Võ Văn Kiệt - Người tiên phong: Nhân tâm thu về một mối

16/11/2022 06:01 GMT+7

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng , ông Võ Văn Kiệt là người chủ trương và hành động không ngừng nghỉ cho sự nghiệp đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh đánh đuổi kẻ thù là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn để giành chiến thắng. Thời kỳ đất nước thống nhất, tư tưởng đại đoàn kết, hòa hợp cũng có vai trò to lớn trong việc cố kết dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước.

Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc, nước ta luôn bị các thế lực ngoại xâm xâm chiếm và chia cắt. Sự chia cắt lãnh thổ, khác biệt chế độ chính trị dẫn đến chia cắt lòng người. Sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước đòi hỏi phải tập hợp, đoàn kết tất cả các lực lượng, thu nhân tâm về một mối, người lãnh đạo phải có cái nhìn cởi mở và một thái độ chân thành thì mới thực hiện được.

Trọng dụng chuyên gia chế độ cũ

Giai đoạn từ sau năm 1975 cho đến khi nghỉ công tác, ông Võ Văn Kiệt từng giữ những chức vụ quan trọng: Chủ tịch UBND TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó chủ tịch rồi Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ và đến năm 1997 là Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, ông Võ Văn Kiệt là người chủ trương và hành động không ngừng nghỉ cho sự nghiệp đoàn kết, hòa hợp dân tộc - một công việc cũng không kém phần khó khăn, đòi hỏi quyết tâm cao và sự kiên trì.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi thân mật với các trí thức Việt kiều

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Đối với những nhân sĩ, trí thức đi theo cách mạng trong kháng chiến và những trí thức, chuyên gia của chế độ cũ, ông Võ Văn Kiệt luôn thấu hiểu và quan tâm đến họ. Sau năm 1975, một số trí thức miền Nam còn ở lại với đất nước. Trong thời gian làm Chủ tịch UBND TP.HCM cũng như khi giữ vị trí cao là Thủ tướng Chính phủ, ông Võ Văn Kiệt luôn thể hiện thái độ coi trọng trí thức, và khi có điều kiện là ông tập hợp họ xung quanh mình, sử dụng họ như những chuyên gia phục vụ cho công cuộc đổi mới.

GS-TS Nguyễn Xuân Oánh là một chuyên gia của chế độ VNCH, lúc sinh thời, từng nói về ông Võ Văn Kiệt như sau: “Những năm sau giải phóng, nếu không phải là anh tại thành phố này, thì làm sao cái xã hội ly tán thời hậu chiến có thể ổn định, lòng người được thu phục và nền kinh tế nhiễu nhương lại tồn tại được… Không những anh cho người ta cái cảm tưởng thân phận của họ không bị bỏ quên, họ đứng trước bế tắc không bị bỏ rơi, mà còn đem lại sự yên tâm và lối thoát.Những người trí thức của chế độ cũ ở lại miền Nam sau ngày giải phóng như các ông bà Ngô Viết Thụ, Bùi Thị Lang, Bùi Văn Hinh… đều bày tỏ sự trìu mến, sự “yên tâm” cộng tác với chế độ mới qua một người lãnh đạo như “Anh Sáu”.

Là một chiến sĩ cách mạng vào sinh ra tử trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông Võ Văn Kiệt hiểu hơn ai hết về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Ông viết: “Vào đầu năm 1942, Bác Hồ đã viết: “Sử ta đã dạy cho ta bài học này: Lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, khi nào nhân dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi””.

Ông Võ Văn Kiệt luôn suy nghĩ và hành động cho việc tập hợp lực lượng đoàn kết dân tộc. Ông khẳng định: “Đất nước Việt Nam, giang san Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam… Mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó”.

“Muốn thế, cần ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp”. Cho đến những ngày cuối đời, ông Võ Văn Kiệt luôn coi nỗi đau, mất mát của dân tộc như nỗi đau của chính gia đình mình. Ông luôn trăn trở làm sao để nhân tâm thu về một mối, cả dân tộc là một, cùng chung sức đưa vị thế của dân tộc ngang với các dân tộc trên thế giới.

