[VIDEO] CÚP VÀNG THUỘC VỀ NGƯỜI HÂM MỘ VIỆT NAM
|
Thú thật, chính người viết bài này cũng nằm trong số những người “ngờ ngợ” và... nghi nghi khi ấy. Nhưng bây giờ, cái nhìn về ‘thầy Park’ đã khác lắm!
Tôi còn nhớ, trong lễ nhậm chức khi “thầy Park” hào hứng công bố mục tiêu “đưa đội tuyển Việt Nam vào tốp 100 thế giới”, trong khán phòng đã có nhiều tiếng cười.
Họ cười, vì nào phải đội tuyển chưa từng vào “tốp 100” (chính xác thì vị trí của cao nhất đội tuyển Việt Nam trong bảng xếp hạng FIFA là hạng 84 cách đó 19 năm). Vả chăng cái bảng xếp hạng ấy bấy lâu nay vẫn chỉ mang tính tham khảo, không thể xem là căn cứ chính xác cho sự tiến bộ của một đội tuyển quốc gia.
Chỉ 1 năm và 1 tháng sau lời tuyên bố ấy, đội tuyển Việt Nam đã vào tốp 100 thật. Xin nhấn mạnh là “đội tuyển Việt Nam”, nghĩa là thành quả ấy vốn không tính kết quả của U.23 dự VCK châu Á hay “U.23 + 3” dự ASIAD 18 mà chỉ trong khuôn khổ các trận đấu của đội tuyển quốc gia (không giới hạn độ tuổi). Một phần nguyên nhân đến từ chuỗi trận bất bại của đội tuyển thời gian qua, trong đó có toàn bộ các trận đấu tại AFF Suzuki Cup này.
Cho tới trước khi hoàn thành “mục tiêu tốp 100” ấy, HLV Park Hang-seo đã giúp đội tuyển U.23 “lột xác”, một thành phần từng tưởng như suy sụp sau thất bại cay đắng tại SEA Games 29, lập kỳ tích á quân châu lục; sau đó vẫn nòng cốt ấy làm nên chiến công vào bán kết ASIAD18, để rồi tiếp tục là bộ khung của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018!
Thầy Park đã đem đến rất nhiều điều mới mẻ và tích cực về chuyên môn, điều ấy đã quá rõ ràng, được phân tích cụ thể và chi tiết trên các phương tiện truyền thông, bởi các chuyên gia bóng đá cũng như báo chí suốt thời gian qua.
Ở đây, tôi chỉ muốn đề cập tới khía cạnh khác. Vai trò của ông không chỉ đơn thuần là người “chỉ đường, soi lối” trong các buổi tập, mà hơn thế, đích thực là một “thủ lĩnh tinh thần”. Chính ông đã hun đúc nơi các học trò của mình cái hào khí mà sau SEA Games 29 tưởng đã thui chột. Ông đã giúp họ vực dậy niềm tin!
Kỳ tích là đây! Độc Lập
|
Với các cầu thủ, thầy Park như một người cha. Hình ảnh về những cử chỉ thân mật, rất đỗi gần gũi của ông khiến khoảng cách giữa một vị “tướng” với “quân lính” gần như không còn.
Với họ, thầy Park là một chỗ dựa tinh thần to lớn. Trả lời truyền thông, ông không bao giờ “bắt lỗi” cá nhân một cầu thủ nào (tất nhiên, trong cuộc họp nội bộ đội thì khác). Những hình ảnh như xoa đầu các cầu thủ, chụp ảnh selfie với họ trên máy bay, ngồi trò chuyện như cha con với học trò, đặt bàn tay lên ngực trái khi quốc thiều Việt Nam được cử lên, ăn mừng cực kỳ sinh động sau mỗi bàn thắng trên đường piste hay gần như trốn sau khu kỹ thuật vì quá căng thẳng lúc đội nhà thực hiện loạt sút luân lưu... Tất cả đều đem lại cái nhìn về một người đàn ông không chỉ giỏi về chuyên môn, rất đỗi hiền hòa, tâm huyết và trách nhiệm với công việc, mà còn thật dễ thương, và cũng rất đỗi... Việt Nam!
Thầy Park chẳng hề nói chơi, ông đã “nói đi đôi với làm” thật sự, và làm hết sức mình, bằng tất cả nhiệt tâm và trí tuệ của mình!
Để hiểu các học trò, ông đã trước hết giúp họ hiểu mình. Và để truyền cho các cầu thủ những ý tưởng chuyên môn (cũng như sự tự tin trong thi đấu), ông đã trước hết hòa mình với họ - những người trẻ có tuổi đời cách biệt rất xa, khắc phục những khác biệt cả về ngôn ngữ hay văn hóa. Không phải HLV nào cũng làm được điều ấy.
Xin được bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ đối với ông – người đã đem lại niềm tin và nguồn cảm hứng tuyệt vời cho bóng đá Việt!
Bình luận (0)