Cho tới khi mất, một người bạn nghề cho biết nghệ sĩ Văn Hiệp chỉ còn 32 kg. Nhưng trước cả khi lâm trọng bệnh, người vào vai ông trưởng thôn lừng danh cả nước này cũng nhỏ xíu. “Lúc học kịch nói trong trường, các thầy luôn đánh giá Văn Hiệp là học sinh cần mẫn, chăm chỉ, thông minh, luôn đạt điểm cao trong các môn học. Tuy nhiên, vào môn học chính là môn nghệ thuật biểu diễn thì bao giờ Hiệp cũng chịu thiệt thòi vì hình thể nhỏ thó của anh khiến các thầy không thể nào phân công đóng vai chính được”, NSND Doãn Châu nhớ lại.
Văn Hiệp từ thuở học nghề chỉ được chọn để đóng các vai có tính cách rõ nét. Nói kiểu trường sân khấu là “làm mắm, làm muối” cho vở diễn thêm đậm đà. Thế nhưng, ngay cả mắm muối, ông diễn cũng sâu đậm lắm. Đến nỗi, sau khi ông rời khỏi Nhà hát Kịch VN, vai Ốc trong vở Ngao Sò Ốc Hến đã trở thành điều không may cho nghệ sĩ tiếp theo nhận vai vì khó lòng vượt qua được những gì Văn Hiệp thể hiện. Cũng theo NSND Doãn Châu: “Văn Hiệp cố gắng làm một thứ “mắm muối” có hạng... Đó là sự thông minh và duyên dáng trong cách sáng tạo nhân vật của những vai diễn mà trong bảng phân vai được dành dòng cuối là... cùng toàn thể nghệ sĩ tham gia biểu diễn”.
Khi công chúng nhớ và nhái lại điệu bộ của ông trong nhiều lớp tiểu phẩm, hay lúc bạn bè đứng chật cánh gà để nhìn ra xem ông diễn, cũng là thời điểm Văn Hiệp khẳng định lại rằng không có vai diễn nhỏ. Nhưng các nghệ sĩ sân khấu tại nước ta lại thường chỉ được vinh danh “chính quy” khi nhận những vai diễn lớn. Thang giá trị của nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân như thường lệ là các giải thưởng liên hoan sân khấu toàn quốc, cùng các giải thưởng được cho phép quy đổi khác. Ở đó, những vai diễn mặn mà của Văn Hiệp không có chỗ, trừ khi là đặc cách. Mà cơ hội để được đặc cách như trường hợp Văn Hiệp là không có.
Nói đến giải thưởng, nếu quy chế này không thay đổi, sẽ còn nhiều nghệ sĩ như vậy nữa. Ngay cả “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết cũng trong danh sách đặc cách. Nhiều nghệ sĩ Sân khấu kịch IDECAF tại TP.HCM liệu có dễ dàng được danh hiệu hay không nếu cứ liên tiếp không dự liên hoan sân khấu vì tiêu chí liên hoan và tiêu chí làm nghề khác nhau? Những người trong nhóm “và các nghệ sĩ diễn viên khác” như nghệ sĩ thiết kế ánh sáng bao giờ được vinh danh? Trong khi đó có những liên hoan chất lượng nghệ thuật không cao, người trong nghề rỉ tai nhau tham dự chỉ để lấy huy chương quy đổi.
Từ khoảng trống Văn Hiệp để lại với những vai diễn dân dã, gần gũi, người người nhà nhà thương mến, chợt nhận ra rằng đã thực sự công bằng với nghệ sĩ tài danh như ông? Và nếu những khoảng trống ghi nhận như Văn Hiệp vẫn còn, công chúng sẽ tiếp tục xót xa thêm biết mấy.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)