Vốn FDI mới từ Mỹ sẽ tăng?

21/11/2024 06:19 GMT+7

Vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào VN được dự đoán sẽ ghi nhận những tác động rõ rệt của chính sách dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Dù vậy, mục tiêu thu hút 40 tỉ USD vốn FDI năm nay khó về đích.

Sẽ có cú hích mới từ thu hút vốn FDI

Một loạt thông tin trên các hãng thông tấn thế giới và dự báo của các chuyên gia trong thời gian gần đây cho thấy sẽ có cú hích vốn FDI vào VN trong thời "Donald Trump 2.0".

Mới đây, Công ty Universal Microwave Technology - một trong những nhà cung cấp linh kiện cho SpaceX, công ty của tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk - công bố mức đầu tư 12 triệu USD tại VN qua nhiều giai đoạn. Số vốn này sẽ được đưa vào Công ty TNHH Universal Microwave Technology (VN). Theo công ty này, khoản đầu tư tăng thêm nhằm phục vụ quá trình phát triển chung của doanh nghiệp, trong đó có việc lập thêm những cơ sở sản xuất ở nước ngoài. 

Theo giấy chứng nhận được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cấp hồi tháng 3 năm nay, Universal Microwave Technology (VN) đang có dự án đầu tư 5 triệu USD với diện tích 3.360 m2 trong Khu công nghiệp Thăng Long (Vĩnh Phúc), có công suất hằng năm khoảng 48.000 linh kiện kim loại của vệ tinh. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được đưa vào vận hành sản xuất chính thức trong tháng cuối năm nay. Ngoài nhà máy tại Vĩnh Phúc, theo Reuters, còn có ít nhất 3 công ty đối tác của SpaceX đang có kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất mới tại VN.

Vốn FDI mới từ Mỹ sẽ tăng?- Ảnh 1.

Theo chuyên gia, VN cần đẩy mạnh phát triển dòng điện sạch để đón dòng thương mại đòi hỏi nhu cầu năng lượng sạch

ẢNH: Hoàng Nguyễn

Trước đó, hồi cuối tháng 9, trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm tại TP.New York (Mỹ), ông Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao SpaceX, cho biết tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD tại VN. Dịp này, trong khuôn khổ lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa đại diện UBND tỉnh Hưng Yên với các đối tác phía Mỹ tại Florida, Tập đoàn Trump Organization (thuộc sở hữu gia đình Tổng thống đắc cử Donald Trump) cũng đã ký với Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc thỏa thuận hợp tác phát triển dự án khách sạn, sân golf và khu dân cư.

Theo các chuyên gia, việc dự án của các tỉ phú Mỹ tham gia mở rộng và đầu tư mới tại VN có ý nghĩa quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư mới từ nước này. Tại TP.HCM, dự kiến sẽ có một phái đoàn các quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ cùng tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm IPO và đóng góp ý kiến xây dựng trung tâm tài chính của châu Á; Công ty Smart Tech Group Vietnam - công ty con của Smart Tech Group (Mỹ) cũng đề xuất với UBND TP.HCM được đầu tư một nhà máy sản xuất pin để lưu trữ điện năng với vốn dự kiến từ 340 - 850 triệu USD. Nếu có đất và kịp hoàn tất thủ tục, dự án có thể được triển khai trong năm 2025. 

Ngoài ra, Tập đoàn Marvell (Mỹ) cũng đang chuẩn bị mở rộng các trung tâm thiết kế chip tại TP.HCM. Không chỉ FDI từ Mỹ, mới đây, Tập đoàn QuickPack (Đức) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Đồng Tâm (VN) để thuê đất tại một khu công nghiệp ở Long An xây nhà máy sản xuất bao bì các loại dùng trong ngành thực phẩm với mức đầu tư dự kiến lên đến 30 triệu euro, khởi công trong năm 2025. Đáng lưu ý, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng trong xu hướng chuyển dịch tiếp tục gia tăng và được dự báo tiếp tục tăng là lợi thế cho VN có thể đột phá FDI từ nay đến cuối năm.

Chuyên gia kinh tế, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét năm 2024 ngoài mục tiêu thu hút khoảng 39 - 40 tỉ USD thì tỷ lệ giải ngân có thể tăng mạnh, khoảng 25 tỉ USD. "VN đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chính trị xã hội ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế tương đối cao…", GS Nguyễn Mại đánh giá.

Cải cách hơn nữa để cạnh tranh thu hút vốn

Năm nay, Chính phủ dự kiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ đạt con số tương đương năm ngoái, tức là khoảng 39 - 40 tỉ USD. Tuy nhiên, sau 10 tháng, con số mới đạt gần 27,26 tỉ USD, còn cách mục tiêu hơn 12 tỉ USD. TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, chỉ ra quan sát cho thấy xu hướng chuyển sản xuất, đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có VN là tương đối nhiều. Trong 10 tháng, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan vào VN đều tăng tốt. Bên cạnh đó, xu hướng dòng vốn từ châu Âu, Mỹ cũng khá lạc quan. Tuy nhiên, để "lấp đầy" hơn 12 tỉ USD vốn FDI trong 2 tháng cuối năm để đạt mục tiêu đề ra là thách thức lớn và khó đạt được.

"Con số 40 tỉ USD là mục tiêu đưa ra để phấn đấu, dựa trên tình hình chung và diễn biến thương mại toàn cầu từ đầu năm, chứ không phải chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội giao cho Chính phủ và trong thực tế nó không nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ trước biến động địa chính trị trên thế giới. FDI phụ thuộc cả yếu tố đẩy và kéo. Về đẩy thì Chính phủ nỗ lực tạo lực hút bằng hoàn thiện hạ tầng để thu hút dòng vốn mới lẫn mở rộng. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào chính nhà đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, nếu nói về dòng vốn chuyển dịch, thì trước đây có thể đổ vào VN nhiều, nhưng dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, cũng có thể nhà đầu tư "thích" quay về Mỹ hơn. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị xảy ra tại châu Âu cũng hạn chế dòng vốn đầu tư mạo hiểm, xa tổ quốc bởi lo ngại khó kiểm soát được. Tình hình địa chính trị còn phức tạp thì quyết định đầu tư rất khó lường".

Tuy vậy, TS Nguyễn Quốc Việt gợi ý VN nên "làm tốt hơn nữa" một số điểm trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là có kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo dồi dào, qua đó giúp tiếp nhận được dòng vốn sản xuất xanh, sạch; dòng thương mại đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn liên quan cam kết Net Zero. Thứ 2, đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa và đây là vấn đề "trong tầm tay của mình", nếu làm tốt sẽ tạo sự tin cậy cao từ nhà đầu tư. Khi đã có lòng tin, nhà đầu tư sẽ có quyết định chóng vánh hơn, chấp nhận mạo hiểm khi thấy cơ hội tốt. Thứ 3, phải tạo hạ tầng cứng, hạ tầng mềm tốt, phát triển logistics, vận tải, mạng… để có thể cạnh tranh về chi phí đầu tư với các nước lân cận trong khu vực.

Trong lĩnh vực bán dẫn, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ ưu tiên sản xuất ở Mỹ nhưng chuỗi cung ứng sẽ nằm ở nước ngoài. VN có lợi thế khi là nơi được Samsung, Intel chọn mở nhà máy. Ngay cả khi sản xuất bán dẫn trở lại Mỹ, vai trò mắt xích của VN trong chuỗi cung ứng bán dẫn vẫn có thể được nâng cao hơn.

PGS-TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.