Vốn ngoại bắt đầu tăng tốc

19/08/2023 07:08 GMT+7

Bất chấp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên toàn cầu chưa hết khó khăn, song bức tranh kinh tế VN đầu quý 3 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt trong thu hút vốn ngoại hứa hẹn có nhiều dự án lớn…

FDI từ Trung Quốc tăng nhanh

Ngày 14.8 vừa qua, tại Nam Định, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) đã ký kết thỏa thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao, quy mô 14.000 tấn mỗi năm tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận của Công ty CP xây dựng hạ tầng Đại Phong. Dự án sẽ được khởi công vào tháng 9 tới và hoàn thành cuối năm sau, dự kiến thu hút hơn 1.000 lao động tại địa phương.

Trước đó, đầu tháng 8, Công ty Greenwich Management Limited (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology - Trung Quốc) cũng nhận giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy Innovation Precision tại Nghệ An với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD. Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, nhà máy này sẽ tập trung sản xuất hợp kim nhôm cho ngành sản xuất điện tử tiêu dùng, năng lượng xanh… và dự kiến đến tháng 10.2024 có thể đưa vào hoạt động. Đây cũng là dự án đầu tiên tập đoàn này đầu tư ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Trước đó nữa, Nghệ An cũng đón dự án của nhà đầu tư Runergy (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư 293 triệu USD, chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử, bán dẫn như thanh silic, tấm đĩa bán dẫn… và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2025.

Vốn ngoại bắt đầu tăng tốc - Ảnh 1.

Vốn FDI vào lĩnh vực điện tử, bán dẫn tăng

NGỌC THẮNG

Sau khi chính thức mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng biện pháp zero-Covid, vốn FDI từ Trung Quốc vào VN có sự thay đổi rõ rệt. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), FDI từ Trung Quốc vào VN đang có chiều hướng tăng mạnh. Trong 7 tháng qua, có 2,33 tỉ USD vốn từ Trung Quốc đổ vào VN, xấp xỉ cả năm 2022, vượt Nhật Bản. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại VN. Thậm chí, nếu xét về số lượng dự án mới thì Trung Quốc đang dẫn đầu với 325 dự án. 

Một trong những ngành các nhà đầu tư đang nhòm ngó tại thị trường VN là linh kiện điện tử và chất bán dẫn. Ngoài Runergy, mới đây, người đứng đầu Tập đoàn Victory Gaint Technology - nhà sản xuất chuyên sản xuất và kinh doanh các loại linh kiện điện tử, chất bán dẫn hàng đầu ở Trung Quốc - cũng có kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh với quy mô dự kiến 400 triệu USD; ước giá trị sản xuất mỗi năm của nhà máy đạt giá trị khoảng 1 tỉ USD.

Trước đó, thông tin cho thấy 2 nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng hàng đầu của Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư hơn 1 tỉ USD để xây dựng mới và mở rộng nhà máy ở VN. Trong đó, Xiamen Hithium Energy Storage Technology có thể đầu tư một nhà máy 900 triệu USD tại Hải Dương, còn Growatt New Energy mở rộng nhà máy ở Hải Phòng, với quy mô khoảng 300 triệu USD.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét: "Quan sát gần đây tôi thấy dòng vốn FDI từ Trung Quốc rất đáng chú ý. Vốn đầu tư mới từ Trung Quốc không những tăng mà sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây là phần vốn ngoại góp thêm cho đầu tư FDI của VN đa dạng và phong phú theo xu hướng mới chứ không hẳn là chủ yếu. Cũng cần lưu ý là FDI Trung Quốc ngày nay không hẳn là dự án nhỏ li ti hay công nghệ cũ lạc hậu mà lĩnh vực năng lượng, bán dẫn… với số vốn hàng trăm triệu USD".

Vốn ngoại bắt đầu tăng tốc - Ảnh 2.

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Đồ họa: Bảo Nguyễn

Đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư xanh

Ngoài các dự án trên, sự kiện đáng lưu ý trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài diễn ra gần đây là việc tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ ra mắt các nhà đầu tư và trao quyết định chủ trương đầu tư cho chuỗi các dự án khí - điện khí (LNG) Sơn Mỹ. Đây là khởi đầu cho việc triển khai đầu tư 4 dự án quy mô lớn, gồm kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ, Trung tâm điện lực Sơn Mỹ; đấu nối Trung tâm điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện quốc gia và dự án đường ống dẫn khí Sơn Mỹ - Phú Mỹ. 

