Là theo quy định thì các đơn vị sau khi có kết quả trúng thầu mua sắm thiết bị y tế thì phải báo cáo về Bộ Y tế, nhưng hầu như các địa phương không tuân thủ. Chỉ có các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thì có báo cáo.
Nhưng ngay trong dữ liệu được báo cáo từ các đơn vị tuân thủ quy định thì chênh lệch giá mua sắm thiết bị, vật tư y tế có trường hợp lên tới 5 - 6 lần cũng là chuyện có thật. Mà Bộ dường như cũng chẳng làm được gì hơn. Vì diễn giải lý do thì đúng là rất thuận đường để có thể bỏ qua: cùng một tên trang thiết bị, hóa chất xét nghiệm hay vật tư y tế nhưng có nhiều, thậm chí có đến hàng trăm chủng loại khác nhau, tính năng kỹ thuật, đóng gói khác nhau; thời điểm xây dựng giá kế hoạch khác nhau... nên giá mua sắm sẽ khác nhau.
Nói thật, một gói thầu trang thiết bị tiền tỉ thì trên thực tế để đi đến bước trao hợp đồng thắng thầu đã phải trải qua cả trăm thứ thủ tục kiểm soát và thẩm định hồ sơ nhìn rất chặt chẽ, có trường hợp phải bao gồm cả khâu thuê thẩm định giá. Nhưng đôi khi, quy trình và thủ tục chặt chẽ là một lớp vỏ bọc kiên cố để che chắn cho những chiêu thức đẩy giá mua sắm lên trời. Vì, quy trình nào thì cũng phải xây dựng và áp dụng dựa trên một giả định chung, rằng các bên liên quan đến quá trình mua sắm sẽ giữ đúng vai của mình, nhất là những bên giữ vai trò giám sát và kiểm soát.
Vậy nên, nếu bên mua, bên bán và bên giám sát, kiểm soát chơi trò “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thì coi như quy trình thủ tục chỉ còn là một thứ trò chơi đánh lừa pháp lý. Muốn có thẩm định giá thì có thẩm định giá, đâu ra đó. Muốn có hồ sơ năng lực nhà thầu đẹp như ý cũng có luôn. Chẳng có hồ sơ nào là không tạo dựng được khi mà người giữ vai trò kiểm soát đã nhắm mắt làm ngơ.
Công chúng có quyền được hỏi câu hỏi này với Bộ Y tế không? Là hỏi tại sao phải đợi đến khi có phi vụ nâng giá mua máy xét nghiệm Covid-19 rất lố bịch bị đổ bể thì mới nghe Vụ Trang thiết bị và công trình y tế của Bộ Y tế lên tiếng giải thích kiểu than thở bất lực là các địa phương không chịu báo cáo Bộ về kết quả xét thầu mặc dù đã có quy định. Lời giải thích nghe như lời than thở của một nạn nhân bị liên đới trách nhiệm rất đáng cảm thông.
Rồi vội vã xây dựng phần mềm để các đơn vị thuộc Bộ và các tỉnh, TP cập nhật về các gói thầu, giá kế hoạch, kết quả trúng thầu mua sắm thiết bị y tế...
Cấp Bộ mà cứ đặt mình vào tình thế vội vã đầy éo le đến thế thì e rằng nhiều chuyện đổ bể éo le khác của ngành chắc vẫn đang rình rập phía trước.
Bình luận (0)