Vốn công ì ạch, phục hồi kinh tế phập phồng: Gỡ nút thắt, thêm liều thuốc mạnh

30/05/2022 06:08 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với sự ì ạch, chậm trễ trong giải ngân vốn cho các dự án đầu tư, cần phải có liều thuốc mạnh mới có thể trị dứt điểm thay vì kêu ca, than phiền từ năm này qua năm khác.

Nêu ý kiến tại kỳ họp 3 Quốc hội (QH) khóa XV, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận định, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được nói nhiều từ nhiều kỳ họp QH trước; song tới nay vẫn chưa đưa ra được các giải pháp để tạo sự chuyển biến. Từ góc nhìn địa phương, ĐB Bé cho rằng, vấn đề đầu tiên phải khắc phục là làm sao để kịp thời phân bổ vốn ngay cho địa phương. ĐB Bé đề nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo để việc phân bổ vốn kịp thời để các bộ, ngành địa phương thực hiện được tốt.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng chậm tiến độ

Ngọc Dương

“Từ khi QH bấm nút thông qua (kế hoạch, dự án đầu tư - PV) cho tới triển khai đến địa phương phải mất mấy tháng trời thì việc giải ngân chậm là đương nhiên”, bà Bé nói. Dẫn chứng ngay gói kích thích phục hồi kinh tế lên tới 347.000 tỉ đồng được QH thông qua từ đầu năm 2022 nhưng việc triển khai tới nay vẫn rất chậm, ĐB Bé cho biết, hiện địa phương đang rất lo, nếu không triển khai sớm sẽ không kịp vì thời gian thực hiện gói hỗ trợ này chỉ đến năm 2023.

Vấn đề thứ hai cần khắc phục, theo ĐB tỉnh Kiên Giang, là các thủ tục triển khai các dự án đầu tư trong luật Đấu thầu còn nhiều rắc rối, mất quá nhiều thời gian. Dẫn ví dụ tình trạng thời gian qua nhiều bệnh viện không thực hiện được đấu thầu thuốc khiến bệnh nhân phải mua thuốc ở bên ngoài với giá cao, ĐB Bé kiến nghị QH sớm sửa đổi luật Đấu thầu và các quy định liên quan để khắc phục các thủ tục rườm rà, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án sớm triển khai, đem lại hiệu quả tốt hơn.

“Điểm mặt, chỉ tên”, xử lý trách nhiệm

Trong khi đó, nhiều ý kiến lý giải việc chậm giải ngân vốn đầu tư chủ yếu nằm ở khâu chuẩn bị đầu tư. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đánh giá, công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đối với các dự án là yếu. “Dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng các bộ, ngành, địa phương không phân bổ được hết ngay từ đầu năm, mà phân bổ nhiều lần trong năm. Cái yếu trong khâu dự toán sẽ dẫn đến vấn đề chậm chạp trong khâu thực hiện, vướng vấn đề này vấn đề kia”, ông Hưng phân tích. Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn câu danh ngôn: “Nếu cho tôi 6 giờ đốn củi, tôi phải dùng 4 giờ để mài rựa” để nhấn mạnh: khâu chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu chủ yếu.

Chuẩn bị đầu tư “có vấn đề” cũng là điều được Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh. Chủ tịch QH cho biết, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển KT-XH được QH thông qua từ tháng 1.2022, nhưng tới tận 23.5, Chính phủ mới trình danh mục dự án cho Ủy ban Thường vụ QH. “Mà danh mục chỉ có tên danh mục chứ không phải là loại đã chuẩn bị đầu tư xong đâu. Đặc biệt, 14.000 tỉ đồng cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào”, Chủ tịch QH nói. Ông Huệ cho rằng, khâu chuẩn bị đầu tư không tốt là nguyên nhân chính khiến giải ngân ì ạch. “Không chuẩn bị đầu tư xong thì không phân bổ được, không phân bổ được thì có gì mà giải ngân”, Chủ tịch QH nói.

Với một căn bệnh đã trở nên “trầm kha”, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có liều thuốc mạnh mới có thể đặc trị. Báo cáo thẩm tra KT-XH cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022 kiến nghị Chính phủ báo cáo rõ 17 bộ, ngành chưa thực hiện giải ngân. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng đề nghị cần báo cáo rõ địa chỉ nào, ngành nào, địa phương nào còn chậm trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và có biện pháp xử lý để thúc đẩy việc này. Chủ tịch QH cho rằng, việc không “điểm mặt, chỉ tên”, không ai bị xử lý trách nhiệm chính là một phần nguyên nhân khiến những tồn tại trong đầu tư công trở thành căn bệnh trầm kha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.