Trong số các nhà đầu tư tham gia chuỗi dự án này, ngoài Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) và Tập đoàn Thái Bình Dương của VN, còn có một số nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ là AES, từ Pháp có EDF và Kyushu, Sojitz đến từ Nhật Bản. Trong đó, AES và Sojitz là hai nhà đầu tư đã triển khai các dự án hàng tỉ USD ở VN. Với chuỗi dự án điện khí này, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục rót vào VN hàng tỉ USD nữa. 

Theo kế hoạch, riêng Trung tâm điện lực Sơn Mỹ bao gồm hai nhà máy Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 có tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỉ USD. Chuỗi các dự án khí - điện khí (LNG) Sơn Mỹ không chỉ là dự án lớn được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mà nó đóng góp lớn vào chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh của VN trong thu hút FDI. Đây cũng là chiến lược quan trọng của VN trong thu hút vốn ngoại.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, đã xuất hiện "đại bàng" đến làm tổ, xuất hiện nhà đầu tư lớn, mới... Tuy nhiên, ông bày tỏ băn khoăn về những rào cản đánh mất cơ hội kéo vốn ngoại vào VN mà theo ông là "không mới nhưng dai dẳng từ ngày này sang tháng nọ". Đó là cải cách hành chính có sự thay đổi nhưng không có sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng đều tại các địa phương. Nơi nào cải cách mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài đến nhanh thì dự án mới tăng hằng tháng. Đổi lại, địa phương có độ ỳ cao, một dự án 5 - 7 năm duyệt chưa xong thì số dự án mới rất hiếm, đặc biệt đất thì còn, nhưng nhà đầu tư dự án lớn, cần diện tích đất lớn lại không tìm đến. 

"Nếu chúng ta không cải thiện được nạn tham nhũng vặt, quan liêu thì rất khó để có sự đột phá trong FDI. Đặc biệt, lúc này, cạnh tranh thu hút dự án xanh, sạch rất quan trọng, các nước đều có chính sách thu hút bằng mọi giá, VN nếu chậm cải cách sẽ tự đánh mất cơ hội…", GS Nguyễn Mại nhận định và bổ sung, điều tích cực trong thời gian qua là vốn FDI đổ vào dự án đầu tư lĩnh vực xanh đã tăng 15% ở hầu hết các khu vực và lĩnh vực. 

Các ngành đang vật lộn về chuỗi cung ứng như điện tử, chất bán dẫn, ô tô đã chứng kiến sự gia tăng số lượng dự án, trong khi lượng FDI đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số chậm lại. Trong thời gian tới, nguồn năng lượng, tập trung chính là năng lượng tái tạo, đang cần hàng chục ngàn tỉ USD để đầu tư. Thế nên, cần có chính sách khuyến khích thu hút vốn ngoại vào năng lượng tái tạo là cực kỳ quan trọng.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhận định: Chiến lược của VN trong thu hút FDI là phải có những "đại bàng" lớn để dẫn dắt các ngành chủ lực và đưa doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này không được phép chậm nữa mà phải tăng tốc mới kịp, nếu không, chúng ta sẽ để lãng phí những chuyến đi ngoại giao cao cấp của Chính phủ, để các dự án lớn "chảy" sang các nước khác trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực ngày càng khốc liệt. 

Từ nay đến năm 2030, chúng ta cần 135 tỉ USD để thực hiện. Nhưng chính sách thu hút đầu tư và năng lượng tái tạo đến nay vẫn chưa rõ ràng. Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 vẫn chưa đâu vào đâu nên nhiều nhà đầu tư điện khí, điện gió, cho dù rất muốn tham gia sớm vào thị trường VN cũng đang ngần ngại. Chúng ta cần nguồn vốn ngoại lớn để đầu tư nguồn điện sạch từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2040… Muốn vậy phải có quy định pháp lý cao nhất, xây dựng được luật năng lượng tái tạo, để nhà đầu tư có cơ sở, yên tâm hơn mới dám bỏ vốn ra làm.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm

Thị trường bất động sản nội chờ dòng vốn ngoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.