Lắng nghe và quan tâm sâu sắc đến kiều bào

Với Việt kiều ở nước ngoài và những người còn bất đồng chính kiến, ông Võ Văn Kiệt cũng luôn quan tâm. Ông luôn mở rộng tấm lòng với bà con Việt kiều ở nước ngoài, chia sẻ hướng tới hòa hợp dân tộc. Ông thường trăn trở, suy nghĩ về lằn ranh ngăn cách giữa người Việt Nam ở hai bên bờ cuộc chiến, sau hàng chục năm vẫn còn đó.

Ông đã mạnh dạn viết lên những lời tâm huyết tự đáy lòng mình về hậu quả cuộc chiến tranh khốc liệt giải phóng dân tộc, đó là “có hàng triệu người vui nhưng cũng làm cho hàng triệu người buồn”. Theo ông, để thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, trước hết phải lắng nghe và quan tâm sâu sắc đến kiều bào ta ở nước ngoài. Ông đã thấu hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của những người phải bỏ Tổ quốc ra đi.

Trên cương vị Thủ tướng, trong một chuyến thăm Úc, mặc dù có một số phần tử có ý định biểu tình rầm rộ để chống phá, khi được báo cáo, ông Võ Văn Kiệt vẫn rất bình tĩnh và cho rằng đó chỉ là thiểu số nhỏ. Buổi chiêu đãi của Thủ tướng Úc có rất đông Việt kiều tham dự. Với thái độ chủ động, cởi mở, thân thiện, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã xóa tan sự e dè, giữ kẽ ban đầu của bà con, thay vào đó là cuộc chuyện trò rôm rả, thân mật như người thân lâu ngày mới gặp nhau.

Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, kể lại: khi chuẩn bị bài phát biểu cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc gặp gỡ kiều bào tại TP.HCM năm 1993, một vấn đề đặt ra là kiều bào ta yêu nước, muốn đóng góp xây dựng đất nước nhưng không yêu CNXH thì vấn đề đoàn kết như thế nào? Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trả lời ngay là “Đoàn kết chứ, mà phải đoàn kết thực lòng”. Với quan điểm dứt khoát và lý giải thuyết phục, “diễn văn của Thủ tướng được đông đảo kiều bào ngồi kín hội trường Dinh Thống Nhất vỗ tay nhiều đoạn, trong đó đoạn nói về đoàn kết, hòa hợp dân tộc được vỗ tay nhiệt liệt kéo dài, chứng tỏ đây là điều mà kiều bào đang mong đợi”.

Theo ông Võ Văn Kiệt, lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc là tập hợp mọi người Việt Nam hướng vào mục tiêu thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội do nhân dân làm chủ. Yêu nước, đoàn kết, hòa hợp dân tộc là chung lòng, chung sức phấn đấu theo mục tiêu đó, vượt lên trên sự khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ kiều bào tại Hội trường Thống Nhất, năm 1993

“Ông là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một cống hiến to lớn của ông trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2009 đã viết như thế về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhân giỗ đầu của nhà lãnh đạo tài năng, suốt đời vì nước vì dân.

“Ông mang lại cho đồng bào ta gồm cả những người trước đây ở phía bên kia chiến tuyến, lời kêu gọi đồng thuận, hướng về phía trước, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tất cả vì một Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Ở đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đại đoàn kết dân tộc xuất phát từ niềm tin sâu sắc: Yêu nước không là độc quyền của riêng ai; Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cho rằng đoàn kết có nghĩa là chung lòng chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, vượt lên những sự khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến”, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết thêm.

Võ Văn Kiệt - Người tiên phong

Lãnh đạo đất nước cải cách và hội nhập

‘Khai sinh’ nhà máy lọc dầu Dung Quất

'Hoa sen nở' mở cánh cửa ra thế giới

Tiên phong trong ‘phá vây’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.