấm tắc khen với ông về thành phố tuyệt đẹp đó, và những tòa lâu đài cổ kính bên bờ sông… Thì ông mới thủ thỉ kể ở đó, ông đã hơn một lần được Thủ tướng Đức bấy giờ là ông Helmut Kohl mời... chơi tennis tại một toà lâu đài tuyệt đẹp bên bờ sông Rhine, cũng là dịp để hai ông đàm đạo sâu hơn về chính sự thế giới. Trong đó, trọng tâm được Thủ tướng Võ Văn Kiệt hướng đến chính là mong muốn bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Và cuối cùng, kết quả không thể mong đợi hơn của cuộc “ngoại giao tennis” này chính là bức thư của Thủ tướng Đức Helmut Kohl gửi Tổng thống Mỹ Bill Clinton – được cho là một trong những tác động quan trọng đưa tới những bước chuyển thuận lợi cho tiến trình này.

Theo ông, điều gì đã dung hoà được giữa sự quyết đoán và lắng nghe - hai phẩm chất nổi bật ở nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt, khi thường ra, mặt trái của sự lắng nghe (nhất là trong thời buổi thông tin nở rộ) đôi khi là "đẽo cày giữa đường", để khó mà quyết đoán?

Thủ tướng nghe hết, nhưng ông ấy phải lọc chứ! Phải nói ông ấy có một bộ lọc cực tốt, chỉ chọn những người đáng nghe, những tiếng nói đáng nghe và luôn nhận biết rõ ý kiến nào có giá trị. Về bộ lọc của Võ Văn Kiệt mà nói, ông quả thật là người rất nhạy cảm, rất tinh, rất chính xác. Phàm những người mà bọn mình thấy “cà chớn”, khó tin, tưởng đâu là chỉ trong giới, trong làng biết với nhau như thế, nhưng y như rằng ông Sáu không dùng, không chơi, không nghe, không tiếp xúc. Một số anh cố tìm cách lảng vảng, lân la, ông lịch sự từ chối, không tiếp.

Những năm hậu chiến và trước thềm Đổi mới, sở dĩ ông thu phục được cả những trí thức thuộc chế độ cũ chính  là bởi thái độ lắng nghe chân tình của ông, ông nghe là nghe thật, làm thật; là người luôn biết khơi gợi bản tính lương thiện, quân tử nơi người khác; đẩy lùi những nghi ngại, định kiến…

Ông năng động với cái đúng, quyết liệt với cái sai, làm gì cũng nghĩ đến Dân đầu tiên, luôn đặt chữ Dân lên hàng đầu, đúng như tên gọi Sáu Dân của ông và Hiếu Dân – tên con gái ông.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể nơi xây dựng thành phố Vạn Tường (Quảng Ngãi), phục vụ cho khu công nghiệp lọc dầu và cụm cảng Dung Quất - TTXVN

Chính bởi là người biết lắng nghe nên cũng chính con người đó mới có được phẩm cách quyết đoán. Vì cái thái độ lắng nghe của ông Sáu, nó rất là chân tình và giàu thấu cảm. Cũng chính bởi thái độ ấy mà đã khơi dậy ở người nói niềm hứng cảm muốn được nói thật, nói ra bằng hết, cũng lại bằng sự chân tình, thấu cảm, trước ông. Cái sự nghe ấy, sau khi đi qua bộ màng lọc sắc sảo của ông, cộng với những tố chất sẵn có nơi ông, nó đã nhanh chóng được chuyển hóa thành tư tưởng cấp tiến của một nhà lãnh đạo, được ông ứng dụng vào thực tế một cách linh hoạt, thấu đáo, chứ ông không phải nghe chơi, nói chơi. Ông nghe là thấm, nói là làm, và làm là phải làm đến cùng. Tôi được nghe kể lại rằng, trong một cuộc họp do Thủ tướng chủ trì, bàn về xây dựng đường chuyển tải điện 500 kV kết nối Bắc - Nam, trong bối cảnh không ít người bàn ra, Thủ tướng đã ra lệnh: những ai bàn lùi xin mời quay trở ra, còn đã vào đây là bàn để làm, và phải làm bằng được.

Vì sao ông gọi Thủ tướng Võ Văn Kit là "một nhà văn hoá bẩm sinh"?

