Ứ hàng trăm ngàn tỉ đồng chưa chi
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM tại buổi làm việc chiều 27.11, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay tính đến ngày 25.11, tổng số vốn TP.HCM đã giải ngân đạt 12.665 tỉ đồng trong tổng số 37.463 tỉ đồng vốn được giao (đạt tỷ lệ 34%) và thuộc top giải ngân thấp nhất cả nước.
Lý giải về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, người đứng đầu UBND TP.HCM nhắc đến dịch Covid-19 nên việc chuẩn bị đầu tư các dự án trong năm 2021 bị ngưng trệ. Trong các tháng đầu năm 2022, thành phố phải tập trung đẩy nhanh các thủ tục nên tỷ lệ giải ngân cũng thấp. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia nên việc nhập máy móc, thiết bị chậm, dẫn đến tiến độ các dự án thi công chậm nên không giải ngân được vốn.
Cần thúc đẩy tháo gỡ các điểm “nghẽn” để dòng vốn lưu thông trong kinh tế |
Ngọc Thắng |
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Chủ tịch TP.HCM cho biết đã triển khai nhiều giải pháp như ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tiếp đến là thành lập 3 tổ công tác để tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm dự án có số vốn được giao lớn trong năm 2022. Khi điều hành, thành phố thực hiện linh hoạt, điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân thấp cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, hấp thu vốn tốt. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án tại hiện trường…
Không chỉ riêng TP.HCM, báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy tính đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của cả nước chỉ đạt 46,44% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch vốn giao cùng kỳ năm trước. Trong đó có 30 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, thậm chí nhiều ngành dưới 30% như Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Hà Giang, Phú Yên...
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhận định việc giải ngân đầu tư công gần đây có nhanh hơn trước nhưng vẫn chậm. Có nhiều lý do vướng mắc cũng được các bộ ngành đánh giá từ cơ chế đến giải phóng mặt bằng, tâm lý lo sợ của một số quan chức… Việc giải ngân đầu tư công chưa như mong muốn khiến cho một lượng tiền rất lớn lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng ngân sách qua phát hành trái phiếu chưa chi được. Hay tổng thể, gói hỗ trợ nền kinh tế 350.000 tỉ đồng đến nay ước tính mới thực hiện được khoảng 60.000 tỉ đồng, còn gần 300.000 tỉ đồng chưa thực hiện được. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh chi tiêu hàng trăm ngàn tỉ đồng đầu tư công đang ứ đọng thì cũng có ý kiến cho rằng, các gói hỗ trợ không còn “hợp thời” cần phải linh hoạt chuyển tiền đó sang các lĩnh vực khác.
TS Võ Trí Thành chia sẻ, mấu chốt tháo điểm nghẽn thị trường vốn hiện nay vẫn là tháo ngòi nổ trái phiếu. Đó là minh bạch thông tin và nhà hoạch định chính sách phải cam kết rất rõ ràng về trái phiếu. Thứ hai, cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn này phải làm sao cho hài hòa hơn, khéo hơn. Thứ ba, Trung Quốc mới đây vừa tung ra gói giải cứu thị trường bất động sản, tập trung vào 3 điểm cơ bản: Một là, nới ít nhiều điều kiện cho vay với bất động sản; hai là, nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở; ba là, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp quay lại vận hành. VN có thể nhìn vào đó để tham khảo với cách làm cho phù hợp.
Quyết liệt tháo điểm nghẽn vốn cho nền kinh tế
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định ở trong nước, các biện pháp của Chính phủ nhằm xử lý những bất cập, tồn tại nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ nhưng ở chiều ngược lại, cũng khiến cho dòng vốn bị ngưng trệ. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như kinh tế đang ổn, nhưng thực chất bên trong lại có sóng ngầm, đặc biệt là vấn đề niềm tin. Vì vậy dẫn đến nghịch lý, thị trường không thiếu tiền nhưng lại thiếu vốn.
Ông nêu ví dụ: bản thân ông có 50.000 đồng trong túi, nếu để nguyên thì đây vẫn chỉ là tiền. Nhưng nếu ông đi ăn tô phở thì 50.000 đồng đó sẽ chuyển thành vốn của bà bán phở. Từ 50.000 đồng đó, bà bán phở sẽ chuyển thành vốn cho người bán bún, bán thịt, bán rau… Như vậy, đồng tiền nếu để nằm “chết” ở chỗ nọ chỗ kia mà không được luân chuyển, lưu thông và xoay vòng trong nền kinh tế có nghĩa là không chuyển thành dòng vốn được. Đầu tư công đã được xác định là một công cụ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng dòng vốn khoảng 900.000 tỉ đồng đầu tư công của Chính phủ vẫn đang “bất động”. Để khai thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ cần nhiều giải pháp nhưng giải ngân vốn đầu tư công phải đi đầu. Bởi khi khai thông được nguồn vốn này thì sẽ lan tỏa cao hơn từ các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng…
TS Trần Du Lịch phân tích, hiện Chính phủ cũng đã nhận rõ điều này và đang thúc đẩy quyết liệt các địa phương, bộ ngành. Chẳng hạn như tại buổi làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã giao cụ thể các bộ ngành vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm mà lãnh đạo TP.HCM đã nêu với những nút nghẽn cụ thể. Khi gỡ được điểm nghẽn đầu tư công, TP.HCM sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển. Hay như việc Thủ tướng Chính phủ đã từng phát biểu dự án nào không thực hiện có thể điều chuyển vốn sang địa phương khác, ngành khác.
Khu vực tư nhân cũng bị vướng chủ yếu ở thủ tục hành chính
TS Trần Du Lịch góp ý: “Giải ngân đầu tư công là giải pháp then chốt ở thời điểm này để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Nếu kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra đúng tiến độ, sẽ là kênh tạo vốn rất mạnh cho thị trường. Không chỉ các dự án đầu tư công bị nghẽn mà ngay khu vực tư nhân cũng bị vướng chủ yếu ở thủ tục hành chính khá nhiều. Cần tập trung giải quyết và tháo gỡ để dòng vốn được hấp thu vào nền kinh tế, từ đó mới tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động, kinh tế tăng trưởng…”.
Bình luận (0)