Tham dự nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, nhất là những điểm nóng như Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), Khu công nghệ cao TP (Q.9, TP.HCM), tôi cảm nhận những góp ý chân thành, bao gồm cả bức xúc của người dân dường như không có điểm dừng. Ngoài chuyện bức xúc cá nhân do bồi thường không thỏa đáng thì nhiều cử tri không ngại “chỉ mặt đặt tên” nhiều lãnh đạo giàu lên bất thường, không loại trừ dính đến tham nhũng. Những tên tuổi đó có thể chưa được các cơ quan thanh tra, kiểm tra “đụng” tới, hoặc đã “sờ gáy” mà chưa công bố cho dư luận, người dân chưa được biết. Nhưng không vì vậy mà người dân chấp nhận ngồi chờ bởi những khiếu nại dai dẳng suốt hàng chục năm qua sẽ không thể xảy ra nếu cán bộ làm việc công tâm, minh bạch.
Có một thực tế không thể chối cãi là nhiều vụ việc quan chức sai phạm được phơi bày từ những lá đơn tố cáo của người dân, thậm chí là công khai trước những buổi hội họp, tiếp xúc, đối thoại. Như ở Thủ Thiêm, từng trang hồ sơ, tài liệu trong hơn 20 năm được người dân sắp xếp rành mạch để khi nhìn vào, những ai chưa tìm hiểu cũng có thể hiểu được vấn đề. Trong hồ sơ đó còn nguyên chữ ký của những cá nhân liên quan, kể cả cán bộ về hưu lẫn đương nhiệm.
Cũng tại các buổi tiếp xúc cử tri, tôi thấy các đại biểu Quốc hội chăm chú lắng nghe, miệt mài ghi chép những ý kiến cử tri và giải đáp thấu tình, đạt lý trong chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, đằng sau những bức xúc của mình, cử tri luôn trông chờ câu hỏi từ các đại biểu Quốc hội rằng: “Cô bác thấy ai giàu lên bất thường, cứ nói với chúng tôi” để họ vơi bớt những bức xúc, khổ sở chồng chất nhiều năm. Các đại biểu hãy thử một lần gợi mở để lắng nghe người dân điểm danh những kẻ tham nhũng đang lẩn khuất trong bộ máy chính quyền.
Với dân, đừng ngại!
Bình luận (0)