Sinh trưởng trong một gia đình thuần nông, đông anh em, ông Sáu ngày bé thật ra gần như thất học, tận tới lúc đi đánh giặc còn không biết cái nước Việt Nam ta nó méo hay tròn. Ngay cả ngày sinh của ông là cũng là lấy Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23.11) để khai vào lý lịch. Tới lúc vào bưng biền mới được mấy ông trí thức kháng chiến dạy cho biết này biết nọ. Và sau đó là một hành trình dài tự học, lắng nghe hay quan sát. Ông luôn có ý thức học hỏi. Ông học hỏi cả đời. Nên là, khi gặp ông Sáu, ta sẽ được chứng kiến một con người vừa rất dân dã mà cũng rất lịch lãm; quyết liệt mà từ tốn...

Ông có lối nói chuyện tự nhiên lắm, thủ thỉ mà khúc chiết; là một người kể chuyện tiếu lâm rất thú vị. Một con người mà chữ nghĩa văn minh mạch lạc, đẹp đấy, cho nên sự thu hút của ông ấy là cả về tình về lý, lại vừa có chút gì như nhân điện, từ trường sinh học, là thứ gần như không thể giải thích được…

Chưa cần nói đến những quyết sách lớn lao, mà ngay trong ứng xử với anh em bạn bè, ông cũng rất coi trọng lời hứa, rất văn hóa và lịch lãm. Không bao giờ có cái hẹn nào mà sai; thay vì để thư ký gọi điện, ông sẽ trực tiếp mời. Tới nơi, lúc nào cũng thấy ông đã ăn mặc chỉnh tề ngồi chờ sẵn, không bao giờ để khách phải chờ. Ông đối xử với mọi người đâu ra đấy, nói sao làm vậy, hứa là làm. Một người rất nhớ giữ lời hứa của mình, ấy là ông Sáu Dân.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường cao tốc Láng (Hà Nội) đi Hòa Lạc (Hà Tây) - TTXVN

Sẽ là thiếu sót nếu không nói về phẩm cách văn hóa này ở ông, mà không phải vị lãnh đạo nào cũng có: Ấy là ý thức tôn trọng tiền nhân, tôn trọng những di sản văn hóa mà tiền nhân để lại. Kỉ niệm lớn nhất và sau cùng của tôi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là hồi cùng ông âm thầm chuẩn bị cho hội thảo quốc gia về nhà Nguyễn, một hội thảo mà vì định kiến bấy giờ đã khiến chúng tôi phải bấm bụng chờ đến dịp kỷ niệm 450 năm ngày Nguyễn Hoàng đi mở cõi (1558-2008) thì mới “có cớ” tổ chức được. Mất 10 năm chuẩn bị để cuộc hội thảo được thực hiện vào ngày 18-19.10.2008 tại hội trường UBND tỉnh Thanh Hoá, thì tiếc thay, đến ngày 11.6.2008, ông Sáu mất, bỏ dở dự định sẽ cùng lãnh đạo 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ra dự.

Câu kết bài thơ “Tưởng niệm” (1987) tôi từng viết về vua Duy Tân đã được lấy làm đề từ cho bộ phim tài liệu “Đi tìm dấu tích 3 vua" được trích chiếu tại lễ khai mạc hội thảo nói trên: Mặt trời vẫn mọc đằng đông/ Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người/ Bao triều vua phế đi rồi/ Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”...

Ông cũng là người rất biết quý trọng những sản phẩm văn hóa và hiểu rõ giá trị kết nối của văn hóa. Năm 2008, khi VN giành quyền đăng cai Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, chính ông đã gợi ý cho Thành ủy TP.HCM tái bản lại 2.000 cuốn “Thơ Thiền Lý - Trần” do tôi biên soạn và xuất bản từ 3 năm trước đó để làm quà tặng cho quan khách.

Đây chính là tập sách ông rất tâm đắc. Trước đó, vào tháng 4.2007, tôi đem hơn 100 kg sách thơ Thiền Lý - Trần sang Boston triển lãm (gồm 1 cuốn sách độc bản in bằng giấy dó khổ 81 x 111 cm, nặng 30 kg với 20 trang thơ giấy dó trên gỗ). Trước khi tôi đi, ông Sáu, bấy giờ đã “rũ áo quan”, đến tận nhà tiễn và bắt tôi mở thùng đồ đã đóng gói cẩn thận và nhất quyết bảo: “Cậu phải cho tớ xem trước đã”, để xem bằng được bản in độc đáo này. Tôi nhớ ông bần thần rất lâu trước bài thơ “Quốc tộ” của thiền sư Pháp Thuận, được in đầu cuốn:

Lúc đó, tôi đã thầm hứa khi về nước sẽ in tặng ông bài thơ này trên giấy dó. Nhưng loay hoay quên quên nhớ nhớ chưa kịp làm thì hơn một năm sau ông mất (11.6.2008). Đó là món nợ tinh thần mà tôi không thể trả.


Báo Thanh Niên
20.11.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top