Hôm 25.12, các báo đồng loạt đưa tin về vụ con voi đực duy nhất còn lại ở rừng Tân Phú, tỉnh Đồng Nai bị sát hại. Việc voi bị thợ săn giết hại không phải là chuyện mới mẻ gì. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Nai, chỉ trong vòng hai năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có 9 con voi bị giết. Chuyện giết voi không mới nhưng mà lạ.
Lạ ở chỗ, cả 9 con voi bị chết oan trên đều có chung một kiểu giải thích: hoặc là chưa xác định được nguyên nhân voi chết, hoặc là cơ quan chức năng điều tra truy tìm thủ phạm. Và dĩ nhiên, sẽ có một kết cục như bao kết cục về các vụ săn bắn động vật quý hiếm mà không bắt quả tang kẻ chủ mưu: trôi vào quên lãng. Từ bây giờ, trên vùng rừng Tân Phú sẽ không có bất cứ một vụ giết voi nào nữa, vì con voi cuối cùng đã bị giết.
Các vụ giết voi ở Đồng Nai rồi sẽ rơi vào quên lãng nhưng đám tội phạm chuyên săn voi sẽ không dừng lại ở Đồng Nai. Chúng sẽ chuyển địa bàn hoạt động, lên Vườn quốc gia Yok Đôn chẳng hạn, nếu như cơ quan chức năng vẫn xem chuyện giết voi như giết... lợn lâu nay.
Chuyện “to như voi” làm nóng các trang báo đã đành, chuyện “bé như con đỉa” cũng thu hút sự chú ý của dư luận không kém. Trưa 24.12, hơn 100 công nhân Công ty TNHH Shillabags International đóng trên địa bàn xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã phải bỏ cơm và chạy như chạy giặc, sau đó là ngất xỉu phải cấp cứu tại bệnh viện khi thấy trên bàn ăn của mình xuất hiện “vật lạ”: những con đỉa. Những vị khách không mời mà có mặt giữa mâm cơm này chắc chắn xuất phát từ một cánh đồng gần đó. Chuyện sẽ không có gì phải bàn nếu như những tháng gần đây không xuất hiện những lời cảnh báo từ dư luận về việc thương lái Trung Quốc đã lùng sục về tận các vùng quê để thu mua đỉa! Chúng ta đều biết, đỉa là con vật cùng tồn tại trên các cánh đồng với người nông dân từ nghìn đời nay nhưng chưa bao giờ chúng được xem như kẻ “đồng hành” với họ cả. Thế nhưng, con vật gớm ghiếc này bỗng dưng có giá, lập tức xuất hiện “chuồng trại” để nuôi đỉa. Chưa thể khẳng định rằng những con đỉa xuất hiện ngay giữa mâm cơm của công nhân trên đây xuất phát từ một “chuồng trại nuôi đỉa” nào đó nhưng cũng không loại trừ việc người nông dân đã dung dưỡng cho con vật từng được xem là kẻ thù này.
Con vật cần được bảo vệ thì truy đuổi đến cùng để tận diệt cho bằng hết. Con vật cần phải tận diệt triệt để thì lại dung dưỡng chỉ vì một chút tham vặt mà không lường hết những nguy cơ.
Cách ứng xử trên đây không biết có xuất hiện ở một quốc gia nào nữa hay không? Chợt nhớ đến câu nói dạo nào đã trở thành câu cửa miệng của cố dịch giả Hoàng Ngọc Hiến: “Cái nước mình nó thế”!
Trần Đăng
Bình luận (0)