Nhà nước vừa ra một dự thảo dự án là sẽ dành 12.000 tỉ để đào tạo 9.000 tiến sĩ trong vòng một số năm. Dự thảo dự án tạo dư luận lớn, và nổi lên hai câu hỏi sau: (1) Chúng ta có cần thêm 9.000 tiến sĩ? (2)Nếu câu trả lời là có, làm thế nào để đầu tư một cách hiệu quả?
Theo tôi, câu trả lời cho (1) là có. Nếu Việt Nam muốn nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng nghiên cứu khoa học nói chung, thì cần thêm rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ có trình độ quốc tế.
Câu thứ hai mới là khó. Một lẽ là chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước gần đây là vấn đề nóng, vì sự thật hiển nhiên là một số rất lớn tiến sĩ được đào tạo ra còn xa mới đạt chuẩn quốc tế. Nhưng nếu gửi cả đi nước ngoài, thì xem ra lại không đủ tiền. Một số người chỉ ra phí đào tạo một tiến sĩ tại môt trường tương đối tốt tại Âu-Mỹ chừng 200.000 - 300.000 USD, tức là cỡ 5,6 tỉ môt người, mà khoản tiền nghìn tỉ kia chia đều ra mỗi tiến sĩ tương lai chỉ được 1.3 tỉ.
tin liên quan
Nghịch lý 2000 USD và 150 USD/tháng"Với câu hỏi là có nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay không, thì câu trả lời là không. Ít nhất không phải ở quy mô như chúng ta đang nghe nói", giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ.
Cảm tường của tôi về vấn đề này như sau. Thứ nhất, không nên đem hết tiền cho sinh viên làm bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Lý do chính là các nghiên cứu sinh, nếu được một trường tương đối danh tiếng nhận học, thường được học bổng của trường, và được thầy giáo giao làm các công việc nghiên cứu hay giảng dậy có lương. Nếu ai đó được nhận làm bằng tiến sĩ tại một đại học nào đó chỉ vì anh ta trả đủ số tiền đại học đó đòi hỏi, ta rất nên đặt câu hỏi về chất lượng của đại học này. Lý do thứ hai, theo thống kê, số lượng tiến sĩ loại giỏi tốt nghiệp ở nước ngoài về Viêt Nam là không nhiều.
Vây số tiền to kia, sẽ chia cho các tiến sĩ làm luận án trong nước? Câu trả lời cũng là không nốt. Với chất lượng chung tiến sĩ được đào tạo như hiện nay, bạn sẽ lắc đầu ngao ngán là dù có thêm 9.000, hay 90.000 người, thì cũng vậy thôi.
Phải chăng nên dùng phần lớn tiền ấy không phải cho các tiến sĩ, mà đầu tư vào các giáo sư? Một sự thật hiển nhiên là chất lượng của tiến sĩ phụ thuộc phần nhiều vào người thầy của họ. Một số luận án được phản ánh trên báo chí, sẽ không thể tồn tại dưới sự hướng dẫn của một giáo sư nghiêm túc. Ngoài ra, người làm luân án tiến sĩ, khi mới vào trường, thường hoàn toàn không biết nghiên cứu khoa học là gì. Điều này đúng với cả các đại học quốc tế. Thái độ và chuẩn mực của anh ta đối với việc nghiên cứu, hoàn toàn là ảnh hưởng từ người thầy và môi trường nghiên cứu xung quanh. Việc rất nhiều tiến sĩ còn xa mới đạt chuẩn quốc tế, hay thậm chí không biết việc nghiên cứu khoa học thật sự là như thế nào, phản ánh một sự thật đáng buồn về sự cẩu thả và thiếu sót về chuyên môn của những người hướng dẫn họ.
Đội ngũ các giáo sư giỏi, có kiến thức và thật sư yêu nghề ở Viêt Nam không nhiều. Và đáng tiếc, họ không phát huy được hết khả năng, vì điều kiện làm việc khá vất vả. Số giờ dậy ở các trường đại học rất cao và kinh phí làm nghiên cứu hạn hẹp. Một giáo sư giỏi có thể cùng lúc hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, vì họ cập nhật được các vấn đề nghiên cứu "nóng" trên thế giới. Nếu một giáo sư như vậy được trao một khoản kinh phí đáng kể, để họ có thể tăng thu nhập, giảm giờ dậy, mua sắm thiết bị, tham gia hội thảo quốc tế để trau dồi kiến thức, dám chắc hàng năm có thể cho ra lò đều đều 1 - 2 tiến sĩ với chất lượng hơn hẳn.
Nói nôm na, muốn sản xuất công nghiệp ta cần đầu tư máy mẹ thật tốt, hay muốn tăng gia, cần có lợn giống thật khoẻ. Việt Nam hiện cũng không có chính sách gì cụ thể để mang về các nhà nghiên cứu tầm cỡ từ nước ngoài, điều mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm từ rất lâu. Nhiều tiến sĩ đào tạo từ hai nước này đã đủ trình độ cạnh tranh vào các trường đại học tại Mỹ, nếu họ muốn.
Bình luận (0)