‘Với Cần Giờ, TP.HCM sẽ là cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam’

30/11/2022 12:14 GMT+7

TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng quốc tế trong chuỗi đô thị biển Đông Nam Á thông qua phát triển đô thị xanh biển Cần Giờ.

Báo cáo tại Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 sáng nay 30.11, lãnh đạo TP.HCM cho biết TP.HCM là một đô thị đặc biệt, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, giúp mang lại sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, nắm giữ vị trí “đầu tàu”, tạo động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam...

Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 diễn ra sáng nay 30.11, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì

nhật bắc

Xét trong liên kết vùng, khu vực, xu hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế dịch vụ đã tạo điều kiện cho các thành phố lớn có vai trò dẫn dắt. Các ngành công nghiệp nặng, ô nhiễm có xu hướng được di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn và thay thế bằng công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ.

Tỷ trọng khu vực kinh tế dịch vụ hiện là 40 - 45% sẽ tăng lên và tăng nhanh ở các trung tâm quy mô lớn như TP.HCM (từ 60% lên 65%), tiệm cận với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn có tỷ trọng khu vực dịch vụ (trên dưới 60%).

Kinh tế TP.HCM còn gắn kết với tiềm năng lớn trong liên kết phát triển kinh tế biển. Năm 2020, thành phố chiếm hơn 37% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 25% tổng FDI các tỉnh, thành ven biển và gần 11% cả nước.

“TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với khu vực biển Cần Giờ”, báo cáo của TP.HCM nêu.

Kẹt xe, ngập nước

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị trong thời gian qua cũng để lại nhiều tồn tại, hạn chế cho TP.HCM như tình trạng kẹt xe, ngập nước, các hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch; quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành. Các bài toán, giải pháp để triển khai các chương trình về nhà ở (nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân thuê, nhà ở ven kênh rạch, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ…) còn chậm.

Về mục tiêu định hướng, TP.HCM sẽ trở thành đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Để thực hiện được điều này, TP.HCM đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phối hợp và phát huy nguồn lực đầu tư và phát triển đô thị, trong đó điều chỉnh, bổ sung, cập nhật những nội dung đặc thù của TP.HCM về quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chỉ tiêu xây dựng.

Đổi mới cách tiếp cận quy hoạch đô thị từ mô hình chỉ dựa trên các con số chỉ tiêu quy hoạch hay kế hoạch dài hạn khó đạt trong điều kiện hạn chế về nguồn lực đầu tư, sang quản lý theo mục tiêu phát triển bền vững với chiến lược và giải pháp phân kỳ đầu tư, với nguồn lực hiện có và đảm bảo tính khả thi khi đạt được từng bước những chỉ tiêu dài hạn.

Cần Giờ là đô thị biển chiến lược trong quá trình tiến biển của TP.HCM

ngọc dương

Tập trung hoàn thành Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, hoàn thành quy hoạch không gian ngầm, đẩy mạnh thiết kế đô thị toàn diện, đồng bộ khu trung tâm thành phố, khu đô thị mới và các khu đô thị hiện hữu...

Đẩy nhanh công tác tham mưu, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; định hướng phát triển TP.Thủ Đức phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của TP.HCM và vùng TP.HCM.

Xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển các khu ở đô thị hiện đại, khuyến khích và thiết lập sự tham gia của cộng đồng vào trong các công cụ quản lý về quy hoạch. Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện chương trình phát triển nhà ở theo kế hoạch đã đề ra đối với nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch…

Xây dựng hạ tầng giao thông kết nối

Điều chỉnh quy hoạch và định hướng phát triển giao thông công cộng theo mô hình TOD (định hướng phát triển đô thị khai thác năng lực vận tải của hệ thống giao thông công cộng) giúp giảm phát thải và sử dụng tiết kiệm quỹ đất.

TP.HCM cũng đặt mục tiêu làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong Vùng triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị TP.HCM, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Nha Trang - TP.HCM và đoạn TP.HCM - Cần Thơ.

Hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. TP.HCM sẽ tập trung xây dựng nút giao thông An Phú, nối các đoạn của Vành đai 2 và cùng với Đồng Nai nghiên cứu các cầu nối Q.7, TP.Thủ Đức với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía đông.

Đồng thời, xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” nhằm khai thác cao nhất vai trò của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ, bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.