'Với chính sách đặc thù, kỳ vọng TP.HCM đi trước, về trước chứ không về sau'

08/06/2023 17:38 GMT+7

Đại biểu kỳ vọng với những chính sách đặc thù lần này, TP.HCM phải đi trước, về trước chứ không phải TP.HCM đi trước, về sau, làm sao cho những chính sách đưa ra thực sự khả thi trong quá trình thực hiện.

Chiều 8.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Không chỉ đặc thù, vượt trội mà phải đặc biệt, vượt trước

'Với chính sách đặc thù, kỳ vọng TP.HCM đi trước về trước chứ không về sau' - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu ý kiến thảo luận

GIA HÂN

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, TP.HCM là đô thị loại đặc biệt nên "không chỉ cần cơ chế đặc thù mà phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế vượt trước để TP.HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng đi trước mở đường, đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới".

Theo ông Mai, có thể coi TP.HCM như trung tâm thực hành, thực nghiệm thí điểm những vấn đề mới để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa thật đúng, thật rõ, chưa thật chín trong điều kiện nước ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa…

Đại biểu Mai nhấn mạnh với nghị quyết lần này, khi được Quốc hội thông qua, ông có niềm tin đảng bộ, chính quyền nhân dân TP.HCM sẽ sớm hiện thực hóa một cách sinh động, hiệu quả quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào thực tiễn cuộc sống, để "hòn ngọc Viễn Đông" luôn và mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới, ngày càng rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn…

Góp ý trực tiếp vào các chính sách đặc thù cho TP.HCM trong dự thảo nghị quyết, ông Mai cho rằng, quy định HĐND TP.HCM được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) là chưa đủ.

Theo ông, HFIC với vai trò cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, trong khi nhu cầu lĩnh vực ưu tiên là rất lớn, đề nghị cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù nguồn tài chính cho HFIC, như phát hành trái phiếu quốc tế, ưu tiên đầu tư cho một số chương trình, dự án như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập…

Đại biểu Quốc hội: 'Với chính sách đặc thù, chúng tôi kỳ vọng TP.HCM đi trước, về trước'

Đề nghị cho TP.HCM thực hiện chính sách đặc thù tới 2030

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết chưa bao quát hết các lĩnh vực phát triển mang tính đặc thù của thành phố trong giai đoạn phát triển hiện nay và trong tương lai, đặc biệt là vai trò của thành phố trong tương lai và hướng tới phát triển "vượt trội", là hạt nhân tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và cả nước đến năm 2030.

'Với chính sách đặc thù, kỳ vọng TP.HCM đi trước về trước chứ không về sau' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) thảo luận tại hội trường chiều 8.6

GIA HÂN

Ông Đồng kiến nghị cần tính toán thời gian thực hiện nghị quyết nên kéo dài hay chỉ hạn chế trong thời gian 5 năm?

"Thời gian thực hiện Nghị quyết 54 trước đây quy định là 5 năm nhưng với thời gian như vậy, các nội dung đều chưa đạt được. Dự thảo lần này thực chất là thực hiện tiếp Nghị quyết 54 và có thêm một số chính sách, cơ chế đối với một số lĩnh vực khác. Vậy câu hỏi đặt ra là, tiếp tục thực hiện trong 5 năm tới liệu có khả thi? Theo tôi là phải trong thời gian từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông Đồng nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) nói rất tán đồng với các chính sách đặc thù, vượt trội dành cho TP.HCM.

"Với những chính sách đặc thù lần này, chúng tôi rất kỳ vọng TP.HCM phải đi trước, về trước chứ không phải TP.HCM đi trước, về sau. Làm sao cho những chính sách đưa ra thực sự khả thi trong quá trình thực hiện", đại biểu nói.

Đại biểu Sơn cũng nhìn nhận thời gian dành cho 5 năm thí điểm như dự thảo nghị quyết là quá ngắn, trong bối cảnh hiện nay quy hoạch của các tỉnh, thành và quốc gia chưa hoàn thiện.

"Nếu TP.HCM ban hành và thực hiện ngay chính sách này thì chúng ta hiểu rằng TP.HCM được phép làm các dự án chưa được phê duyệt trong quy hoạch. Nếu được thì có thể chúng ta giao cho TP.HCM trùng khớp với thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, nghĩa là chính sách này kéo dài đúng kỳ quy hoạch đến 2030, để những cái đang dang dở, đang dự kiến làm thì đến cuối kỳ quy hoạch chúng ta sẽ tổng kết", ông Sơn kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.