Tầm nhìn chiến lược về đối ngoại
Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nhớ lại vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, diễn biến tình hình trong và ngoài nước đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy nước ta có cơ hội thoát khỏi tình thế bị bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế. Tại một cuộc họp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vấn đề này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi ông Vũ Khoan, khi đó là Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, ra một góc để trao đổi ý kiến. Ông Võ Văn Kiệt đặt vấn đề: Đã có sự nhất trí cao về đánh giá tình hình và chủ trương “phá vây”, song cần tính kỹ bước đi sao cho có hiệu quả nhất.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lý Quang Diệu trong một lần gặp gỡ |
TƯ LIỆU |
Ông Võ Văn Kiệt gợi ý nên áp dụng chiến thuật “hoa sen nở”, đi từ trong ra. Theo đó, trước hết cần cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á vốn có lợi ích sát sườn trong quan hệ với ta, đi đôi với việc bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là Trung Quốc. Từ đó tạo ra thế mới để cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand; tiếp đó vươn sang vòng cung xa hơn là châu Âu.
Theo Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thành công của những bước đi ấy sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận nước ta.
“Thật tình tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề mang tính chiến lược như vậy của anh Sáu - một người vốn chưa hoạt động đối ngoại nhiều. Càng về sau tôi càng nghiệm thấy rõ bằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và chỉ đạo chiến tranh đã hun đúc trong anh tầm nhìn chiến lược cả về đối ngoại”, ông Vũ Khoan nhớ lại.
Sau đó, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu đã lần lượt thăm các nước trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đặt nền móng cho việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28.7.1995. Ông Võ Văn Kiệt cũng là Thủ tướng Việt Nam đầu tiên thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…
Ông Vũ Khoan kể, cũng như chỉ đạo các công việc chung, một khi đã xác định mục tiêu chiến lược thì ông Võ Văn Kiệt rất quyết đoán, không quá băn khoăn những khía cạnh tiểu tiết. Giữa những chuyến thăm các nước Đông Nam Á, có lần ông Lê Văn Triết (Tư Triết), nguyên Bộ trưởng Thương mại lúc đó, có việc quá cảnh Singapore bỗng nhiên được Phó thủ tướng đương nhiệm là ông Lý Hiển Long tiếp và ngỏ ý sẵn sàng đón đoàn Việt Nam. Ông Triết gọi điện cho ông Vũ Khoan thông báo việc này, đề nghị cho ý kiến ngay để trả lời phía bạn. Khi ông Vũ Khoan gọi điện xin ý kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã chỉ thị: “Cứ nhận lời, thủ tục nội bộ sẽ thu xếp sau”.
Việc Việt Nam quyết định gia nhập ASEAN, với ông Vũ Khoan, cũng mang theo “dấu ấn” đáng nhớ với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Lúc bấy giờ, mình cũng đánh tín hiệu rồi, ông Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) cũng nói rồi, ông Thạch (nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch) cũng nói rồi, có thể xem xét nhưng đến khi thảo luận tập thể lại không nhất trí. Đến khi họ họp hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Bangkok (Thái Lan) bàn chuyện kết nạp Việt Nam thì ông Nguyễn Mạnh Cầm là Bộ trưởng Ngoại giao đi sang Thái Lan dự, tôi là Thứ trưởng ở nhà còn tham gia họp với Thường trực Bộ Chính trị để thống nhất ý kiến”, ông Vũ Khoan kể.
Khi đó, do ý kiến còn chưa thống nhất, Tổng Bí thư Đỗ Mười giao ông Vũ Khoan vào hỏi ý kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang họp trong TP.HCM. “Tôi bay vào gặp ông, ông nhìn thấy tôi hỏi: Có việc gì gấp dậy (vậy)?”. Nghe tôi trình bày, ông nói: Tao đã bảo từ lâu rồi, không gia nhập đi còn ý kiến gì mà cứ hỏi mãi”, ông Vũ Khoan kể. Sau đó, ông điện ra Hà Nội báo ý kiến của ông Võ Văn Kiệt rồi bay sang Bangkok.
“Khi đó Tổng Bí thư Đỗ Mười bảo hỏi ý kiến anh Sáu Dân xong thì điện cho tôi biết để tôi quyết định. Đến giờ chót thì ông quyết định đồng ý gia nhập”, ông Vũ Khoan kể.
