Dù tôi chưa bao giờ coi nhẹ công việc nội trợ hay xấu hổ vì điều đó nhưng tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên của mẹ là một tấm gương sáng cho chị em chúng tôi và nhiều người noi theo.
Mẹ về nhà chồng khi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, như nhiều phụ nữ cùng thế hệ với mẹ. Mẹ ước mơ được học y dược, nhưng điều đó khó thành hiện thực. Với những người sinh ra ở thập niên 1950 như ba mẹ tôi, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông và đi tiếp vào cao đẳng, đại học là điều không phổ biến như ngày nay. Bà ngoại kể, ngày ông hứa gả mẹ cho ba, nước mắt mẹ rơi ướt quyển tập học trò...
tin liên quan
Ba tháng sau khi mất con, cô gái hiến gần 120 lít sữa mẹĐể tưởng nhớ đứa con trai 6 tuần tuổi chẳng may qua đời vì dị tật tim bẩm sinh, một bà mẹ trẻ tại Mỹ đã hiến gần 120 lít sữa mẹ cho những em bé non yếu đang cần nguồn sữa tự nhiên từ mẹ.
Tôi vẫn nhớ những tháng năm mẹ làm dâu cơ cực, cơm chan nước mắt. Nhà nội cất ven sông, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ vào nước sông, và mọi người xung quanh cũng thế. Những tháng mùa khô nước cạn, mẹ hì hục múc từng thùng nước nhỏ đổ đầy cái lu to, lắng phèn cho cả nhà sử dụng.
Nhà có hai đứa con gái, mẹ cứ nhìn chúng tôi mà xót xa. Những thứ chất thải và rác đều đổ xuống sông, xác những con vật nuôi bị bệnh người ta mang vứt xuống sông, nước từ đồng ruộng đổ về đó... rồi cũng từ đó người ta lấy nước dùng cho sinh hoạt. Mẹ biết, dù phèn chua có thể biến nước đục trở nên trong vắt, nhưng không thể loại bỏ bao mầm bệnh, nhất là những bệnh về da, về mắt hay phụ khoa.
Năm tôi chừng tám tuổi, khu tôi ở bắt đầu có điện về, niềm hy vọng của mẹ cũng sáng lên theo ánh điện. Mẹ bảo, ba tôi tốt nghiệp đại học và là công chức, mẹ không muốn cách ba quá xa về kiến thức, trình độ. Và trên hết, mẹ muốn chúng tôi có đủ điều kiện về kinh tế lẫn động lực để bước vào đại học. Thế là mẹ xin ông bà nội đi học.
Nhưng việc thuyết phục ấy phải mất rất lâu mới được chấp nhận. Tất nhiên, từ chỗ đang có người lo cơm nước, giặt giũ và tất cả công việc hằng ngày... giờ phải làm nên ông bà nội và cô tôi không đồng ý, thậm chí họ hàng bên nội còn chỉ trích mẹ là “đua đòi”. Nhờ sự thuyết phục của ba và sự kiên trì của mẹ, cuối cùng ông bà nội cũng chấp nhận.
Khoảng thời gian đi học với mẹ vất vả vô cùng. Mỗi sáng mẹ phải dậy sớm lo mọi thứ tươm tất, chiều về còn phải làm những việc nhà tồn đọng đến tận khuya, nhưng mẹ rạng rỡ hơn bao giờ hết. Có thể với nhiều người, việc đi học là điều rất bình thường, nhưng với mẹ tôi, đó là một hành trình đầy gian khổ và nước mắt.
Với tinh thần hiếu học, mẹ luôn tìm tòi và học hỏi thêm từ những người đi trước cũng như từ sách báo chuyên ngành để cập nhật tri thức, củng cố kiến thức đã có. Mẹ xót xa khi chứng kiến những người dân vì thiếu kiến thức nên bị lừa gạt trong việc chữa bệnh dẫn đến tiền mất tật mang; những phụ nữ dành hết cuộc đời mình trong cái vòng luẩn quẩn: mang thai và sinh con hay những cô gái trẻ sợ sệt tìm đến hỏi cách giải quyết vì trót mang thai khi quan hệ tình dục mà không có biện pháp phòng ngừa...
Họ hoàn toàn xa lạ với thuốc tránh thai và xấu hổ không dám nói đến bao cao su. Chúng tôi từng nhiều lần suýt bật cười khi chứng kiến có người cầm đơn đến mua thuốc, bảo bị “rối loạn triều đình” (rối loạn tiền đình) hoặc vừa đi “chụp xung quanh” (chụp X-quang). Trước những tình huống đó, mẹ không bao giờ có thái độ cười cợt hay xem thường mà ân cần hướng dẫn, tư vấn, giúp họ gọi đúng tên bệnh và chỉ dẫn cặn kẽ.
Thị xã trở thành thành phố. Bắt đầu từ những hộ dân sống gần nhà cho đến bán kính xa hơn, mẹ vận động từng gia đình đăng ký sử dụng nước máy, không dùng nước sông nữa và xây nhà tắm để loại bỏ thói quen tắm nước sông. Bà cũng thường xuyên nhắc mọi người ăn chín, uống sôi và chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà kết hợp với trạm y tế phường, đi đến từng hộ dân để vận động diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm.
Bà phát thuốc tránh thai và bao cao su miễn phí cho người dân, tạo cho họ thói quen sử dụng, không còn xem đó là những điều cấm kỵ hay mắc cỡ khi nói đến nữa. Mẹ tôi còn thuyết phục nhiều người mua bảo hiểm y tế để được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe tốt, tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, tặng sách báo nhằm khuyến khích thói quen đọc để nâng cao hiểu biết...
Bà làm tất cả những điều đó một cách lặng lẽ nhưng rất quyết tâm, như một bản năng không thể tách rời.Không chỉ thế, mẹ còn đi đầu trong phong trào thể dục thể thao. Từ chỗ mọi người thờ ơ với thể dục, giờ đây cứ mỗi sáng cả khu xôn xao, í ới gọi nhau đi tập.
Trong cuộc sống hằng ngày, mẹ là một người vui vẻ, hài hước và luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Những mùa Trung thu, mẹ con tôi thường cho quà bánh những đứa trẻ nghèo, xách lồng đèn đi chơi cùng chúng. Với một hiệu thuốc tại nhà, mẹ thường cho người nghèo thuốc men và còn giúp đỡ thêm tiền bạc. Tiếng lành đồn xa, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến để xin thuốc men, hỗ trợ.
Mẹ dạy chúng tôi rằng, với người giàu không cần quá ân cần trong giao tiếp, nhưng với những người nghèo thì phải hết sức tế nhị... vì họ dễ tổn thương và tự ái lắm. Mẹ bảo mình may mắn được đủ đầy hơn người khác thì hãy cho đi. Dù gia đình chúng tôi không dư dả gì, nhưng bà vẫn luôn san sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh xung quanh. Ảnh hưởng từ cách sống đó, chúng tôi chưa bao giờ quay lưng với những người kém may mắn quanh mình.
Dù thời gian biểu hằng ngày gần như không còn trống, mẹ tôi vẫn dành ra ít nhất nửa tiếng để đọc sách báo và xem tin tức chuyên ngành. Bà tâm niệm, ngày nào còn sống, ngày đó phải sống có ích.
Thế nên, cứ mỗi khi gom góp được một khoản tiền, bà lại rủ các con đi đến các hội bảo trợ trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa... để tặng tiền, quà. Tôi rất tự hào về mẹ mình, và luôn xem bà là tấm gương để noi theo. Với tôi, mẹ là một người bình thường, nhưng không hề tầm thường.
Bình luận (0)