Cuộc gặp khó quên với ông Lý Quang Diệu
Một chuyện khác ông Vũ Khoan vẫn nhớ liên quan cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông Vũ Khoan kể, vào năm 1999, cuộc đàm phán về việc ta gia nhập WTO đã hoàn tất, dự định sẽ ký ở Auckland (New Zealand) nhân Hội nghị cấp cao APEC đang tổ chức tại đây, song bị hoãn do ta vẫn còn băn khoăn về một số điểm. Sang năm 2000, khi trở thành Bộ trưởng Thương mại, nhiệm vụ được giao cho ông Vũ Khoan là “thu xếp để ký hiệp định gia nhập WTO”.
Trong buổi tiệc, ông Kiệt đứng lên và đi lại chỗ tôi, ôm quàng lên hai khuỷu tay tôi và hỏi liệu có thể giúp Việt Nam không? Tôi hỏi bằng cách nào? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế của họ. Tôi lặng người đi.
“Trước khi khăn gói lên đường sang Washington, Mỹ, tôi phải xin ý kiến lãnh đạo. Anh Lê Khả Phiêu, lúc này là Tổng Bí thư, yêu cầu tôi xin thêm ý kiến các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành T.Ư: Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Khi gặp ông Sáu Dân, tôi định trình bày các phương án cụ thể để giải quyết từng điểm còn lại thì ông ngắt lời, nói: Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định này đối với quan hệ quốc tế của nước ta và việc mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, còn những điểm cụ thể các anh tự lo liệu rồi xin ý kiến quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Vũ Khoan nhớ lại.
Sự cởi mở và tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ trong hồi ức của những lãnh đạo trong nước từng làm việc với ông. Trong cuốn hồi ký Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng kể lại lần gặp gỡ và những ấn tượng khó quên của ông với vị Thủ tướng Việt Nam.
Lần đầu ông Lý Quang Diệu gặp ông Võ Văn Kiệt là vào năm 1990, tại hội nghị Davos, Thụy Sĩ. Cuộc gặp ngắn ngủi này được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mô tả lại là để lại nhiều ấn tượng tốt cho ông và những gì thảo luận trong cuộc gặp đó đã trở thành hiện thực.
Một năm sau, vào năm 1991, ông Võ Văn Kiệt thăm Singapore trên vai trò lãnh đạo Chính phủ. Trong bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi, ông Võ Văn Kiệt đã cho biết, Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Và để tiếp tục đổi mới, ông nhấn mạnh Việt Nam chủ trương phát huy các nguồn lực của chính mình; đồng thời tăng cường hợp tác với tất cả các nước, đặc biệt là những nước ở Đông Nam Á, trong đó có Singapore. “Con đường phát triển của Singapore đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia trong khu vực. Việt Nam mong muốn trao đổi với Singapore về kinh nghiệm phát triển đất nước”, ông Võ Văn Kiệt nói trong bài phát biểu.
Ông Lý Quang Diệu mô tả trong cuốn hồi ký không khí buổi gặp gỡ ở Singapore thân tình hơn hẳn buổi gặp ngắn ngủi ở Davos. “Mặc dù khi đó tôi không còn là thủ tướng nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau trong buổi quốc tiệc do người kế nhiệm tôi là Goh Chok Tong chủ trì. Trong buổi tiệc, ông Kiệt đứng lên và đi lại chỗ tôi, ôm quàng lên hai khuỷu tay tôi và hỏi liệu có thể giúp Việt Nam không? Tôi hỏi bằng cách nào? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế của họ. Tôi lặng người đi”.
Trả lời câu hỏi của ông Võ Văn Kiệt, ông Lý Quang Diệu khiêm tốn cho rằng mình có kinh nghiệm quản lý một quốc đảo đô thị chỉ bằng một thành phố, cả về dân số lẫn diện tích, chứ không phải một đất nước bị tàn phá nhiều năm do chiến tranh.
Sau nhiều lần trao đổi qua thư từ, năm 1992, ông Lý Quang Diệu đã đến thăm Việt Nam. Trong hồi ký, ông Lý Quang Diệu cũng ghi lại rằng: “Tôi đồng ý đến thăm Việt Nam nhưng không phải với tư cách cố vấn mà muốn cùng thảo luận với họ, tập trung trí tuệ để tìm ra hướng chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường”. Trong chuyến đi, ông Lý Quang Diệu đã dành cả ngày cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các bộ trưởng để thảo luận và lắng nghe về các định hướng phát triển, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mở cửa với những suy nghĩ mới mẻ. (còn tiếp)
Võ Văn Kiệt - Người tiên phong
Bình luận (0)